Bắc Ninh: 'Không châm chước, không thỏa hiệp, không có vùng cấm, không có ngoại lệ' với ô nhiễm môi trường

Năm 2024, Bắc Ninh huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng cùng vào cuộc giải quyết, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề giấy Phong Khê, (thành phố Bắc Ninh) và làng nghề cô đúc nhôm xã Văn Môn (huyện Yên Phong), CCN giấy Phú Lâm (Tiên Du) với phương châm 'Không châm trước, không thỏa hiệp, không có vùng cấm, không có ngoại lệ'.

Một góc các xưởng sản xuất giấy tại Phong Khê, Bắc Ninh. (Ảnh: Đình Huy)

Một góc các xưởng sản xuất giấy tại Phong Khê, Bắc Ninh. (Ảnh: Đình Huy)

Việc thúc đẩy làng nghề phát triển là điều cần thiết, là động lực quan trọng góp phần xây dựng Nông thôn mới, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đang hiện diện chính là xu hướng phát triển thuần túy về kinh tế, coi nhẹ đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, không bảo đảm cho sự phát triển lâu dài và ổn định.

Do đó, nhiều vấn đề bất cập đã nảy sinh, nổi cộm là bài toán ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, môi trường sinh thái kéo dài khó giải quyết.

Một số làng nghề được xác định ô nhiễm trầm trọng nhiều năm cần giải quyết dứt điểm: Làng nghề tái sản xuất giấy Phong Khê; làng bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh); làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá (Yên Phong); làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình); làng nghề tái chế thép Đa Hội (thành phố Từ Sơn), Cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm (Tiên Du)… và một số làng nghề, CCN làng nghề khác.

Năm qua, Bắc Ninh huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng cùng vào cuộc giải quyết, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề giấy Phong Khê, (thành phố Bắc Ninh) và làng nghề cô đúc nhôm xã Văn Môn (huyện Yên Phong), CCN giấy Phú Lâm (Tiên Du) với phương châm “Không châm chước, không thỏa hiệp, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Các cơ sở nằm ngoài cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh) đang tiến hành tháo dỡ nhà xưởng. (Ảnh: Vân Trường)

Các cơ sở nằm ngoài cụm công nghiệp Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh) đang tiến hành tháo dỡ nhà xưởng. (Ảnh: Vân Trường)

Vượt qua những trở ngại, khó khăn cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, những tồn tại về môi trường ở các làng nghề này trong suốt hàng chục năm qua cơ bản được giải quyết.

Đến nay, sản xuất trong khu dân cư tại 2 làng nghề Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) và Mẫn Xá (Yên Phong) đã dừng hoạt động, cụ thể: Tại Phong Khê, 228 cơ sở sản xuất giấy dừng hoạt động, toàn bộ cơ sở sản xuất trong khu dân cư và ngoài Cụm công nghiệp Phong Khê 1 và 2 dừng hoạt động; tại Văn Môn, 100% cơ sở cô đúc nhôm tại khu dân cư, CCN làng nghề Mẫn Xá dừng hoạt động; tại Phú Lâm có 7/8 cơ sở sản xuất ngoài CCN dừng hoạt động…

Sản xuất trong các CCN làng nghề được chấn chỉnh, kiểm soát chặt chẽ.

Khi các nguồn phát thải bị ngăn chặn triệt để, môi trường tại hai làng nghề đã có những chuyển biến tích cực. Như tại Trường THCS Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giờ đây, thầy và trò không còn phải đóng kín mít các ô cửa, để ngăn khói bụi và mùi ô nhiễm. Các em học sinh cũng không cần đeo khẩu trang trong các tiết học. Những tấm rèm cửa được trả về đúng với công dụng của nó, chỉ để che nắng

Còn tại xã Văn Môn, khói bụi cũng đã không còn bủa vây, một môi trường trong lành đã quay trở lại với nhịp sống thường ngày của người dân.

Vấn đề ô nhiễm môi trường đã được tỉnh Bắc Ninh từng bước giải quyết. Điều đó thể hiện tinh thần quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân. Bắc Ninh kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.

Tại phiên họp UBND tỉnh tháng 12/2024 diễn ra gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn ghi nhận và biểu dương tinh thần của các lực lượng tham gia xử lý điểm nóng về ô nhiễm môi trường làng nghề tại Phong Khê, Văn Môn, Phú Lâm.

Đồng thời, Chủ tịch Vương Quốc Tuấn yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng tiếp tục phát huy kết quả đạt được, quyết liệt trong xử lý ô nhiễm môi trường và rác thải tồn đọng; xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở đang hoạt động bảo đảm đủ điều kiện mới được tiếp tục sản xuất. Làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân trên quan điểm “không để ô nhiễm môi trường trở thành nỗi đau kéo dài”, vì sự phát triển xanh và bền vững của tỉnh.

Các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch xử lý các điểm ô nhiễm môi trường, hoàn thành chậm nhất ngày 31/3/2025 để tổ chức triển khai thực hiện.

Trong tương lai, địa phương sẽ quyết liệt giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, CCN làng nghề, khu vực nông thôn luôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo chuyển biến rõ nét về bảo vệ môi trường, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới vào năm 2025.

Tống Thoan

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bac-ninh-khong-cham-chuoc-khong-thoa-hiep-khong-co-vung-cam-khong-co-ngoai-le-voi-o-nhiem-moi-truong-298907.html