Bắc Ninh: Giao thông - 'mạch máu' đánh thức cực tăng trưởng mới

BẮC NINH - Nằm trên trục hành lang kinh tế quan trọng của miền Bắc, đồng thời giữ vai trò 'cửa ngõ' kết nối Thủ đô Hà Nội với các cửa khẩu quốc tế và cảng biển, hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh (cũ) trở thành trung tâm công nghiệp năng động. Thời gian qua, hai tỉnh đã có nhiều giải pháp mở rộng không gian phát triển bằng chiến lược liên kết vùng và đầu tư hạ tầng. Hàng loạt cây cầu, tuyến đường mới được mở đã rút ngắn khoảng cách địa lý, tăng kết nối dòng vốn, nguồn lực và cơ hội phát triển.

Nhiều công trình kết nối

Xác định giao thông là yếu tố then chốt, mở lối cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, những năm qua tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ) luôn quan tâm đặc biệt đến hạ tầng giao thông. Bên cạnh cứng hóa giao thông nông thôn, tỉnh còn tập trung đầu tư các công trình giao thông đối ngoại, tạo sự kết nối chiến lược liên vùng.

 Tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Việt Hưng.

Tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Việt Hưng.

Một trong những dự án nổi bật là cầu Đồng Việt, công trình trọng điểm nối liền Bắc Giang với tỉnh Hải Dương. Với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 nghìn tỷ đồng, cầu Đồng Việt được thiết kế hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng mạng lưới giao thông khu vực. Khi hoàn thành, công trình giúp rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm thời gian di chuyển, đồng thời mở ra không gian phát triển mới. Dưới cái nắng nóng của những ngày cuối tháng 6, không khí trên công trường vẫn sôi động, khẩn trương. Từng mét đường nhựa cuối cùng được các kỹ sư, công nhân miệt mài thi công.

Anh Trần Hữu Quỳnh, cán bộ kỹ thuật của nhà thầu cho biết: “Bê tông nhựa rất kỵ mưa, nếu gặp thời tiết không thuận lợi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình. Dịp này đang nắng nhưng có thể xuất hiện cơn mưa bất chợt, vì vậy chúng tôi phải làm xuyên trưa, thậm chí đến đêm để kịp tiến độ”.

Tương tự, cầu Hòa Sơn vượt sông Cầu nằm trên địa phận xã Hòa Sơn, tỉnh Bắc Giang nối với tỉnh Thái Nguyên được đầu tư hơn 540 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Cầu có chiều dài 439 m, mặt cầu rộng 11 m. Đồng bộ với dự án này, tỉnh Thái Nguyên thực hiện dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc để đấu nối với cầu Hòa Sơn với tổng trị giá hơn 3,8 nghìn tỷ đồng. Sự phối hợp giữa các địa phương mở ra cơ hội phát triển mới cho toàn vùng, đặc biệt là các khu công nghiệp trọng điểm. Cùng đó, tuyến nối quốc lộ 37- quốc lộ 17 kết nối Bắc Giang với Thái Nguyên hoàn thành đã khắc phục “vùng lõm” về giao thông, tạo thuận lợi thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.

Quy hoạch phát triển sân bay, giao thông đường sắt

Những năm qua, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh (cũ) xác định giao thông là mũi nhọn ưu tiên trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Hàng chục nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công đã được phân bổ cho lĩnh vực này, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn lực đầu tư toàn tỉnh. Với định hướng chiến lược “Hướng về Thủ đô, hướng ra biển”, tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển các tuyến kết nối trọng yếu với Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội…, khai thác tối đa lợi thế vị trí địa lý, thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế bền vững.

Yêu cầu phát triển mới đặt ra những đòi hỏi cao hơn đối với hạ tầng giao thông. Vì vậy, trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh lại các mục tiêu, quan điểm và định hướng phát triển giao thông vận tải trên cơ sở đơn vị hành chính mở rộng.

Mới đây, tỉnh Bắc Giang phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 291 đoạn Km16+980 đến Km25, trong giai đoạn 2025-2028 với tổng mức đầu tư hơn 481 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Tuyến chính dài khoảng 8 km, xây dựng theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, kết nối đồng bộ với đường tỉnh 293. Ngoài ra, tuyến nhánh dài 1,3 km được đầu tư với quy mô nền đường 16 m.

Dự án góp phần hoàn thiện tuyến đường tỉnh 291 dài hơn 27 km, trong đó đoạn từ xã Yên Định đến thị trấn Tây Yên Tử (huyện Sơn Động cũ) đã hoàn thành nâng cấp và đưa vào sử dụng đầu năm 2024. Phần còn lại hiện vẫn là đường cấp IV miền núi, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc cải tạo đồng bộ sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, tăng khả năng tiếp cận vùng sâu, vùng xa và thúc đẩy thu hút đầu tư.

Bên cạnh các tuyến kết nối liên tỉnh, tỉnh Bắc Giang đặc biệt chú trọng phát triển giao thông ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh Bắc Ninh (cũ) phối hợp thực hiện các tuyến cao tốc Bắc Ninh - Hà Nội; thực hiện hàng loạt dự án kết nối đôi bờ sông Cầu. Quá trình triển khai, các địa phương nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các địa phương lân cận.

Tỉnh Quảng Ninh không chỉ đầu tư tuyến nối dài khoảng 8 km kết nối với đường tỉnh 291 (tổng vốn hơn 1.400 tỷ đồng) mà còn cải tạo các trục đường chiến lược như tỉnh lộ 330, kết nối tỉnh lộ 293 của tỉnh Bắc Giang với quốc lộ 18, mở cánh cửa giao thương từ miền núi Đông Bắc ra các cảng biển lớn. Thành phố Hà Nội đầu tư đường kết nối với cầu Xuân Cẩm - Bắc Phú. Sự phối hợp trên đã góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường liên kết vùng.

Nhờ hạ tầng giao thông ngày càng hoàn chỉnh, hàng hóa của tỉnh thuận lợi thâm nhập sâu vào các thị trường lớn trong và ngoài nước. Đồng thời, du lịch tâm linh Tây Yên Tử được tiếp sức phát triển với các tuyến kết nối trực tiếp sang Quảng Ninh, Hải Dương. Đây là minh chứng sống động cho hiệu quả chiến lược liên kết vùng mà Bắc Giang đang thực hiện một cách bài bản, quyết liệt và hiệu quả.

Sau khi hợp nhất hai tỉnh, bài toán tổ chức không gian phát triển trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước yêu cầu mới, tỉnh xác định hạ tầng giao thông là yếu tố mang tính nền tảng, có vai trò kết nối, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng đường bộ, đường thủy, tỉnh còn chỉ đạo triển khai các hạng mục trọng điểm liên quan đến dự án sân bay Gia Bình như: Lập quy hoạch tổng thể, định hướng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật sân bay, đồng thời xây dựng tuyến đường trọng điểm kết nối Bắc Ninh - Hà Nội. Cùng đó, tỉnh cũng đang xúc tiến quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị gồm hai tuyến: Bắc Ninh - Nội Bài và Bắc Ninh - Yên Viên, tạo tiền đề cho phát triển giao thông công cộng hiện đại và bền vững.

Theo đại diện Sở Xây dựng, yêu cầu phát triển mới đặt ra những đòi hỏi cao hơn đối với hạ tầng giao thông. Vì vậy, giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, điều chỉnh lại các mục tiêu, quan điểm và định hướng phát triển giao thông vận tải trên cơ sở đơn vị hành chính mở rộng. Trọng tâm là bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các khu, cụm công nghiệp, đô thị với mạng lưới giao thông quốc gia, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả của các trục động lực liên vùng. Tỉnh sẽ tiếp tục bổ sung các tuyến kết nối đối ngoại với các tỉnh lân cận, tăng khả năng giao thương và mở rộng không gian phát triển. Việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, thông suốt không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là nền tảng vững chắc cho một giai đoạn phát triển mới của tỉnh.

Trịnh Lan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-ninh-giao-thong-mach-mau-danh-thuc-cuc-tang-truong-moi-postid421007.bbg