Bạc Liêu: Thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp phòng chống hạn, mặn
Để chủ động và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn, mặn làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân ở Bạc Liêu, các cấp chính quyền, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp gắn liền với thực tế sản xuất và tập quán sinh hoạt của người dân.
Vụ lúa Đông Xuân năm 2023 - 2024, tỉnh Bạc Liêu xuống giống hơn 45.000 ha, tập trung tại các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long và TX Giá Rai. Những ngày này, dù đang bước vào cao điểm của hạn, mặn, nhưng nhờ sự chủ động từ sớm trong công tác thông tin tuyên truyền và tích trữ nước, vận hành các cống mặn - ngọt… nên người dân vẫn an tâm sản xuất dù đang vào cao điểm mùa khô.
Tại TX Giá Rai, công tác phòng chống hạn, mặn được triển khai tích cực giúp cho người dân trên địa bàn ổn định sản xuất, hài hòa kinh tế và lợi ích của hai vùng sản xuất mặn (nuôi tôm) và ngọt (sản xuất lúa).
Ông Phạm Văn Hai (ngụ ấp 18, xã Phong Tân) năm nay sản xuất vụ Đông Xuân (lúa vụ 3) hơn 3 ha, cho biết: “Dù đang cao điểm mùa khô, nhưng nước ngọt phục vụ cho sản xuất lúa vụ 3 vẫn bảo đảm. Nhất là các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp luôn kiểm tra và cập nhật thường xuyên, liên tục các thông tin về độ mặn, về ảnh hưởng của tình hình hạn hán để người dân trên địa bàn nắm rõ và có sự chủ động trong sản xuất”.
Theo ông Lương Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Tân, địa phương hiện có trên 2.900 ha làm lúa và 1.412 ha nuôi trồng thủy sản. Sản xuất lúa cũng như nuôi trồng thủy sản chưa xảy ra tình trạng thiếu nước. Địa phương đã vận động bà con nạo vét các tuyến kênh nội đồng để khơi thông thuận lợi cho bơm tưới, nhất là vào mùa khô.
Kỹ sư Phạm Văn Tới, Phó phòng Kinh tế TX cho biết, TX có 7.300 ha lúa Đông Xuân, 29.000 ha nuôi trồng thủy sản. Là địa phương cuối nguồn nước ngọt, đầu nguồn nước mặn nhưng nhờ chủ động các giải pháp nên chưa bị thiệt hại do hạn mặn.
Ông Trần Văn Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long, cho biết, ngay từ đầu năm, địa phương đã xác định công tác triển khai lịch thời vụ là điều kiện tiên quyết, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân và các địa phương thực hiện. Cùng với đó, thực hiện tốt công tác thủy nông nội đồng, xây dựng hệ thống đê bao khép kín và các trạm bơm để bảo đảm việc tích trữ nước, phục vụ sản xuất của bà con trong mùa khô.
Ông Phạm Văn Mười (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT) nhận định, ngoài việc điều tiết nước ngọt cho vùng sản xuất lúa, nước mặn cho vùng lúa tôm, Bạc Liêu còn thực hiện việc điều tiết nước liên tỉnh để bảo đảm yêu cầu sản xuất của các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang. Hiện, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng đến một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có Bạc Liêu. Tuy nhiên, nhờ sự triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp công trình và phi công trình nên đến nay việc sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh được bảo đảm.
* Liên quan lĩnh vực, hôm qua (15/3), tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo Bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước. Số liệu do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN&MT), công bố, cho rằng từ bản đồ xâm nhập mặn, các nhà nghiên cứu tính toán bốn ngành lúa, thủy sản, cây ăn quả, hoa màu của ĐBSCL thiệt hại hơn 70.000 tỷ đồng/năm.
Đây là nghiên cứu đầu tiên tính toán thiệt hại bằng tiền cho cả vùng ĐBSCL giai đoạn 2020 - 2023 dựa trên kết hợp mô hình toán mô phỏng độ mặn, giải đoán ảnh vệ tinh độ phân giải cao để xác định lớp phủ và các hàm thiệt hại (phản ánh mức độ thiệt hại) của nhiều đối tượng như: lúa, cây ăn trái, hoa màu, thủy sản.
Số liệu thiệt hại được xác định qua phương pháp tính hệ số giá trị đất, dữ liệu sử dụng đất và nhiễm mặn. Cụ thể, mỗi ha đất trồng lúa được tính 40 triệu đồng/ha; đất cây ăn trái (trung bình của các cây trồng như xoài, sầu riêng, mít, mãng cầu, dâu núi) 104 triệu đồng; đất hoa màu 66 triệu đồng/vụ; đất nuôi trồng thủy sản 120 triệu đồng.
Trong số 13 tỉnh thành ĐBSCL, Cà Mau có mức độ thiệt hại lớn nhất với khoảng 16.600 tỷ đồng, tiếp đến là Bến Tre gần 11.800 tỷ. Cần Thơ có mức thiệt hại thấp nhất, chiếm 0,14% cả khu vực. An Giang không có thiệt hại do xâm nhập mặn.
Với kịch bản hiện trạng, vùng ĐBSCL thiệt hại lớn nhất là cây ăn quả chiếm 29%, hoa màu 27%, lúa gần 14%. Ngành thủy sản thiệt hại chiếm 30%, tương đương hơn 21.000 tỷ đồng.
Bản đồ cũng đưa ra kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn trong các năm 2030, 2040, 2050 lần lượt là hơn 72.300 tỷ đồng, 73.500 tỷ đồng và gần 76.400 tỷ đồng. Trong đó, Vĩnh Long được dự báo có tỷ lệ thiệt hại tăng lớn nhất, tiếp đến là Hậu Giang.
Ông Trần Anh Phương, Viện Khoa học Tài nguyên nước cho biết sự gia tăng của các dự báo tương ứng với kịch bản nước biển dâng, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội cũng như thác tài nguyên nước thượng nguồn, đặc biệt là phát triển thủy điện và chuyển nước ra ngoài lưu vực "Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, từ bản đồ này cơ quan chức năng có thể nghiên cứu để đưa ra hành động và tập trung vào các vùng chịu ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn", ông Phương đề xuất.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện mặn đã đạt mức cao nhất từ đầu mùa đến nay, cao hơn trung bình nhiều năm và xâm nhập sâu hơn 5-15 km. Dự báo, mùa khô năm nay sẽ còn 2 đợt xâm nhập mặn vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 nhưng độ mặn sẽ thấp hơn.
Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL phải công bố thiên tai. Năm 2020, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ở ĐBSCL ứng phó.