Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu về thu hút vốn ngoại
Tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm ước đạt gần 25 tỷ USD, trong đó hơn 18% đổ về Bắc Ninh.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), riêng trong tháng 9, tổng vốn đầu tư FDI cả nước đạt hơn 4 tỷ USD, cao nhất trong các tháng từ đầu năm đến nay và chiếm 17% tổng vốn đầu tư cả nước trong 9 tháng.
Tính đến 30/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 25 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn FDI vào Bắc Ninh hơn gấp đôi các tỉnh xếp sau
Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá vốn FDI hiện tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có lợi thế về cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư.
Xét theo địa bàn đầu tư, trong số 48 tỉnh, thành phố trên cả nước thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, Bắc Ninh là tỉnh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,5 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đầu tư cả nước và gấp 3,5 lần cùng kỳ.
Bắc Ninh vượt lên dẫn đầu cả nước do có điều chỉnh vốn lớn trị giá 1,07 tỷ USD từ dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn cho nhà đầu tư Amkor Technology Singapore Holding PTE.LTD tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C.
Sau khi điều chỉnh đăng ký đầu tư, nhà máy này có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.
Đáng chú ý, lượng vốn FDI đổ về Bắc Ninh sau 9 tháng đang cao gấp nhiều lần các tỉnh thành trong bảng xếp hạng, và hơn gấp đôi so với vị trí số 2.
TP.HCM hiện là thành phố đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đăng ký FDI trong 9 tháng qua, với hơn 1,91 tỷ USD (chiếm 8% tổng vốn đầu tư cả nước).
Đây cũng là thành phố dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 41%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 71%). Hiện có 125 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư với hơn 13.000 dự án tại TP.HCM.
Quảng Ninh là địa phương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI trong 9 tháng qua, với tổng số vốn hơn 1,8 tỷ USD, chiếm 7% tổng vốn đầu tư cả nước.
Một số dự án tiêu biểu như dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam tại Khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà có tổng mức đầu tư 275 triệu USD; dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại Khu Công nghiệp Amata Sông Khoai với tổng mức đầu tư 57 triệu USD...
Năm nay, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 3 tỷ USD dòng vốn ngoại.
Trong khi đó, thủ đô Hà Nội thu hút hơn 1,5 tỷ USD vốn FDI trong 9 tháng qua. Trong đó có 197 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đạt trên 1,1 tỷ USD, bên cạnh 143 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 220 triệu USD và 178 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 208 triệu USD.
Với tỉnh Đồng Nai, 9 tháng qua đã thu hút được 74 dự án chủ yếu tập trung trong khu công nghiệp, nguồn vốn FDI rót vào tỉnh đạt trên 1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng của Bà Rịa - Vũng Tàu trong 9 tháng đầu năm. Tỉnh này cho biết đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới gần 1.400 doanh nghiệp, vốn đăng ký hơn 14.875 tỷ đồng. Thu hút vốn FDI tăng gấp 3,35 lần năm ngoái với 48 dự án cấp mới.
Hay tỉnh Bình Dương cũng cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Địa phương này hiện có tới 4.354 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vẫn đang còn hiệu lực.
Tỉnh được rót gần 1 tỷ USD vốn FDI chỉ trong 1 tháng
Đáng chú ý nhất trong bảng xếp hạng hút vốn FDI của 9 tháng đầu năm là tỉnh Ninh Thuận.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký của Ninh Thuận tăng vọt, đạt hơn 1 tỷ USD. Trước đó, lũy kế 8 tháng đầu năm, địa phương này chỉ ghi nhận vốn FDI rót vào ở mức 103 triệu USD.
Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 9, địa phương này đã ghi nhận lượng vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 910 triệu USD. Chính mức tăng mạnh của tháng 9 đã giúp Ninh Thuận vượt Thái Nguyên để lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành thu hút FDI cao nhất cả nước trong 9 tháng đầu năm.
Tính chung trong 5 năm gần đây nhất, toàn tỉnh Ninh Thuận thu hút 9 dự án đầu tư mới từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nâng tổng số dự án FDI toàn tỉnh lên thành 42 dự án. Chủ đầu tư các dự án này đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trong tổng số 42 dự án FDI kể trên, hiện 34 dự án đã đi vào hoạt động, 8 dự án còn lại là đang triển khai. Các dự án có vốn nước ngoài tại Ninh Thuận chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tính chung tổng vốn FDI đăng ký trên cả nước, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với số vốn đầu tư đạt gần 16 tỷ USD, chiếm hơn 63%. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với hơn 4 tỷ USD, hơn gấp đôi cùng kỳ.
Về đối tác đầu tư, đã có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các đối tác đầu tư lớn nhất chủ yếu đến từ châu Á gồm Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản. 5 quốc gia và vùng lãnh thổ này chiếm trên 73% số dự án đầu tư mới và hơn 75% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Nguồn Znews: https://znews.vn/bac-ninh-tiep-tuc-dan-dau-ve-thu-hut-von-ngoai-post1502571.html