Bắc Ninh nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong nhiều năm liền, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh có nhiều hoạt động thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ cao vào hoạt động, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Với phương châm “thân thiện, đồng hành cùng doanh nghiệp” tỉnh tập trung xây dựng hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư hấp dẫn, trong đó có những chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, hạ tầng.

Nhà đầu tư đến Bắc Ninh sẽ được cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin về đầu tư. Các thủ tục đầu tư đều được giải quyết theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”. Tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện trong khuôn khổ chính sách cho phép đối với nhà đầu tư, nhất là với những dự án FDI có công nghệ cao. Tỉnh cũng nỗ lực rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định, nhất là thủ tục về chấp thuận đầu tư và thẩm định thiết kế các dự án đầu tư. Tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền tăng cường đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp để kịp thời xử lý vướng mắc nảy sinh.

Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 155 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 385,4 triệu USD; có 101 dự án điều chỉnh tăng vốn 783,66 triệu USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 1.278 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn FDI sau điều chỉnh hơn 17 tỷ USD.

Cà Mau nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo quy trình an toàn

Tỉnh Cà Mau đang khuyến khích nông dân trong tỉnh áp dụng, nhân rộng các mô hình sản xuất lúa theo quy trình sản xuất an toàn, chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP; đồng thời tập trung xây dựng vùng nguyên liệu lúa sạch, lúa hữu cơ phục vụ chế biến xuất khẩu.

Toàn tỉnh hiện có hơn 100 ha lúa, rau màu được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mặc dù mô hình sản xuất này có sự đầu tư rất lớn và nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất hết sức nghiêm ngặt, nhưng giá nông sản bán ra thị trường chưa cao. Thời gian tới, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa, rau màu theo quy trình an toàn hoặc theo tiêu chuẩn Global GAP.

Tỉnh cũng chú trọng tập huấn, hướng dẫn nông dân nắm vững kỹ thuật, quy trình sản xuất lúa an toàn và thân thiện với môi trường; trong đó, áp dụng triệt để mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IBM) trong sản xuất lúa, rau màu. Hiện nay, tỉnh đang tập trung triển khai mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn và xây dựng vùng canh tác lúa hữu cơ được chứng nhận theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và châu Âu.

Theo đó, huyện Thới Bình đã xây dựng được vùng lúa nguyên liệu sản xuất lúa - tôm đặc sản, an toàn với giống ST20 và ST24 với quy mô 1.500 ha. Vụ trồng lúa trên đất nuôi tôm năm nay, năng suất lúa đạt bình quân từ 4 đến 5 tấn/ha. Nhờ trồng giống lúa đặc sản kết hợp áp dụng quy trình sản xuất lúa an toàn nên nhiều doanh nghiệp đã ký kết bao tiêu thu mua lúa của nông dân với giá từ 7.000 đến 7.500 đồng/kg, cao hơn so với giá thị trường từ 500 đến 700 đồng/kg. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau còn liên kết với doanh nghiệp, triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP trên địa bàn.

Kiểm tra sự sinh trưởng của cây lúa ở cánh đồng lớn tại xã Khánh Lâm (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau). Ảnh: LOAN PHƯƠNG

Kiểm tra sự sinh trưởng của cây lúa ở cánh đồng lớn tại xã Khánh Lâm (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau). Ảnh: LOAN PHƯƠNG

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/38445902-bac-ninh-nang-cao-nang-luc-canh-tranh.html