Bắc Ninh: Mở hướng đi mới từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Các hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng năng suất cao, hình thành sản xuất lớn theo hướng hàng hóa, chú trọng an toàn lao động (ATLĐ) trên địa bàn huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh đang mang lại hiệu quả cao.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Ông Phạm Xuân Sản, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lương Tài, cho biết: “Những năm qua, huyện đã ban hành nhiều Nghị quyết nhằm “đánh thức” tiềm năng đất đai cũng như thế mạnh của mỗi địa phương. Nổi bật nhất là Nghị quyết số 03-NQ/BTV ngày 2/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2018-2020”.
Nghị quyết số 03 đã nhanh chóng được cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 53/KH-UBND của UBND huyện, qua đó tạo điểm tựa khuyến khích người dân, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, thực hiện tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất theo quy mô tập trung gắn với sản xuất an toàn, ATLĐ.
Với những chỉ đạo sát sao của địa phương, sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng của người nông dân, chỉ sau gần 2 năm triển khai, toàn huyện Lương Tài đã chuyển đổi thành công gần 183 ha trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả tập trung và sản xuất mô hình lúa cá tập trung.
Hiện, toàn huyện Lương Tài đã hình thành 74 vùng trồng cây rau màu hàng hóa, cây ăn quả tập trung có quy mô từ 2,5 ha trở lên như trồng cà rốt, lúa chất lượng cao, tía tô xanh... tổng diện tích gần 700 ha.
Huyện cũng xây dựng được 5 mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao gắn với ATLĐ; 13 trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, nước uống tự động và xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ biogas phủ bạt, chế phẩm sinh học.
Nhờ sản xuất an toàn, giàu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, HTX, đã giúp huyện Lương Tài nâng giá trị canh tác trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2018 lên mức 171 triệu đồng/ha/năm.
Trong thời gian tới, huyện Lương Tài tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; xây dựng vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa gắn với ATLĐ. Đồng thời, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng giá trị sản xuất lên 180 triệu đồng/ha/năm, trong đó vùng chuyên canh rau, màu, cây ăn quả, vùng nuôi trồng thủy sản đạt 300 triệu đồng/ha/năm.
Hiệu quả thiếtthực
Các chính sách hỗ trợ của huyện đã trở thành điểm tựa giúp các hộ sản xuất trên địa bàn tạo bứt phá, mang lại những lợi ích thiết thực không chỉ về kinh tế mà còn về sức khỏe, môi trường, ATLĐ…
Năm 2017, thuê lại hơn 11,7 ha đất trồng lúa kém hiệu quả của hơn 100 hộ trên địa bàn thôn Tỳ Điện, xã Phú Hòa, ông Nguyễn Trọng Lực đã mạnh dạn đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng quy hoạch lại hệ thống tưới, tiêu tự động, xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Để nâng cao hiệu quả, ông Lực tổ chức trồng cà rốt, chuối, đinh lăng, bưởi, một số loại cây ăn quả khác, kết hợp nuôi lợn, gia cầm, thủy cầm. Nhờ đầu tư theo phương thức “lấy ngắn nuôi dài”, chú trọng khoa học – kỹ thuật, ATLĐ, nên mỗi năm, mô hình chuyển đổi của ông Lực cho doanh thu hơn 3 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm.
Ông Lực chia sẻ: “Để có được thành công trên, ngoài sự cố gắng, nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của gia đình, tôi còn được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của huyện. Năm 2017, tôi được được huyện hỗ trợ gần 750 triệu đồng để quy hoạch lại hệ thống kênh mương, mặt ruộng và hệ thống tưới tiêu tự động”.
Không chỉ được hỗ trợ về tài chính, các hộ dân trên địa bàn huyện còn được hỗ trợ chuyển giao khoa học – kỹ thuật, tập huấn quy định về sản xuất an toàn, ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường.