Bạc Liêu tổ chức nhiều hoạt động thiết thực mừng Đại lễ Phật đản 2024
Nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024, trong các ngày 20 và 21/5, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tỉnh Bạc Liêu và thành phố Bạc Liêu đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, ý nghĩa.
Đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu; đại diện lãnh đạo thành phố Bạc Liêu, do đồng chí Tạ Trung Dũng, Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, làm trưởng đoàn, đã đến thăm và chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh; Tịnh xá Ngọc Liên; Tịnh độ Cư sĩ Phật Hội Việt Nam tại thành phố Bạc Liêu...
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Tạ Trung Dũng gửi lời thăm hỏi, lời chúc mừng tới các Hòa thượng, Thượng tọa, đại đức, tăng, ni và toàn thể bà con Phật tử trong tỉnh đón một mùa Đại lễ Phật đản an lạc, hạnh phúc. Đồng thời, đồng chí ghi nhận, đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Phật giáo Bạc Liêu trong việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.
Đồng chí tin tưởng, trong thời gian tới, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh sẽ tiếp tục vận động bà con Phật tử thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện đúng với đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”...
Thay mặt Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, Thượng tọa Thích Giác Nghi, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, bày tỏ cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo tỉnh đã luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo, trong đó có Phật giáo được hoạt động đúng pháp luật trong thời gian vừa qua. Sự quan tâm này chính là nguồn động lực để tăng ni, Phật tử trong tỉnh tiếp tục gắn kết, đồng hành với tỉnh để xây dựng Bạc Liêu ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.
Thượng tọa Thích Giác Nghi khẳng định, phát huy truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, chức sắc, tăng ni, Phật tử của tỉnh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, từ thiện, nhân đạo, góp phần xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.
Tại Bạc Liêu hiện có 7 tổ chức tôn giáo được công nhận hoạt động trên địa bàn tỉnh, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ, Phật giáo Hòa Hảo, Phật đường Nam tông Minh sư đạo. Trong đó, Phật giáo có 130 cơ sở thờ tự, 2 cơ sở đào tạo, 5 cơ sở bảo trợ xã hội, 486 chức sắc, 498 chức việc.
Những năm qua, các tăng ni, Phật tử đã có nhiều đóng góp trong việc chung tay xây dựng quê hương Bạc Liêu ngày một phát triển và lớn mạnh, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "sống tốt đời, đẹp đạo" thể hiện lòng từ bi cứu khổ của đạo Phật.
Ngày 21/5, tại chùa Long Phước (thành phố Bạc Liêu), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2024, Phật lịch 2568. Đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng đông đảo chức sắc, chức việc và Phật tử tham dự.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Lý Sa Mouth, thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu, đã đọc thông điệp Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2568 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh, mùa Phật đản, mùa của yêu thương và hiểu biết, Đức Pháp chủ kêu gọi tất cả người con Phật hãy thực hành những lời dạy của đức Phật.
Thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Pháp chủ kêu gọi chư tăng ni và quý Phật tử nhất tâm cầu nguyện cho chiến tranh chấm dứt, hận thù tiêu tan, lan tỏa tình yêu thương.
Phát biểu tại Đại lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và thành phố Bạc Liêu nêu rõ, thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt. Giáo hội đã vận động tăng ni, Phật tử làm việc theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ của công dân, xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh và bất hạnh trong cuộc sống...
Những hoạt động mang đậm nét nhân văn là sự tiếp nối truyền thống hộ quốc, an dân, “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”, góp phần khơi dậy trách nhiệm, tình cảm tương thân tương ái, góp phần vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước...