Bạc Liêu: Thu gom rơm rạ đắt như tôm tươi, nâng cao thu nhập cho nông dân
Mô hình thu rơm bằng máy cuốn được phát triển và nhân rộng đã góp phần đáng kể để nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Khoảng vài năm trở lại đây, người dân đã mạnh dạn đầu tư mua máy cuộn rơm để giải quyết trước mắt nhu cầu sử dụng rơm của người chăn nuôi, trồng trọt... rất tiện lợi, giảm được nhân công và chi phí xử lý nguồn rơm phế thải và chấm dứt được tình trạng đốt đồng gây ô nhiễm.
Trưa nắng như đổ lửa, trên cánh đồng thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, ông Trà Văn Khởi, Ấp Cái Dầy, thị trấn Châu Hưng vẫn cần mẫn lái chiếc máy cày chạy trên cánh đồng rộng mênh mông để cuốn rơm rạ. Chiếc máy cày chạy theo những lối mà máy cắt đã chạy. Chưa đầy mười phút, từ máy cuộn rơm lại đùn ra cuộn rơm lớn được bó cứng bằng dây.
Mấy hôm đầu tiên, chỉ có máy cuộn rơm của ông Khởi hoạt động nên khách hàng phải đặt trước mới có rơm bốc lên ô tô chở đi. Sau đó, một số người có máy cày cũng làm theo. Họ đầu tư mua máy cuộn rơm để thu rơm rạ. Vì vậy, chỉ khoảng một tháng sau khi gặt thì rơm rạ trên đồng đã được dọn sạch. Theo những người có máy cuộn rơm, trung bình cứ mỗi ha lúa gặt xong thì cuộn được chừng 150 cuộn rơm. Nếu bán cho người mua giá trên 30 ngàn đồng/cuộn thì sẽ có được khoảng hơn 5 triệu đồng
Ông Trà Văn Khởi cho biết, “lượng rơm rạ thu được nhiều hay ít tùy thuộc vào máy gặt cắt cao hay thấp. Một ngày 1 máy có thể cuộn được khoảng 500 cuộn, trừ chi phí có thể mình thu lãi được khoảng 2 triệu đồng. Hiện thì cứ khoảng 10 người là có 9 người họ bán rơm cuộn rồi”
Thay vì đốt bỏ như trước đây thì bây giờ máy cuộn rơm đã giúp cho nông dân đỡ bớt phần vất vả do phải xử lý và cải tạo đồng ruộng sau thu hoạch. Máy cuộn rơm ra đời là một giải pháp giúp người dân giải quyết được số lượng rơm lớn trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời có thêm thu nhập cho người nông dân.
Ông Dương Văn Dễ, Ấp Bà Chăng, thị trấn Châu hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho hay, “có máy cuộn rơm này mình vừa đỡ chi phí nhân công như khỏi đốt đồng, lại có thêm tiền. Nếu mình đốt thì dễ cháy lan ra vườn tược của bà con cô bác nằm sát với bên ruộng, cũng gây nguy hiểm lắm”.
Ông Lê Hữu Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu chia sẻ, cơ giới hóa trong sản xuất, đặc biệt là cái máy cuộn rơm rất là hiệu quả của bác nông dân. Nông dân không phải đồng, không đốt rơm, từ đó sẽ không ảnh hưởng tới sức khỏe con người và không ảnh hưởng tới môi trường.
“Trong quá trình cuốn rơm như vậy bà con nông dân đã làm sạch đồng ruộng của mình và đặc biệt của bác bán rơm và công tác thu hoạch được cho những vùng trồng rau màu đó cũng là một cách tăng thêm lợi nhuận, ông Lê Hữu Ân cho biết thêm.
Trước đây, người dân muốn trồng nấm rơm, làm rẫy hay vận chuyển về làm cây rơm để chăn nuôi gia súc thì phải làm bằng thủ công, rất tốn công và thời gian vận chuyển. Hiện giờ, máy cuộn rơm đã giúp người dân với nhiều tiện lợi khi cần sử dụng rơm.
Máy cuộn rơm đã góp phần loại bỏ tập quán đốt đồng gây nguy hiểm và ô nhiễm môi trường, đồng thời giúp người nông dân có được nguồn thu nhập tăng thêm, cũng như tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm nông nghiệp.