Bắc Ninh: Ngành Xây dựng minh bạch hóa thông tin quy hoạch, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ
Chia sẻ về công tác thực hiện chuyển đổi số năm 2023 của ngành, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng thông tin, hiện ngành đã thực hiện công bố công khai các quy hoạch xây dựng được duyệt, các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng, minh bạch hóa tiếp cận thông tin quy hoạch.
Nâng cao chất lượng thủ tục hành chính - Thân thiện với người dân
Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) luôn là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của ngành trong suốt thời gian qua. Ngành Xây dựng tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Tham mưu trình UBND tỉnh danh mục TTHC sửa đổi bổ sung thuộc chức năng quản lý của Sở, trong đó có bãi bỏ thành phần hồ sơ xuất trình sổ hộ khẩu, tạm trú; chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ TTHC tại trung tâm hành chính công, các phòng chuyên môn khi giải quyết các TTHC thực hiện nghiêm túc việc thực hiện, các quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; giảm thời gian xử lý các TTHC đã công bố, đơn giản hóa thủ tục ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc.
Trong đó, ngành đã thực hiện có hiệu quả Đề án “5 tại chỗ” với 8 TTHC; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, toàn ngành đã cung cấp được 59 dịch vụ công (DVC) trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết (trong đó có 29 DVC trực tuyến toàn trình, 30 DVC trực tuyến một phần); thực hiện tích hợp 53 DVC trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia; công tác số hóa hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện theo quy định.
Xác định, chuyển đổi số ngành Xây dựng là nội dung rất quan trọng luôn được ngành tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành. Trước đó, ngày 31/7/2020, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 1004/QĐ-BXD về việc phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Chia sẻ về công tác thực hiện chuyển đổi số năm 2023 của ngành, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Việt Hùng thông tin, hiện ngành đã thực hiện công bố công khai các quy hoạch xây dựng được duyệt, các dự án kêu gọi đầu tư xây dựng, minh bạch hóa tiếp cận thông tin quy hoạch. Với những nỗ lực và việc triển khai đồng bộ từ cấp Sở đến địa phương, năm 2023, ngành Xây dựng tỉnh Bắc Ninh đã tiếp nhận xử lý 1.644 hồ sơ (đạt 100%), trong đó giải quyết sớm 97,6,% (1.605), đúng hạn 2,3% (39), không có hồ sơ nào bị chậm. Về xử lý hồ sơ trực tuyến mức độ 3 đạt tỉ lệ 76% (1.249), 65 hồ sơ được giải quyết theo Đề án “5 tại chỗ”.
Quy hoạch - Phát triển đô thị mang tính đột phá, bền vững
Quyết tâm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác của năm về nâng cao chất lượng công tác quy hoạch “Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, tiến độ các đồ án quy hoạch xây dựng”, năm 2023, Sở Xây dựng Bắc Ninh luôn chủ động phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ.
Trong đó, công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị được nghiên cứu, tham mưu đồng bộ, kỹ lưỡng, khoa học, có sự đột phá, tầm nhìn dài hạn và phát triển bền vững; làm rõ chức năng, tính chất của đô thị Bắc Ninh trong vùng Thủ đô; đồng thời xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện mang tính khoa học, phù hợp với thực tiễn đảm bảo mục tiêu trước mắt và lâu dài với mục tiêu hoàn thiện các tiêu chí là đô thị loại I, thành lập các thị xã và thành phố theo hướng văn minh, hiện đại.
Trước đó, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bản lề quan trọng để ngành triển khai các đồ án quy hoạch phân khu và từng bước triển khai cụ thể hóa các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị với nhiều định hướng mang tính đột phá về ý tưởng và tầm nhìn quy hoạch theo đồ án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó đặc biệt chú trọng đến quy hoạch, phát triển không gian ngầm, hệ thống tàu điện ngầm và đường sắt trên cao hiện đại, thông minh bắt kịp với các thành phố lớn trên thế giới. Qua đó, làm nổi bật các nội hàm, bản sắc riêng của tỉnh Bắc Ninh trong quy hoạch chung của cả nước, đáp ứng các tiêu chí, quy định đối với đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Hiện nay, Sở đang rà soát, cập nhật lập điều chỉnh 32 đồ án quy hoạch phân khu (QHPK) trên địa bàn, đến nay đã phê duyệt được 01 đồ án, phê duyệt 28 nhiệm vụ QHPK, dự kiến hoàn thiện đồ án, trình UBND tỉnh vào quý I/2024. Ngoài ra, Sở đang thực hiện rà soát, báo cáo tỉnh thu hồi các dự án giới thiệu địa điểm, cấp chủ trương đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng nhằm phát huy nguồn lực về đất đai, tạo không gian cho yêu cầu phát triển mới”.
Bên cạnh đó, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo lập điều chỉnh quy hoạch chung (QHC) đô thị Hồ và phụ cận, quy hoạch vùng huyện Gia Bình, Lương Tài, QHC đô thị Gia Bình, đô thị Cao Đức, đô thị Nhân Thắng (huyện Gia Bình), đô thị Trung Kênh, đô thị Lâm Thao, đô thị Thứa (huyện Lương Tài) làm cơ sở nâng cấp các đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện soát điều chỉnh QHC xây dựng nông thôn mới tại các địa phương theo tiêu chí nâng cao gắn với quy hoạch phát triển đô thị tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, kinh tế - xã hội. “Ngoài những đồ án quy hoạch đã được thực hiện triển khai, công tác quản lý kiến trúc cũng được Sở rất quan tâm” - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm.
Với những nỗ lực của toàn ngành, năm 2023, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện thẩm định, phê duyệt 72 nhiệm vụ và đồ án quy hoạch; cung cấp thông tin quy hoạch, chứng chỉ quy hoạch, thỏa thuận quy hoạch cho 148 dự án; giới thiệu khảo sát địa điểm 37 dự án… đồng thời, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, góp phần thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp của Sở Xây dựng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, từ đó đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho cán bộ, viên chức và người lao động trong toàn ngành.