Bạc Liêu - 'Thủ phủ' tôm và điện sạch đầu tiên ở Việt Nam
Những năm gần đây, Bạc Liêu đã thu hút nhiều công ty, tập đoàn đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác làm ăn. Dù là một tỉnh nghèo, ở gần cuối đường của đất nước, nhưng Bạc Liêu đã trở thành tỉnh thu hút nguồn lực công nghệ cao vào sản xuất lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phóng viên Báo Biên phòng phỏng vấn ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu:
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho tỉnh Bạc Liêu, sẽ trở thành “thủ phủ” quốc gia về tôm của Việt Nam. Tỉnh chúng tôi thấy trách nhiệm đó, nên đã làm mọi cách thu hút công nghệ sản xuất và xuất khẩu tôm ra thị trường thế giới.
Vì sao Thủ tướng giao nhiệm vụ này cho Bạc Liêu? Bởi vì, Bạc Liêu có diện tích nuôi trồng rất lớn, chỉ đứng sau Cà Mau. Nhưng diện tích nuôi tôm bằng công nghệ cao xuất khẩu thì Bạc Liêu lớn nhất nước. Những năm gần đây, sản lượng tăng rất nhanh. Thủ tướng đặt mục tiêu cho Bạc Liêu đến năm 2020 phải xuất khẩu tôm đạt trị giá 1 tỉ USD.
- Trong nuôi trồng thủy sản có ba vấn đề then chốt nhất: Con giống – kiểm soát dịch bệnh – thị trường đầu ra. Vậy, Bạc Liêu đã xử lý như thế nào trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn, thưa ông?
- Trong sản xuất tôm, khâu tăng sản lượng lớn do chính chúng ta chủ động làm được. Cái khó khăn lớn nhất đối với ngành thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng, đó là đầu ra của sản phẩm, đặc biệt, thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều trở ngại, dẫn đến bán sản phẩm giá không được cao. Bạc Liêu đang chọn xuất khẩu tôm tươi sống vào thị trường của Australia, một quốc gia cực kỳ khó tính về lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản. Vì khi đã vào thị trường Australia được rồi, thì sẽ vào tất cả các thị trường trên thế giới.
Phía Australia đã cử bộ phận thú y sang nhiều lần kiểm tra trực tiếp các cơ sở sản xuất và họ hướng dẫn những việc phải làm. Có 4 yếu tố quan trọng: Con tôm giống phải được kiểm soát chặt ngay từ tôm bố mẹ; thức ăn của tôm phải kiểm soát nghiêm ngặt; môi trường nuôi được xử lý tốt; cơ sở chế biến phải được vệ sinh đạt chuẩn. Từ đây đến cuối năm, chúng tôi sẽ hoàn tất mọi thủ tục và xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên.
- Xin ông cho biết, những mô hình sản xuất tôm công nghệ cao của các doanh nghiệp có được triển khai ra ngoài để người dân tham gia sản xuất theo mô hình này không?
- Bạc Liêu đã có trên 10 tập đoàn sản xuất tôm công nghệ cao, với diện tích khoảng 1.000ha. Từ những mô hình của các doanh nghiệp công nghệ cao này, đã lan tỏa ra ngoài cộng đồng dân cư rất nhanh, với diện tích 1.200ha đang sản xuất tôm theo quy trình công nghệ cao. Đây là tính lan tỏa, hưởng lợi rất lớn từ doanh nghiệp đã nghiên cứu và làm trước. Tới đây, xuất khẩu được tôm tươi sống vào thị trường Australia sẽ tạo động lực bứt phá lớn. Để tạo ra một chương trình nuôi trồng phát triển bền vững, tỉnh sẽ tổng kết trong nhiều mô hình doanh nghiệp lớn đang làm, chọn ra mô hình lý tưởng nhất, về sản xuất, môi trường, vệ sinh an toàn dịch bệnh cao nhất, lấy đó làm mô hình chuẩn chuyển giao cho người dân áp dụng vào nuôi trồng trong toàn tỉnh.
- Cái độc đáo ở Bạc Liêu chính là phía ngoài biển sản xuất điện gió, phía trong bờ nuôi tôm. Vậy mối quan hệ tương tác này ra sao, thưa ông?
- Trước đây, tỉnh Bạc Liêu đã có quy hoạch xây dựng Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng, với công suất 3.600MW. Sau đó, chúng tôi xác định, nhiệt điện sẽ gây ra ô nhiễm môi trường, trong khi Bạc Liêu đang chọn môi trường sạch để phát triển nuôi tôm, nên chúng tôi đã đề nghị Chính phủ cho rút nhà máy nhiệt điện ra khỏi quy hoạch, không làm nhiệt điện nữa. Chính sự dũng cảm này mới tạo ra môi trường làm điện sạch ngoài biển và nuôi tôm trong bờ như hiện nay. Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao Bạc Liêu đã dám mạnh dạn rút nhiệt điện ra. Điện gió thì phát điện trên trời, nuôi tôm dưới đất, chẳng ảnh hưởng gì cả. Đây là mô hình đầu tiên của Việt Nam.
- Khả năng phát triển điện gió của tỉnh Bạc Liêu ở mức nào?
- Đầu tháng 6-2019, tỉnh Bạc Liêu có thêm Nhà máy điện gió Hòa Bình 1, với công suất 50MW. Trước đó, có mấy nhà máy đã đi vào hoạt động rồi. Hiện nay, Bạc Liêu đã được Bộ Công thương đưa vào quy hoạch phát triển điện gió 500MW. Tỉnh đang đề xuất với Chính phủ xây dựng dự án điện gió với công suất 2.000MW. Đặc biệt, gần đây, Bạc Liêu đã kêu gọi được nhà đầu tư của Mỹ đến làm dự án điện khí, cũng dạng điện sạch, với công suất 3.200MW, mức đầu tư trên dưới 4 tỉ USD. Bạc Liêu sẽ trở thành tỉnh có năng lực sản xuất điện gió và điện khí sạch, chiếm thị phần lớn nhất nước.
- Trong một không gian vừa phải mà thu hút cả các dự án làm tôm công nghệ cao và cả điện gió ở biển. Vậy, tỉnh có gặp những khó khăn nào cần được tháo gỡ ngay không?
- Tỉnh chúng tôi rất quan tâm và giải quyết rốt ráo các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Điều may mắn đối với Bạc Liêu là, đa số các doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào đây, chủ yếu làm trên biển và ven biển, nên công tác giải phóng mặt bằng với số lượng ít. Còn khó khăn nhất hiện nay là tỉnh đang vướng vào quy hoạch, nhiều dự án đầu tư điện gió, điện khí khi thực hiện theo Luật Quy hoạch mới đã có hiệu lực ngày 1-1-2019. Chính “cái cũ” và “cái mới” cứ níu kéo nhau, mất nhiều thời gian, buộc các nhà đầu tư phải theo, đôi khi họ nản chí. Tại Bạc Liêu có những dự án họ đã nghiên cứu, lập hồ sơ thiết kế dự án từ những năm trước. Nếu như chúng ta phải chờ đợi các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu làm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, sẽ kéo dài rất nhiều thời gian cho nhà đầu tư. Vậy nên, tỉnh đề nghị lấy quy hoạch cũ áp vào luật cũ để làm, không chờ vào quy định mới. Chuyện này không phải chỉ có Bạc Liêu, mà cả nước đều đang bị vướng vấn đề này.
- Liệu đề xuất đó có bị “phạm luật” không?
- Không, tôi đã báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hai lần rồi, Thủ tướng cũng đồng ý theo cách đó. Nhưng các bộ chưa triển khai làm, tới đây, tôi tiếp tục kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ quy hoạch cho Bạc Liêu. Nhà nước nên ủng hộ các tỉnh nghèo để thu hút các dự án đầu tư lớn của nước ngoài. Ở chốn nghèo khó, mời được một nhà đầu tư về nghiên cứu và đi đến quyết định đầu tư là cả một quãng đường rất gian nan.
- Xin cảm ơn ông!
“Lâu nay, Nhà nước đã có các chính sách đặc thù cho những “con chim đầu đàn” như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... Bây giờ là lúc Nhà nước nên tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn về thu hút và kêu gọi đầu tư, để số tỉnh nghèo như Bạc Liêu là “con chim cuối đàn” đủ sức chắp cánh bay xa, bay mạnh kịp với “con chim đầu đàn”” – Ông Dương Thành Trung so sánh, ví von.
Hải Luận (Thực hiện)
Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bac-lieu-thu-phu-tom-va-dien-sach-dau-tien-o-viet-nam/