Bắc Ninh đề nghị không thực hiện sắp xếp 3 xã 1 phường vì yếu tố đặc thù
Trong văn bản gửi Bộ Nội Vụ, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị không thực hiện sắp xếp 3 xã 1 phường vì yếu tố đặc thù.
Ngày 22/3/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh có văn số 79/UBND-NC gửi Bộ Nội vụ về việc bổ sung, giải trình Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 – 2025.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đối chiếu theo Điều 3, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 UBND đề nghị Bộ Nội vụ không thực hiện sắp xếp đối với xã Nội Duệ trực thuộc huyện Tiên Du; xã Phú Lương trực thuộc huyện Lương Tài, xã Song Liễu trực thuộc thị xã Thuận Thành và phường Đáp Cầu trực thuộc TP Bắc Ninh.
UBND tỉnh Bắc Ninh đưa lý do không thực hiện sắp xếp đối với xã Nội Duệ, huyện Tiên Du bởi vì đây là xã ổn định từ năm 1945 đến nay; có truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt và xã Nội Duệ được quy hoạch thành phường khi huyện Tiên Du trở thành thành phố thuộc tỉnh. Có 4 căn cứ, cơ sở để không sắp xếp:
Thứ nhất, theo 06 tờ bản đồ địa giới hành chính tỉnh Bắc Ninh năm 1944, năm 1946, 1948, năm 1949 (bản photo) được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia III thuộc Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Nội vụ; trong các tờ bản đồ nêu trên đều thể hiện địa giới hành chính của xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Thứ hai, trong Báo cáo 03 năm về các mặt công tác của Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Ninh từ năm 1947, năm 1948, năm 1949, trong đó có nêu, đánh giá quá trình hoạt động của xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Thứ ba, dựa vào Báo cáo số 113.B/C.TC ngày 21/01/1957 của Ủy ban Hành chính huyện Tiên Du về sơ kết công tác kiện toàn Chính quyền cấp xã; trong đó có nêu, đánh giá quá trình hoạt động của xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Cuối cùng là trong Biên bản kiểm phiếu bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh thời điểm tháng 3/1962 tại Khu vực bỏ phiếu số I, II, III xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
Lý do không thực hiện sắp xếp đối với xã Phú Lương, huyện Lương Tài, theo UBND tỉnh Bắc Ninh thì xã Phú Lương là xã ổn định từ năm 1945 đến nay. Có 2 căn cứ, cơ sở để không thực hiện việc sắp xếp:
Thứ nhất, cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Lương Tài (1930 - 2020), do Nhà xuất bản Thanh niên năm 2020, trang 11, 12 có ghi: Đến năm 1893, Tổng Lương Xá (nay là xã Phú Lương) gồm 08 xã: Lương Xá xã (làng Lường); Ông lâu xã (năm 1924 thay là Phú Lâu xã); Lãng Dương xã; Bích Khê xã; Thọ Ninh xã (làng Xá); Lai Tê xã (làng Lai Tê - làng Sải); Tuân La xã (thôn Nghĩa La và thôn Tuân La); Lai Xá Đông xã (xã Lai Đông).
Thứ hai, cuốn Địa Chí Lương Tài, do Nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản năm 2019, trang 72 có ghi: Tổng Lương Xá (nay là xã Phú Lương) gồm 8 xã: Lương Xá (làng Lường), Phú Lâu, Lạng Dương, Bích Khê, Thọ Ninh (làng Xá), Lai Tê (làng Sải), Lai Đông, Tuần La.
Xã Song Liễu, thị xã Thuận Thành không thực hiện việc sắp xếp vì đây là xã ổn định từ năm 1945 đến nay (Có cuốn Lịch sử Truyền thống cách mạng xã Song Liễu, do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc năm 2001 và cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Song Liễu 1930-2007, do Nhà xuất bản Lao động năm 2020 chứng minh). Xã Song Liễu không thuộc diện sắp xếp vì 3 lý do:
Thứ nhất, xã Song Liễu là một vùng đất cổ, được hình thành từ rất sớm. Khoảng thế kỷ thứ X, vùng đất Song Liễu gồm hai làng là Liễu Chử (nay là thôn Liễu Khê) và Lã Đường (nay là thôn Liễu Lâm, Ngọc Lâm), thuộc Thổ Hương Lỗi, sau đổi tên thành huyện Siêu Loại, lộ Bắc Giang. Đến thời Lê, Nguyễn, thuộc phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc.
Thời kỳ thuộc Pháp, Liễu Khê và Liễu Lâm thuộc tổng Liễu Lâm, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đơn vị hành chính cấp tổng bị bãi bỏ, Liễu Khê và Liễu Lâm thuộc huyện Thuận Thành; sau đó hợp nhất thành xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh và giữ ổn định địa giới hành chính đến nay. Hiện nay, xã Song Liễu gồm 5 thôn (Ngọc Tỉnh, Bến Long, Liễu Khê, Liễu Lâm và Ngọc Lâm).
Thứ hai, xã Song Liễu nằm ở phía Tây Nam thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tiếp giáp với tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội. Do đó, xã Song Liễu có một vị trí trọng yếu, quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Song Liễu là một xã giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, được Trung ương Đảng chọn nằm trong vùng An toàn khu I của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Trong giai đoạn từ 1939 – 1945, nhân dân thôn Liễu Khê (xã Song Liễu) đã nuôi giấu an toàn 35 cán bộ của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ về hoạt động cách mạng; bảo vệ tuyệt đối an toàn Bộ Biên tập và hai cơ quan in của Xứ ủy Bắc Kỳ là “Báo Cứu Quốc” và báo “Cờ Giải phóng” và hàng chục hội nghị, lớp huấn luyện của Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ diễn ra ở đây.
Thứ ba, ngày 22/10/1940, Chi bộ Liễu Khê (tiền thân của Đảng bộ xã Song Liễu) được thành lập, Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng tháng 8 lịch sử...
Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ và nhân dân xã Song Liễu cho cách mạng, ngày 11/6/1999, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 202-KT/CTN về việc tặng danh hiệu “nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Song Liễu đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.
Hiện tại, xã Song Liễu đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở Nội vụ thẩm định, đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận xã An toàn khu theo Quyết định số 897/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành tiêu chí, quy trình, thủ tục công nhận xã An toàn khu vùng An toàn khu theo quy định.
Đối với phường Đáp Cầu trực thuộc TP Bắc Ninh, lý do không thực hiện việc sắp xếp được UBND tỉnh đưa ra là Phường Đáp Cầu là phường trung tâm chính trị văn hóa của tỉnh, thành phố, có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Phường Đáp Cầu không thuộc diện sắp xếp bởi hai yếu tố:
Thứ nhất, phường Đáp Cầu là trung tâm chính trị văn hóa của tỉnh, TP Bắc Ninh, nằm tiếp giáp huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh, có nhiều tuyến đường giao thông chạy qua, đơn vị phường Thị Cầu có diện tích dân số lớn.
Đối với phường Đáp Cầu cơ cấu kinh tế là Công nghiệp - Dịch vụ còn phường Thị Cầu cơ cấu kinh tế là Nông nghiệp - Thương Mại - Dịch vụ; Các điểm cao nằm trọn trong địa giới hành chính phường Đáp Cầu. Nếu sáp nhập phường Đáp cầu vào phường Thị Cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội không tránh khỏi việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là nhân dân chuyển về sinh sống đông, các hoạt động an sinh xã hội kéo theo ảnh hưởng liên quan đến các điểm cao, công trình quốc phòng và công tác quân sự địa phương.
Thứ hai, về yếu tố quốc phòng, an ninh phường Đáp Cầu có địa lý quan trọng trong xây dựng khu vực phòng thủ của tỉnh, thành phố. Phường nằm trên địa bàn Quân khu 1 có điểm cao 56 (đồi Pháo Thủ) - vị trí chiến lược, án ngữ 3 đầu cầu (Cầu Sắt Thị Cầu, cầu đường bộ - TL 295B, cầu Như Nguyệt QL 1A mới). Cao điểm này đóng góp điểm cao an ninh chiến lược trong chiến lược phòng thủ phía Bắc thủ đô. Năm 1967, trận địa pháo (Đồi Pháo Thủ) trong vòng 5 phút đã bắn rơi 3 máy bay địch.
Phường Đáp Cầu có các tuyến đường chính như Quốc lộ 1A và đường 295B từ Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn; Tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn chạy qua và tuyến đường thủy nội địa Sông Cầu đóng góp vị trí chiến lược trong vận tải thủy nội địa từ cảng Hải Phòng đến các tỉnh miền Bắc. Tuyến đường này đảm bảo chiến lược vận tải thủy trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Tình hình an ninh trật tự sẽ có nhiều diễn biến phức tạp khi sáp nhập phường Đáp Cầu với các đơn vị hành chính liền kề. Đây là địa bàn giáp danh khu công nghiệp, nơi tập trung rất đông người dân từ nơi khác đến sinh sống, làm việc, đây cũng là điều kiện để tội phạm và tệ nạn xã hội phát sinh.
Nếu sáp nhập phường Đáp Cầu với các đơn vị hành chính liền kề sẽ dẫn đến việc mai một giá trị lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất cổ Đáp Cầu; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội sẽ có nhiều biến động khó lường; các yếu tố trọng điểm trong công tác quản lý Quốc phòng sẽ gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến An ninh quốc phòng của Quân khu I nói riêng và an ninh quốc phòng của cả nước nói chung.
Đặc biệt là thủ đoạn, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, trong đó có việc chúng triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông để tấn công mạnh mẽ hơn về tư tưởng - văn hóa và coi đây là mũi nhọn chống phá Đảng và chế độ ta.