Bắc Ninh: Quyết tâm kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh

Với hơn 100 chợ lớn, nhỏ đang hoạt động, hiện tỉnh Bắc Ninh gặp nhiều khó khăn thách thức trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại đây.

Tiểu thương thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm

Kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm là vấn đề mấu chốt để bảo đảm an toàn thực phẩm. Hơn 100 chợ lớn, nhỏ đang hoạt động trong toàn tỉnh Bắc Ninh - là nơi cung cấp phần lớn nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cho người dân. Vấn đề kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ đang là khó khăn, thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng như các địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Lượng, Trưởng Ban Quản lý chợ Ninh Xá, TP Bắc Ninh cho biết: Chợ có khoảng 300 tiểu thương đang kinh doanh đa dạng các mặt hàng, trong đó khoảng 2/3 kinh doanh thực phẩm. Chưa có lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm tập trung cho các tiểu thương trong chợ. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là quản lý hoạt động, tổ chức kinh doanh các dịch vụ và bảo đảm an ninh trật tự tại chợ chứ không thể kiểm soát hết được nguồn gốc thực phẩm kinh doanh, buôn bán tại chợ”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, phần lớn các chợ truyền thống có cơ sở hạ tầng không đảm bảo, do vậy tiềm ẩn nguy cơ hang hóa kém chất lượng, mất an toàn thực phẩm. Trong khi các chợ trên địa bàn tỉnh chủ yếu giao cho UBND cấp xã trực tiếp quản lý, hình thức quản lý chợ áp dụng chủ yếu là giao cho Ban quản lý, tổ quản lý, doanh nghiệp quản lý chợ và các đơn vị này mới chỉ thực hiện chức năng quản lý hoạt động và tổ chức kinh doanh các dịch vụ tại chợ.

77% tiểu thương tại các chợ dân sinh của Bắc Ninh chưa được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm

77% tiểu thương tại các chợ dân sinh của Bắc Ninh chưa được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm

Số liệu từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh cho thấy, năm 2020 toàn tỉnh chỉ có 1.148/5.576 cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh thực hiện ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trong đó, có đến 77% tiểu thương chưa được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và tỷ lệ hiểu, thực hành đúng về an toàn thực phẩm chỉ chiếm hơn 12%. Các mặt hàng kinh doanh tại các chợ chủ yếu là thịt gia súc, gia cầm (37,66%); thủy, hải sản (9,84%); rau, củ, quả (28,9%); thực phẩm khác (23,6%)...

Qua điều tra, khảo sát, nguồn hàng cung ứng cho các tiểu thương kinh doanh tại các chợ do nông dân sản xuất trực tiếp mang đến chợ bán chiếm đến 57,55%, hầu hết không có chứng từ, sổ ghi chép chứng minh nguồn gốc, nhất là mặt hàng thịt gia súc, gia cầm; hàng thủy, hải sản; rau, củ, quả…

Bà Hoàng Thị Liễu, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh cho biết: Hiện nay, hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các chợ chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ. Trong khi đó, một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm, chạy theo lợi nhuận nên không ít sản phẩm thực phẩm không bảo đảm vẫn được bày bán tại các chợ này.

Cũng theo bà Liễu, các lỗi vi phạm chủ yếu khi thanh, kiểm tra tại các chợ, gồm: Thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã quá hạn sử dụng; môi trường nơi kinh doanh bị ô nhiễm; người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa được khám sức khỏe định kỳ, chưa được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm... Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm cũng rất khó khăn do phần lớn các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, không có khả năng nộp phạt, hoặc không nộp phạt, trong khi chưa có chế tài xử lý hành vi này.

Việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ đang là khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong công tác quản lý, chưa có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu đối với thực phẩm lưu thông tại các chợ trên địa bàn do thiếu phương tiện và nhân lực thực hiện; chưa có chế tài xử lý trong kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ; các đơn vị cấp xã chưa thực sự chú trọng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ, chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm…

Quyết tâm loại bỏ thực phẩm không an toàn

Để giải quyết tình trạng trên, vừa qua UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và nâng cao vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Tỉnh đẩy mạnh quy hoạch và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm và phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn; nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi đảm bảo an toàn thực phẩm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.

Chợ Phố Mới nằm trong mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm của tỉnh Bắc Ninh

Chợ Phố Mới nằm trong mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm của tỉnh Bắc Ninh

Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025, 90% nông dân trồng rau thực hiện cam kết sản xuất rau an toàn; 80% cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện cam kết chăn nuôi an toàn; tăng thêm 1 - 2 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh; 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; các sản phẩm thực phẩm được chứng nhận OCOP chiếm khoảng 60% trong tổng số các sản phẩm được chứng nhận OCOP; 100% các chợ phù hợp quy hoạch được kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm…

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành chủ động triển khai nội dung kế hoạch. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm và các chợ được quy hoạch; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong kết nối, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm; đánh giá, phân hạng và công bố sản phẩm OCOP; chủ động triển khai các hoạt động chuyên môn: thông tin tuyên truyền; quản lý sản phẩm; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; giám sát mối nguy; quản lý ngộ độc thực phẩm.

Đến năm 2025 tỉnh Bắc Ninh quyết tâm kiểm soát tốt nguồn gốc thực phẩm tại các chợ dân sinh

Đến năm 2025 tỉnh Bắc Ninh quyết tâm kiểm soát tốt nguồn gốc thực phẩm tại các chợ dân sinh

Thực hiện Đề án “Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” của UBND tỉnh, thời gian qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã xây dựng và ban hành “Bảng kiểm đánh giá chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”; đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố lựa chọn 8 chợ trên địa bàn tham gia đề án. Bên cạnh đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tổ chức tập huấn, tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho các tiểu thương sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ và thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ.

Tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” tại 3 chợ, gồm: Chợ thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ); chợ thị trấn Thứa (huyện Lương Tài) và chợ thị trấn Gia Bình (huyện Gia Bình). Ngoài ra, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh cũng tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bac-ninh-quyet-tam-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-tai-cac-cho-dan-sinh-226150.html