Bắc Ninh: Tràn lan bến thủy nội địa không phép
Đang trong mùa mưa bão, Bắc Ninh vẫn còn hàng chục bến thủy nội địa không phép hoạt động. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường thủy...
Tràn lan vi phạm
Thời gian gần đây, người dân các huyện Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ và TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh phản ánh nhiều bến thủy nội địa hoạt động không phép mọc lên như nấm sau mưa trên địa bàn. Tại các khu vực này, các xe trọng tải lớn, cơi nới thành thùng thường xuyên hoạt động, đe dọa sự an toàn của các tuyến đê. Đặc biệt, hiện nay đang trong mùa mưa bão nhưng các bến, bãi này vẫn hoạt động rầm rộ, công khai chất tải vật liệu lên bãi khiến nhiều người lo lắng.
Ghi nhận trong những ngày gần đây của PV Báo Giao thông cho thấy tình trạng trên diễn ra công khai. Đơn cử, tại khu vực bến Chì, xã Bồng Lai, huyện Quế Võ có 4 bến thủy nội địa hoạt động rầm rộ, các máy múc, cần cẩu cỡ lớn rầm rập bốc xếp cát sỏi từ tàu thuyền lên bãi. Trên bờ là hàng chục xe trọng tải lớn 3, 4 chân cơi nới thành thùng đến “ăn” hàng. Bà Phạm Thị Tính (thôn Vũ Dương, xã Bồng Lai) cho biết: “Gia đình đã duy trì hoạt động bến bốc xếp hàng hóa này từ nhiều năm nay.
Do chưa hoàn thành các thủ tục liên quan nên vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép bến thủy nội địa. Đầu mùa mưa bão năm nay, cơ quan chức năng có đến kiểm tra, nhắc nhở, không cho phép chất tải vật liệu lên đê nhưng để duy trì hoạt động kinh doanh, giữ chân khách hàng, gia đình vẫn tiếp tục bốc xếp vật liệu”.
Di chuyển dọc tuyến đê tả Đuống về phía huyện Tiên Du, chúng tôi cũng ghi nhận có hàng chục bến thủy nội địa không phép hoạt động rầm rộ. Ngoài những bến, bãi được xây dựng kiên cố với các mố cẩu hiện đại, nhiều điểm chỉ được xây dựng tạm bợ, san hạ mái đê, mở đường xuống sông, đặt máy múc bốc xếp cát, sỏi từ tàu, thuyền lên bãi và xe tải. Không chỉ cá nhân, hộ gia đình, một số doanh nghiệp cũng xây dựng, duy trì hoạt động của các bến thủy nội địa không phép.
Ông Nguyễn D.M, quản lý bến thủy của Công ty TNHH Cao Nguyên (TP Bắc Ninh) thừa nhận: Dù chưa được cấp phép hoạt động nhưng từ nhiều năm nay, công ty vẫn duy trì 4 bến thủy tại khu vực cầu Hồ, giáp ranh giữa xã Tân Chi, huyện Tiên Du và xã Hán Đà, huyện Quế Võ. Những ngày gần đây, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý mạnh hơn nên đơn vị chủ yếu hoạt động vào ban đêm.
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn còn 69 bến thủy nội địa hoạt động không phép. Trong đó có 15 bến tại các xã Bồng Lai, huyện Quế Võ; phường Vạn An, TP Bắc Ninh; xã Tam Đa, huyện Yên Phong và xã Tân Chi, huyện Tiên Du… nằm trong diện buộc phải giải tỏa vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang đê, tiềm ẩn nguy cơ làm thay đổi dòng chảy, mất ATGT đường thủy trong mùa mưa bão.
Để bảo đảm ATGT trong mùa mưa bão, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản nghiêm cấm các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, chất tải, tập kết vật liệu xây dựng trong mùa mưa bão từ ngày 15/5 đến ngày 30/10/2019. Tuy vậy, vi phạm vẫn xảy ra nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời.
Cạnh tranh không lành mạnh
Anh Nguyễn Đức Kiên, quản lý bến thủy của Công ty TNHH Minh Bảo (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành) cho biết: Dọc bờ sông từ cầu Hồ đến xã Song Hồ có khoảng 10 bến thủy hoạt động nhưng chỉ bến của công ty được cấp phép. Các bến còn lại liên tục hạ giá dịch vụ bốc xếp để tranh giành khách hàng. “Trước đây giá bốc xếp mỗi khối vật liệu từ thuyền lên xe là khoảng 10.000 đồng/m3, nay giảm xuống chỉ còn 7.000 đồng, thậm chí nhiều thời điểm ít khách còn được các bến giảm xuống 5.000 đồng/m3 khiến các đơn vị chấp hành quy định, nộp đủ chi phí liên quan bị yếu thế, không thể cạnh tranh, giữ chân khách hàng”, anh Kiên cho hay.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trong tháng 6 và 7/2019, Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh đã thành lập đoàn công tác liên ngành do TTGT chủ trì, cùng Phòng CSGT Công an tỉnh, Phòng ATGT (Sở GTVT), Chi cục Đường thủy nội địa, Cảng vụ Bắc Ninh, UBND các huyện, xã trong tỉnh, phối hợp kiểm tra công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa trên địa bàn, phát hiện xử phạt 3 trường hợp không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, nộp ngân sách 22,5 triệu đồng. Từ thực tế, đoàn đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc quản lý, giải tỏa bến bãi vi phạm…
Tuy vậy, chính quyền nhiều nơi vẫn có dấu hiệu tiếp tay như một số thôn, xã ký hợp đồng cho các cá nhân, doanh nghiệp thầu khoán diện tích đất công ích ven sông để lập bến thủy nội địa, bến bãi tập kết cát sỏi. Họ cố tình làm ngơ, không kiên quyết xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Hiện, Bắc Ninh đã kiện toàn Ban ATGT từ tỉnh đến huyện, xã. Với trách nhiệm là Trưởng ban ATGT, Chủ tịch UBND các huyện, xã phải vào cuộc xử lý, giải tỏa các bến, bãi không phép. Nếu để xảy ra tình trạng mất ATGT đường thủy thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND, Trưởng ban ATGT tỉnh”.
Nguồn ATGT: https://www.atgt.vn/bac-ninh-tran-lan-ben-thuy-noi-dia-khong-phep-d433952.html