Bắc Ninh – Cứ điểm sản xuất của các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam
Bắc Ninh đang tiếp tục kêu gọi đầu tư để trở thành Trung tâm sản xuất điện tử hoàn thiện hàng đầu tại Việt Nam, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế với Vùng phát triển công nghiệp, công nghệ cao.
UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam – Thụy Sĩ (SVBG) và Phòng thương mại Thụy Sĩ – Châu Á (SACC) tổ chức Hội thảo Bắc Ninh- Cứ điểm sản xuất của các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam ngày 29/8 (giờ Thụy Sĩ). Hội thảo diễn ra tại Thụy Sĩ và thu hút sự tham dự của đại diện hơn 30 doanh nghiệp tại đây cùng các quốc gia lân cận như Áo, Bỉ, Đức, Ý, các hiệp hội kinh doanh và trường đại học tại Thụy Sĩ.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ và Công quốc Liechtenstein Phùng Thế Long cho biết: “Buổi tọa đàm với chủ đề Bắc Ninh – Cứ điểm sản xuất của các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam hôm nay là dịp để lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, một trong những tỉnh đi đầu của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, và các doanh nhân Thụy Sĩ, doanh nhân các quốc gia châu Âu lân cận, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác thương mại và đầu tư”.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh- Đào Quang Khải hoan nghênh các doanh nghiệp quan tâm dự Hội thảo để tìm hiểu thêm về Bắc Ninh, tìm kiếm và nhận diện cơ hội, tiềm năng hợp tác, đầu tư vào Bắc Ninh và Việt Nam.
Ông Đào Quang Khải cho biết, Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước (823 km2), dân số khoảng 1,5 triệu người, nhưng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống Vùng Thủ đô và là 1 trong 7 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Bắc Ninh tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, cách sân bay Quốc tế Nội Bài 32 km, cách cảng biển Hải Phòng 90 km, rất thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa toàn cầu.
Trong 25 năm qua kể từ khi tái lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh đạt trung bình 13,9%/năm. Đến nay, Bắc Ninh cơ bản là một trung tâm công nghiệp kỹ thuật cao với tỉ trọng ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 76,5% nền kinh tế, nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đạt cao trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, như: Giá trị sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước, đạt 65 tỉ USD năm 2021, năm 2022 đạt 45,1 tỷ USD; Thu nhập bình quân đầu người 6.900 USD năm 2022, đứng thứ 4 cả nước. Trong đó, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 7, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) xếp thứ 3, Chỉ số hài lòng với dịch vụ hành chính công (SIPAS) xếp thứ 7 cả nước năm 2022.
“Đạt được kết quả nêu trên, chúng tôi đánh giá cao sự đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vào sự phát triển chung của tỉnh Bắc Ninh”- ông Đào Quang Khải nói.
Tính đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.975 dự án còn hiệu lực đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, đạt 24,44 tỉ USD, đứng thứ 7 cả nước về quy mô vốn đầu tư nước ngoài lũy kế. Những tên tuổi lớn có nhà máy ở Bắc Ninh như Samsung, Foxconn, Canon, PepsiCo, Amkor, GoerTek, VSIP. Bên cạnh đó, có 04 dự án của 3 tập đoàn công nghiệp nổi tiếng của Thụy Sĩ với tổng vốn đầu tư 109,34 triệu USD, gồm: Tập đoàn ABB sản xuất các thiết bị và giải pháp phân phối điện; Tập đoàn Sika sản xuất chất phụ gia sử dụng trong xây dựng, và Tập đoàn Oerlikon gia công cơ khí, tráng phủ kim loại.
Chia sẻ về thành công tại Bắc Ninh, ông Petr Valenta, Giám đốc toàn cầu về 2 dòng sản phẩm Trạm phân phối hợp bộ và giải pháp phân phối điện của ABB, cho biết lý do Tập đoàn này chọn đặt nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh năm 2010 và mở rộng thêm năm 2022 là: Vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng tốt; Hệ thống nhà cung cấp có uy tín quốc tế; Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương; Nguồn nhân lực được hỗ trợ bởi hệ thống giáo dục tốt.
Ông Marco Freidl, Giám đốc Chiến lược & Phát triển Kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Oerlikon, doanh nghiệp mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội năm 2017 và xây dựng nhà máy đầu tiên ở Bắc Ninh năm 2019, nhìn nhận tại Bắc Ninh một hệ sinh thái sản xuất mạnh mẽ, kết nối thuận lợi với các đối tác và khách hàng của tập đoàn.
Đại diện một số doanh nghiệp tham dự cũng chia sẻ về hoạt động rất thành công của doanh nghiệp họ tại Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc do thuận lợi về giao thông hàng hải, như DEEP C Industrial Zone Vietnam (Vương quốc Bỉ) về hạ tầng công nghiệp, DSV Air & Sea (Đan Mạch) về vận tải và logistics.
Hội thảo cũng đón nhận sự tham dự đặc biệt của ông Jamil Ahmad Mayo, Tổng giám đốc Hitech Networks (Pvt) Ltd. (HNL), tập đoàn cung cấp dịch vụ năng lượng và viễn thông của Pakistan với văn phòng ở 26 quốc gia. Ông Mayo cho hay ông bay từ Lahore đến Zurich chỉ để dự buổi hội thảo về Bắc Ninh nhằm “học tập kinh nghiệm thu hút và hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài của Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung để tham mưu lại cho chính phủ Pakistan”.
Bên cạnh đó, vấn đề về nguồn nhân lực và ưu đãi đối với những dự án đầu tư xanh, đầu tư hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu… cũng được một số đại biểu quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cũng khẳng định; tuy dân số Bắc Ninh khá khiêm tốn, nhưng với lợi thế nằm sát Hà Nội, Bắc Ninh tận dụng được nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao được đào tạo tại Thủ đô. Mặt khác, Bắc Ninh cũng có 6 trường đại học và 58 trường cao đẳng và trung tâm dạy nghề, hàng năm đào tạo một lực lượng nhân công lành nghề đáng kể. Sắp tới, Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh thêm khâu đào tạo và dạy nghề, thành lập làng đại học để đáp ứng nhu cầu nhân lực cao của các nhà đầu tư.
"Trong thời gian tới, Bắc Ninh mong muốn thu hút các đầu tư xanh và gắn với phương pháp vận hành, quản trị tiên tiến, trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (pin năng lượng, chất bán dẫn, chíp…), công nghiệp hỗ trợ (sản xuất phụ tùng ô tô...), công nghệ đầu cuối 5G và 6G, nông nghiệp sạch và công nghệ cao, tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp (trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, dịch vụ về đào tạo, y tế quốc tế…), đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị và sinh thái.
Đồng thời ưu tiên thu hút các đầu tư với chủ trương “2 thấp, 3 cao”, tức đầu tư có mức sử dụng đất và lực lượng lao động thấp, nhưng hàm lượng công nghệ (high-technology), tỉ trọng đầu tư (investment rate) và hiệu quả kinh tế (economic efficiency) cao, và với tinh thần “4 sẵn sàng” (sẵn sàng mặt bằng sạch, sẵn sàng nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư).
Chúng tôi cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư để đưa Bắc Ninh trở thành Trung tâm sản xuất điện tử hoàn thiện hàng đầu Việt Nam, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế với Vùng phát triển công nghiệp, công nghệ cao gồm các huyện Yên Phong, Quế Võ, Lương Tài, Thuận Thành và Tiên Du”- Phó Chủ tịch Đào Quang Khải nhấn mạnh.
Hiện tại, tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung với 24 dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tổng diện tích 6.398 ha. Trong đó có 16 dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng đã đi vào hoạt động, tỉ lệ lấp đầy khoảng 58,6%, và 8 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng. Các Khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng đồng bộ và hiện đại, phúc lợi xã hội dồi dào và ổn định, đảm bảo an sinh cho người dân và công nhân lao động trong các khu công nghiệp.
Lạc quan về tiềm năng đầu tư tại Việt Nam, ông Roger LEITNER, Chủ tịch Ủy ban Việt Nam của Phòng thương mại Thụy Sĩ – Châu Á (SACC), phát biểu: “Tôi có làm việc cùng một doanh nhân Thụy Điển, người đồng sáng lập công ty Mobifone Việt Nam hồi thập niên 1990, tạo ra một “doanh nghiệp kỳ lân” cho Việt Nam, tại Việt Nam, trong khuôn khổ hơp tác Thụy Điển- Việt Nam Comvik International Vietnam. Đây là minh chứng xác thực cho thấy những điều vĩ đại có thể đạt được và xây dựng được ở Việt Nam.”
Trong vai trò phụ trách chính công tác tổ chức Hội thảo, Chủ tịch sáng lập Nhịp cầu Kinh doanh Việt Nam – Thụy Sĩ (SVBG), chia sẻ: “Bắc Ninh là địa phương thứ hai của Việt Nam, sau Đà Nẵng, đã thực hiện xúc tiến đầu tư tại Thụy Sĩ trong năm 2023 dưới sự tổ chức của SVBG. Thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội, mạng lưới hội viên và quan hệ quốc tế của mình, SVBG và các đối tác tổ chức đã giới thiệu sự kiện rộng rãi đến doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các công tư vấn đầu tư và các tổ chức nghiên cứu kinh tế tại châu Âu, giúp danh tính của các địa phương trở nên gần gũi với giới kinh doanh tại Thụy Sĩ và các quốc gia lân cận. Chúng tôi vui mừng góp phần nâng cao hình hình ảnh Việt Nam và các địa phương như điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.”