Bác như lặng người trước biển đảo quê hương
Cựu chiến binh (CCB), Đại tá Trần Bạch, nguyên Chánh Thanh tra quân sự - Bộ Tư lệnh Hải quân là một trong số rất ít người vinh dự có 6 lần được gặp Bác Hồ, trong đó có những lần tháp tùng Bác thăm biển đảo quê hương.

Cựu chiến binh, Đại tá Trần Bạch (ngoài cùng bên phải) đang được Bác hỏi chuyện trong bữa cơm thân mật
Cựu chiến binh, Đại tá Trần Bạch nhớ mãi những giây phút Bác như lặng người trước biển đảo tươi đẹp của đất nước cùng những lời căn dặn của Người về vị trí chiến lược của biển đảo và trách nhiệm của Hải quân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Người lính 18 tuổi được gặp Bác Hồ
Tháng 7/1952, Tổng quân ủy triệu tập Hội nghị Chiến tranh du kích Bắc bộ. Lúc này, CCB Trần Bạch là thư ký của chiến trường Tả ngạn được thủ trưởng đơn vị giao tham gia công tác hậu cần phục vụ Bác Hồ. Công việc không có nhiều, nhưng tôi làm tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Vừa làm vừa hình dung về Bác.
Một buổi sáng đẹp trời, Bác đột nhiên xuất hiện trong bộ áo ka-ki quen thuộc, cưỡi tuấn mã màu đen. Tôi dán mắt nhìn Bác, ngắm nhìn từ động tác xuống ngựa, đi vào hội nghị, bình thường, gần gũi, nhưng sao mà thanh cao đến thế. Cùng đi có các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng. Hôm đó, Bác đề cập nhiều vấn đề chiến lược về chiến tranh du kích. Cách nói của Bác thật dễ hiểu, cụ thể, dễ nhập tâm. “Lần đầu tiên được phục vụ Bác, tôi mới tròn 18 tuổi”, CCB Trần Bạch kể.
Qua chia sẻ với Thượng tá Hải quân Trần Thế Trung, con trai của CCB Đại tá Trần Bạch, năm 2019, ông Trần Bạch ra đi ở tuổi 86. Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, câu chuyện 6 lần gặp Bác của một người lính Cụ Hồ giúp chúng ta hiểu thêm về tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, tầm nhìn xa trông rộng, tấm gương đạo đức sáng ngời, cuộc sống giản dị, thanh bạch, gần gũi với nhân dân của vị Cha già dân tộc kính yêu.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, CCB Trần Bạch là lính Trung đoàn Thủ đô, Sư đoàn Quân tiên phong trực tiếp tham gia chiến đấu. Điện Biên được giải phóng, Bác Hồ lên tặng huy hiệu cho các đơn vị. Vì Sư đoàn rất đông, nên Bác chỉ trao đại diện, nhưng chỉ cần được cầm huy hiệu của Bác và ngắm Bác từ xa là như thấy bàn tay ấm áp của Người đang trao nơi trái tim mình.
Từ Điện Biên Phủ, CCB Trần Bạch cùng Sư đoàn về tiếp quản Thủ đô. Chiều ngày 10/10/1954, may mắn sao, Sư đoàn lại được tập trung dưới sân cột cờ Hà Nội nghe Bác nói chuyện. Giọng Bác vang vang, truyền cảm giữa Thủ đô vừa tan bóng giặc sao mà thiêng liêng đến thế: “Các chú là người lính của dân, chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân, nên phải chú ý công tác dân vận thật tốt, giữ nghiêm kỷ luật...”.
Những lần đưa Bác thăm biển đảo
7 giờ sáng 30/3/1959, Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho tàu 154 chuẩn bị đón Bác và đồng chí Nguyễn Lương Bằng tham quan vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và một số đơn vị trên đảo. Lúc này, CCB Trần Bạch là Trưởng ngành cơ điện tàu 154.
8 giờ, tàu rời bến. Dọc đường, một số người dân trên thuyền không hiểu sao lại nhìn thấy Bác, thế là tất cả tự nhiên hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Tôi cùng các đồng chí bảo vệ không biết làm thế nào, đành kết thành hàng kín đứng che cho Bác. 12 giờ trưa, đến vịnh Hạ Long, tàu thả neo ở Hòn Than rồi dùng xuồng chở Bác lên thăm đảo và ăn cơm trưa. Cơm của Bác và của các đồng chí lãnh đạo do công vụ mang theo. Sau 2 giờ, tàu lại đưa Bác rời đảo và cập cảng Bãi Cháy.
Sáng hôm sau, tàu 154 và tàu 152 được lệnh tiếp tục đưa Bác đi thăm vịnh và đảo. Đảo đầu tiên Bác đặt chân là Tuần Châu. CCB Trần Bạch và 3 đồng chí khác chèo xuồng đưa Bác lên đảo. Vì không có cầu xuồng, một số sĩ quan đi giày còn loay hoay, thì Bác đã đi thẳng cả dép xuống, thế là mọi người ùa theo. Nói chuyện với quân dân trên đảo, Bác nhấn mạnh: “Phải xây dựng Tuần Châu thành một khu nghỉ mát đẹp”. Nhìn khu nghỉ mát Tuần Châu hiện đại tầm cỡ quốc tế sau này càng thấm thía tầm nhìn xa của Bác.
Buổi chiều hôm đó, cán bộ, chiến sĩ mời Bác và đồng chí Nguyễn Lương Bằng ăn cơm. Bác nhận lời. Bữa cơm mời Bác có món thịt gà luộc, lòng gà xào với mì. Khi mọi người ngồi vào bàn, Bác liền hỏi đồng chí nấu ăn: “Món của ta đã xong chưa, mang lên đây góp cùng các chú Hải quân!”. Lát sau, đồng chí nấu ăn mang đĩa cá rô phi - quà của Tỉnh ủy Quảng Ninh biếu. Bác và mọi người vừa ăn, vừa trò chuyện. Bác bảo: “Ăn cơm bất kỳ ở đâu, với ai cũng phải ăn hết, không được để thừa, đổ đi lãng phí, mà để người khác ăn thì không được”.
“Tôi không thể ngờ, một thượng sĩ lại có vinh dự lần thứ tư gặp Bác, được ăn cơm cùng Bác và hạnh phúc hơn là được Bác hỏi trực tiếp công việc. Tôi thưa Bác: Cháu phụ trách cơ điện, máy móc trên tàu. Máy móc và cơ điện phải tốt thì tàu mới hoạt động tốt được ạ. Bác gật đầu. Tôi đã gần 80 tuổi rồi, đó là bữa cơm ngon nhất đời tôi”, CCB Trần Bạch kể.
Hôm sau, tàu 154 và 152 lại lướt sóng đưa Bác đi thăm hòn Rồng. Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ hải quân trên đảo về vị trí chiến lược và trách nhiệm bảo vệ biển đảo. Cuối cùng, Bác hỏi: “Các chú có thiếu thốn gì không?”. Các chiến sĩ đồng thanh: “Thưa Bác, chúng cháu thiếu đài nghe tin tức ạ!” (Mấy ngày sau, Bác đã gửi tặng chiếc đài. Cả đảo xúc động rơi nước mắt).
2 tiếng sau, tàu đưa Bác thăm đảo Cát Bà. Lúc đó, Cát Bà chưa có cảng. Thuyền của dân chài ra đón Bác, Bác đi thẳng tới chỗ nhân dân, rồi mới đến nơi đón tiếp. Dân đảo ùa đến quanh Bác, ai cũng tươi vui, đồng thanh: “Bác Hồ muôn năm!”. Bác động viên quân dân vượt khó, bám biển sản xuất, bảo vệ chủ quyền. Bác đề nghị: “Cát Bà phải trở thành làng cá!”. Từ đó, ngày 1/4 thành Ngày Truyền thống của làng cá Cát Bà và ngành thủy sản.
Tàu lại đưa Bác đến thăm đảo Cát Hải, thăm gia đình thương binh, liệt sĩ, rồi về nói chuyện cùng quân dân trên đảo. Từ Cát Hải, tàu vào cửa Nam Triệu, về cảng Hải Phòng. Đi liên tục ngoài sóng gió biển khơi, nhưng Bác vẫn khỏe mạnh. Có những giây phút, Bác như lặng người trước biển đảo quê hương đất nước mình.
Tối hôm đó, Bác nói chuyện với cấp ủy Thành phố “Hoa phượng đỏ”. CCB Trần Bạch lại được đơn vị cử đi nghe và đã ghi lại được những điều cơ bản bài nói của Bác. Quyển sổ đó, ông vẫn giữ. Bác căn dặn: “Người cán bộ phải có tinh thần trách nhiệm, tinh thần phấn đấu, tinh thần tổ chức kỷ luật. Phải có lòng tin, tin mình, tin Đảng, tin giai cấp, tin nhân dân. Muốn thực hiện những điều trên thì phải đoàn kết...”.
Tháng 3/1961, CCB Trần Bạch lại được gặp Bác. Lúc này, ông Bạch là Thuyền trưởng tàu 120, Khu Tuần phòng I. Nghe đồng chí Tư lệnh Hải quân báo cáo, Bác khen ngợi, nhưng nhắc không được chủ quan, phải cố gắng nhiều hơn. Rồi Bác xuống tàu ra thăm vùng biển Đông Bắc. Khi đi trên sông Bạch Đằng, Bác xúc động nói: "Hải quân phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại, nhưng không được quên truyền thống đánh giặc của tổ tiên. Các chú phải xây dựng Hải quân của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam".
Thăm hang Đầu Gỗ, nơi Trần Hưng Đạo dựng công trường làm cọc cắm trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân Nguyên - Mông, Bác nói: "Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".
“5 lần được gặp Bác là mãn nguyện rồi, thế mà tôi còn được gặp Bác một lần nữa”, CCB Trần Bạch chia sẻ. Ngày 13/11/1962, tàu 120 nhận nhiệm vụ cùng tàu 122 hộ tống tàu Hải Lâm (chiếc tàu gỗ của Chủ tịch Mao Trạch Đông tặng Bác) chở Bác cùng Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô
Gherman Stepanovich Titov thăm vịnh Hạ Long. Đội hình đi theo hàng dọc. Tàu 120 đi trước dẫn đường, tàu Hải Lâm đi giữa, tàu 122 đi sau bảo vệ. Tới vịnh Hạ Long, tàu dừng lại, Bác cùng Anh hùng Titov lên thăm một hòn đảo nhỏ. Để lưu giữ kỷ niệm với đất nước Xô viết, Bác đã đặt tên đảo này là đảo Titov.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bac-nhu-lang-nguoi-truoc-bien-dao-que-huong-d285908.html