Bắc Ninh: Khánh thành Nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ tư nhân đầu tiên

Nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ tại Bắc Ninh là bảo tàng tư nhân duy nhất về tranh dân gian tại Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghề làm tranh nổi tiếng xưa.

Du khách tham quan nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Du khách tham quan nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Ngày 16/4, Doanh nghiệp tư nhân tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế (phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) tổ chức Khánh thành nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ.

Đây là nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ tư nhân đầu tiên trên địa bàn, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.

 Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Đăng Chế (ngoài cùng bên phải) giới thiệu nhà trưng bày cho các du khách. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Đăng Chế (ngoài cùng bên phải) giới thiệu nhà trưng bày cho các du khách. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Khu trưng bày được sắp xếp theo 7 chủ đề chính. Chủ đề 1: Quê hương và gia đình góp phần phác họa dấu ấn Đình tranh Đông Hồ, xưa là nơi giao lưu mua bán tranh vào dịp tết; Bức Châm của dòng họ Nguyễn Đăng, mộ tổ, bia đá ghi lại tóm tắt lịch sử dòng họ theo nghề làm tranh từ thế kỷ 16.

Chủ đề 2 trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế từ khi học tập, công tác tại các đơn vị ngành văn hóa, sự đam mê nghề nghiệp với những tâm huyết bảo tồn và phát triển dòng tranh dân gian Đông Hồ.

Chủ đề 3 trưng bày về màu và quy trình sản xuất màu của tranh dân gian Đông Hồ.

Chủ đề 4 trưng bày quy trình vẽ mẫu.

Chủ đề 5 trưng bày về quy trình khắc ván in tranh.

Chủ đề 6 trưng bày về quy trình các bước in tranh.

Chủ đề 7 là "Còn mãi với thời gian" là hình ảnh trưng bày việc Đảng, Nhà nước, các ngành ghi nhận những công lao đóng góp trong hơn 60 năm miệt mài với việc bảo tồn và phát triển dòng tranh dân gian Đông Hồ của Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế.

Nhà trưng bày giúp du khách hiểu biết đầy đủ, thú vị về các quy trình vẽ mẫu, tạo màu, in tranh của một dòng tranh dân gian đã tồn tại từ nhiều thế kỷ ở Việt Nam.

Đây cũng là không gian lưu giữ những ký ức, tư liệu, hình ảnh, kỷ vật tiêu biểu về cuộc đời đam mê, sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của làng Đông Hồ của dân tộc Việt Nam và của gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế.

Bà Ngô Hồng Thúy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông thị xã Thuận Thành khẳng định việc bảo vệ và phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ hiện nay là cần thiết và được các cơ quan quản lý, cộng đồng quan tâm; đặc biệt là gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế.

Điều này không chỉ có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ, phục hồi một nghề thủ công truyền thống đặc sắc và phát huy một dòng tranh mang “hồn dân tộc” của người Việt, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ kho tàng di sản của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam cũng như của nhân loại.

Nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế là địa chỉ đỏ, một bảo tàng tư nhân duy nhất về dòng tranh dân gian tại Việt Nam.

 Du khách tham quan nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Du khách tham quan nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tồn tại từ lâu. Theo gia phả của dòng họ Nguyễn Đăng làng Đông Hồ, từ thế kỷ 16 đã có nghề làm tranh và phát triển rực rỡ vào thập niên 40 của thế kỷ 20.

Sau năm 1945, dưới sự đô hộ, áp bức của thực dân Pháp, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đứng trước nguy cơ mai một, không có người đến mua tranh. Do đó, các gia đình chuyển sang làm hàng mã.

Hiện nay, làng Đông Hồ chỉ còn hai dòng họ làm tranh là: Họ Nguyễn Hữu và họ Nguyễn Đăng với hai gia đình tâm huyết còn bám trụ với nghề là gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, Nguyễn Hữu Quả và gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế.

Theo Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế, trước nguy cơ mai một của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, năm 1992, sau khi ông được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ, với tâm huyết và sự hiểu biết về nghề tranh quê hương, ông đã mua lại những bản khắc của các gia đình rời bỏ nghề để sửa sang, phục chế lại.

Đến nay, nghệ nhân đã sưu tầm được hàng trăm bản khắc cổ; trong đó có bản khắc niên đại hơn 200 năm.

Năm 2006, gia đình Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế đã thành lập Doanh nghiệp Tư nhân Tranh dân gian Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế.

Đến nay, doanh nghiệp đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang với khu sản xuất, phòng trưng bày sản phẩm, khu nghiên cứu, bảo tàng và chợ tranh truyền thống, khẳng định được thương hiệu.

Nhờ đó, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu về dòng tranh dân gian Đông Hồ mỗi năm. Đây cũng là nơi trải nghiệm nghề truyền thống cho học sinh các bậc học.

Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia.

Năm 2017, nghề tranh Đông Hồ bắt đầu được lập hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO đưa vào danh sách các Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Hiện nay, Việt Nam đệ trình UNESCO hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để được xem xét ghi vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bac-ninh-khanh-thanh-nha-trung-bay-tranh-dan-gian-dong-ho-tu-nhan-dau-tien-post940556.vnp