Bắc Ninh: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Vừa qua, việc Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 9 doanh nghiệp thuộc Cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã 'thức tỉnh' nhiều doanh nghiệp, khiến họ có trách nhiệm hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường sống.
Xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường
CCN Phú Lâm hiện có 18 doanh nghiệp sản xuất giấy với hàng trăm lao động đang làm việc. Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động tại CCN Phú Lâm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Nguyên nhân cũng là bởi các doanh nghiệp tại đây chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.
Trước thực trạng đó, tỉnh Bắc Ninh đã thường xuyên kiểm tra, xử lý, ra nhiều văn bản, quyết định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, dấu hiệu vi phạm về bảo vệ môi trường vẫn chưa chấm dứt.
Điển hình ngày 05/02/2024, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 09/18 doanh nghiệp thuộc CCN Phú Lâm với số tiền 320.000.000 đồng/1 doanh nghiệp (nộp vào ngân sách Nhà nước 2.880.000.000 đồng); đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải không có giấy phép môi trường trong thời gian 4, 5 tháng. Đây được coi là hành động cứng rắn nhằm ngăn chặn nguồn nhiễm hình thành, cũng như bảo vệ môi trường sống cho người dân xung quanh.
Ngoài ra, trong vòng 2 năm, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành 24 văn bản, thông báo, kết luận về công tác quản lý, xử lý ô nhiễm, vi phạm về bảo vệ môi trường. Riêng UBND huyện Tiên Du cũng kiểm tra, xử phạt 18 cơ sở với tổng số tiền nộp vào ngân sách tỉnh hơn 4,8 tỷ đồng.
Để tăng cường công tác quản lý môi trường tại CCN Phú Lâm, theo yêu cầu của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Tiên Du đã thành lập Tổ công tác giám sát việc đình chỉ nguồn phát sinh chất thải của 9 công ty tại CCN Phú Lâm do ông Nguyễn Công Ký - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện làm Tổ trưởng với 9 thành viên (gồm cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện, lãnh đạo UBND xã Phú Lâm…).
Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức giám sát việc đình chỉ hoạt động của 9 công ty gồm: Công ty Nam Long; Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Anh Quốc; Công ty TNHH Hùng Phát; Công ty TNHH Toàn Mỹ; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Ngọc Minh Giang; Công ty Việt Toàn; Công ty Cổ phần Giấy Bình Minh; Công ty Cổ phần Giấy Liên Việt; Công ty Cổ phần Giấy Hưng Lợi, theo các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời, UBND huyện Tiên Du cũng giao Công an huyện chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Phú Lâm và các cơ quan có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát các công ty trong việc chấp hành nội dung đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường.
Các doanh nghiệp nỗ lực khắc phục
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, hầu hết các doanh nghiệp giấy bị xử phạt tại CCN Phú Lâm cho biết, họ sẵn sàng chấp hành nghiêm túc các quy định xử phạt của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng mong muốn các Sở, ban, ngành hỗ trợ để doanh nghiệp sớm hoàn thành các thủ tục về cấp phép môi trường theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Văn Phúc, đại diện Công ty Anh Quốc chỉ bể lắng và thông tin sơ bộ về sơ đồ trạm xử lý nước thải với mức đầu tư gần 6 tỷ đồng đã được doanh nghiệp xây dựng từ trước đó và mong cơ quan chức năng sớm phê duyệt cấp giấy phép môi trường theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Phúc, đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh giấy Anh Quốc (Công ty Anh Quốc) chia sẻ, thời gian qua, do chưa đủ nhận thức trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp đi vào vận hành mà chưa có giấy phép về môi trường. Sau khi được các cơ quan chức năng tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý, doanh nghiệp đã nhìn nhận ra những cái sai. Do đó, ngay trong ngày 05/02/2024, khi nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải không có giấy phép môi trường trong thời gian 45 tháng của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp đã nghiêm túc chấp hành nộp phạt và dừng mọi hoạt động.
Ông Phúc cũng cho biết, khi dừng toàn bộ hoạt động sản xuất, doanh nghiệp đã cho công nhân vận hành máy trong 10 tiếng để sục, rửa bể và thu dọn kho nguyên liệu, nhằm hạn chế nguyên liệu hỏng và máy móc bị ảnh hưởng trong quá trình bị đình chỉ.
Được biết, Công ty Anh Quốc có hơn 40 lao động đang làm việc. Từ khi doanh nghiệp bị đình chỉ dừng hoạt động thì người lao động cũng phải nghỉ làm. Tuy nhiên, nhằm hỗ trợ cho công nhân gắn bó với công ty, doanh nghiệp này cũng đã hỗ trợ cho khoảng 30 công nhân với mức hỗ trợ hơn 3 triệu đồng/người.
“Hệ thống dây chuyền sản xuất giấy có giá trị rất lớn, thường xuyên làm việc trong môi trường nước nếu để trong thời gian dài không sử dụng, bảo dưỡng sẽ có nguy cơ hỏng hóc, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Mỗi tháng chúng tôi cũng có nguồn thu hơn 100 triệu, bây giờ bị đình chỉ, chúng tôi cũng rất khó khăn và thiệt hại. Tuy nhiên, chúng tôi luôn chấp hành nghiêm túc theo Quyết định xử phạt và mong được các cơ quan chức năng hướng dẫn để sớm hoàn thiện các thủ tục cấp phép môi trường” – ông Phúc chia sẻ thêm.
Sau khi bị xử phạt về vi phạm hành chính, 9 doanh nghiệp thuộc CCN Phú Lâm đã chủ động và hoàn thiện các thủ tục ký hợp đồng với các công ty chuyên thu gom, xử lý chất thải, rác thải.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Công Ký - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Du - Tổ trưởng Tổ công tác giám sát việc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay 09 doanh nghiệp vi phạm đã hoàn thành thủ tục nộp phạt; hoàn thiện các hồ sơ, giấy phép môi trường và cũng đã nộp lên Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh. Tổ công tác đã 3 lần đi kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp vi phạm kể từ khi có quyết định đình chỉ, để nhắc nhở, yêu cầu chủ doanh nghiệp ký cam kết chấp hành nghiêm quy định đình chỉ của Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Ký cho biết thêm, từ việc kiểm tra xử lý các vi phạm về môi trường, hiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại CCN Phú Lâm đã được cải thiện đáng kể. Những doanh nghiệp trước đây xả thải trực tiếp ra môi trường đã xây dựng được bể thu gom, xử lý chất thải, nước thải; chủ động ký hợp đồng với các doanh nghiệp chuyên xử lý chất thải, nước thải. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng lò hơi đốt trong quá trình làm giấy, tránh phát sinh khí thải gây ô nhiễm.
Trước đó, việc đưa vào sử dụng, vận hành Nhà máy xử lý nước thải CCN Phú Lâm công suất 10.000 m3/ngày, đêm và thu gom rác với tổng vốn đầu tư 186 tỷ đồng đã góp phần giải quyết phần nào các vấn đề về môi trường tại các CCN làng nghề. Dự án Nhà máy xử lý nước thải CCN Phú Lâm có tiêu chí về môi trường thuộc nhóm II theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.
Hiện, trên địa bàn CCN Phú Lâm, 9/18 doanh nghiệp sản xuất giấy đã thực hiện đấu nối hệ thống ống dẫn nước thải vào nhà máy để xử lý, các doanh nghiệp còn lại đang hoàn thiện các thủ tục về môi trường và đầu tư hệ thống dẫn nước thải.
Hy vọng rằng, với mức xử phạt vi phạm hành chính và đình chỉ hoạt động doanh nghiệp mang tính răn đe, sẽ khiến các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định về môi trường; thực hiện theo đúng định hướng của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh: “Các doanh nghiệp phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh” và “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.