Bắc Ninh, từ miền đất cổ đến đô thị hiện đại
Nói đến Bắc Ninh-Kinh Bắc là nói đến miền trầm tích lắng đọng lịch sử nghìn năm. Nhưng Bắc Ninh không chỉ dựa vào quá khứ. 27 năm kể từ ngày tái lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bắc Ninh đã kiến tạo câu chuyện của thời đại mới. Nói đến Bắc Ninh hôm nay là nói đến những đô thị công nghệ cao, những thành phố, thị xã hiện đại, năng động bậc nhất của cả nước, thủ phủ công nghiệp của miền bắc, tạo thế và lực để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần.
Mới đó mà đã gần 30 năm, thời gian đủ một thế hệ sinh ra, lớn lên và trưởng thành lập nghiệp. Nhưng với những người trung, cao tuổi trên mảnh đất Bắc Ninh, mọi thứ vẫn như hôm qua. Đó là cảm giác bịn rịn, lo âu, mà cũng khấp khởi những kỳ vọng vào tương lai. Bịn rịn, bởi bao năm tháng, Bắc Ninh-Bắc Giang là người một nhà, giờ chia đôi ngả. Lo âu, bởi xuất phát điểm Bắc Ninh ngày ấy quá thấp. Là một tỉnh thuần nông, trên địa bàn chưa có khu công nghiệp nào.
Mà cũng khấp khởi những kỳ vọng. Bởi nếu biết tận dụng địa thế giáp Thủ đô, kết nối giao thông thủy bộ thuận tiện, lại sẵn có truyền thống văn hiến - mà nay được kế thừa bằng nền nếp đề cao giáo dục, đề cao nhân tố con người - Bắc Ninh, có thể cất cánh rất mau lẹ trong tương lai…
Vững vàng những viên gạch đầu tiên
Thiên thời, địa lợi dẫu có tốt mấy cũng không thể thành “đại sự” nếu thiếu nhân hòa. Nhớ về những người đặt nền móng cho Bắc Ninh những ngày đầu tiên ấy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Lê Xuân Lợi cho biết: “Bắc Ninh diện tích chật hẹp nhất cả nước mà lại là tỉnh thuần nông. Từng bước “chia tay” với nông nghiệp là điều tất yếu. Chỉ có công nghiệp mới tạo ra đột phá.
Nhưng chọn công nghiệp như thế nào để tạo ra bước đột phá? Để tận dụng tối đa tiềm năng con người, để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất là một chọn lựa không phải dễ dàng. Chính các thế hệ đi trước đã “định vị” Bắc Ninh phải phát triển công nghiệp-đô thị, rồi tiếp đó là định vị Bắc Ninh phải là tỉnh công nghệ cao đã tạo “bộ khung” cho sự phát triển hôm nay”.
Chỉ một năm sau khi tái lập, từ chủ trương của Tỉnh ủy, định hướng phát triển công nghiệp - đô thị được thể hiện trong Quyết định số 48/1998/QĐ-UB năm 1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2010. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết số 12-NQ/TU năm 2000; Nghị quyết số 02/NQ-TU năm 2001 và Nghị quyết số 02/NQ-TU năm 2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Trước những thay đổi trên thực tế, năm 2014, tỉnh lại điều chỉnh phát triển các Khu công nghiệp. Chủ trương lấy phát triển công nghiệp làm khâu đột phá, tạo động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, là mục tiêu xuyên suốt của tỉnh, liên tục được tiếp nối, kế thừa và phát huy qua các nhiệm kỳ công tác.
“Trục trung tâm” này là cơ sở để triển khai hàng loạt giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, từ xây dựng hạ tầng đồng bộ với mục tiêu tạo lợi thế cao nhất cho chính các doanh nghiệp đầu tư vào Bắc Ninh; việc cải cách thủ tục hành chính, ban hành các giải pháp thu hút đầu tư cũng nhằm đến mục đích này. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của Bắc Ninh luôn được duy trì trong nhóm 10 tỉnh cao nhất cả nước.
Hiện tỷ lệ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trước thời hạn đạt hơn 95%. Tỉnh thực hiện có hiệu quả “Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp”; mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” tạo ra chuyển biến mới trong văn hóa ứng xử giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.
Với thông điệp “Bắc Ninh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”, đưa Bắc Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bắc Ninh duy trì đà tăng trưởng kinh tế qua các năm (đặc biệt giai đoạn 1997-2022 đạt mức tăng trưởng khoảng 13%/năm).
Thu hút đầu tư, song không bỏ quên quyền lợi của người dân. Những giải pháp hài hòa lợi ích của doanh nghiệp-người dân được triển khai. Những khu công nghiệp mọc lên thay thế những cánh đồng bát ngát trong nụ cười hồ hởi của những người dân quê hương Kinh Bắc.
Công tác an sinh xã hội trên địa bàn được bảo đảm, nhiều chính sách được thực hiện cao hơn mức bình quân chung của cả nước, mức sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 10,35% năm 1997 xuống còn 0,94 % năm 2023. Tỉnh cũng đang chuẩn bị các bước để công bố Bắc Ninh không còn hộ nghèo trong tháng 10 này.
Năm 1997, khi mới tái lập tỉnh Bắc Ninh, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành (GDRP) chỉ đạt 2.020 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) là 646 tỷ đồng, xếp thứ 10/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Bây giờ, vẫn là tỉnh nhỏ về diện tích và số dân, nhưng GRDP toàn tỉnh đạt mức 220.222 tỷ đồng, xếp 4/11 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và xếp thứ 9 cả nước. Song, con số đó chưa phản ánh đúng thực lực của Bắc Ninh hôm nay. Bởi nếu tính thu nhập bình quân trên đầu người, Bắc Ninh đạt tới 6.053 USD/người (gấp 31 lần năm 1997).
Khi tích lũy được nội lực mạnh, những khó khăn cũng được tháo gỡ một cách thuận lợi hơn. Kinh tế Bắc Ninh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng sang đến năm 2024, Bắc Ninh mau chóng trở lại “đường ray tăng trưởng”. Từ đầu năm đến hết tháng 9, hoạt động thu hút đầu tư của Bắc Ninh đạt kết quả vượt bậc, tổng số vốn cấp mới và đăng ký điều chỉnh tăng hơn 4,2 tỷ USD, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đưa Bắc Ninh là địa phương đầu đầu cả nước thu hút FDI trong 9 tháng năm 2024. Hình ảnh của Bắc Ninh hôm nay gắn liền với hình ảnh của những tập đoàn hàng đầu thế giới như: Samsung, Canon, Nokia-Microsoft, Fushan Technology, Amkor, Goertek.
Định hình một đô thị năng động-hiện đại
Là một miền đất văn hiến, quê hương của bao bậc hiền sĩ tài danh, nhưng rồi, như nhiều miền đất khác của đất nước, Bắc Ninh bị chiến tranh tàn phá. Những người con ưu tú nhất phải cầm súng bảo vệ quê hương. Rồi thời kỳ bao cấp tiếp tục cản trở những ước mơ, khát vọng. Thị xã Bắc Ninh từng bị mệnh danh là “thị xã đèn dầu” với vài tuyến phố lèo tèo bám theo quốc lộ 1A (cũ).
Cùng với quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế toàn cầu, việc tái lập tỉnh đã tạo ra bước ngoặt. Bắc Ninh từng bước đã trở thành thủ phủ của công nghiệp công nghệ cao toàn miền Bắc. Từ nền tảng đó, Bắc Ninh kiến tạo đô thị hiện đại, nông thôn văn minh. Hệ thống đô thị toàn tỉnh được tập trung đầu tư nâng cấp, năm 1997 toàn tỉnh có 8 đô thị, trong đó một đô thị loại IV và 7 đô thị loại V.
Đến nay, toàn tỉnh có 1 đô thị loại I (thành phố Bắc Ninh), 1 đô thị loại III (thành phố Từ Sơn), 3 đô thị loại IV (đô thị Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong), 4 đô thị loại V (thị trấn Lim, huyện Tiên Du; thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình; thị trấn Thứa, huyện Lương Tài; đô thị Nhân Thắng, huyện Gia Bình).
Thị xã Bắc Ninh trở thành thành phố từ năm 2006, rồi thành phố loại I trực thuộc tỉnh năm 2017. Nhìn những “khu đô thị mới” được xây dựng trên những cánh đồng cách đây hơn 20 năm thì sẽ thấy Bắc Ninh phát triển nhanh đến thế nào. Bởi những “khu đô thị mới” ngày ấy, đang lui dần thành “khu phố cũ”. Hàng loạt khu đô thị mới mọc lên, hạ tầng thương mại hình thành và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và ứng dụng thương mại điện tử. Những tòa cao ốc khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại.
Nhưng những tòa cao ốc ấy không đứng chơ vơ, không tạo thành “rừng bê-tông”, mà hài hòa với không gian xanh mát của những công viên, hồ nước. “Mô hình” đó đang được nhân rộng tại thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ, thị xã Thuận Thành và các khu đô thị khác. Buổi chiều đến, những công viên tấp nập người đi bộ, hưởng thụ không khí trong lành.
Ông Nguyễn Mạnh Phú, ở phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh cho biết: “Cách đây ít năm, nơi chúng tôi ở vẫn là làng. Ban đầu, chúng tôi cũng chưa có “cảm tình” với việc “lên phố” ngay đâu. Vì nhiều nơi, lên phố đi kèm không ít bất cập. Nhưng khi thấy chất lượng cuộc sống tăng lên, ai cũng phấn khởi”.
Tỷ lệ đô thị hóa của Bắc Ninh hiện đạt khoảng 60,3%. Song, để tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới, Bắc Ninh cần một tầm nhìn mới, chiến lược mới cho phát triển. Ngày 8/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1589/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo ra không gian và động lực phát triển mới cho tỉnh.
Trong đó xác định rõ: Đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía bắc; một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội. Phấn đấu trước năm 2030 tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã: Quế Võ, Thuận Thành; 2 huyện: Lương Tài, Gia Bình. Qua đó phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Mới đây, tỉnh đã tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là “bộ khung” để Bắc Ninh phát triển trong thời gian tới. Đối với một số chỉ tiêu cụ thể, Quy hoạch đề ra mục tiêu Bắc Ninh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8%-9%/năm; tỷ trọng GRDP của công nghiệp và xây dựng khoảng 72,7%; dịch vụ khoảng 21,7%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 346,6 triệu đồng/người; kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 42 tỷ USD.
Trực tiếp tham dự lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu bật 3 yếu tố quan trọng trong công tác quy hoạch đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Đó là luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.
Xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới. Sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, theo vùng, cả nước, khu vực và trên thế giới.
Nhiều người bảo rằng, muốn cảm nhận rõ sự thay đổi của Bắc Ninh, không chỉ đến với thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, mà phải đến cả những xã vùng xa nhất của Lương Tài, Gia Bình. Quả thật ngay cả những nơi “xa xôi” ấy, những làng quê Nông thôn mới kiểu mẫu cũng đang dần tiệm cận với cuộc sống của đô thị. Đó là những con đường trải nhựa rộng rãi, những nếp nhà khang trang, những đại công trường ngày đêm rộn tiếng máy của dự án Vành đai 4 - công trình trọng điểm quốc gia; dự án cầu Kênh Vàng kết nối Bắc Ninh và Hải Dương và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng…
Nói đến Bắc Ninh-Kinh Bắc, là nói đến những trầm tích văn hóa ngàn năm. Nơi ấy, bên dòng sông Đuống huyền thoại Kinh Dương Vương đã hóa thân. Nơi ấy, đất Thuận Thành, đạo Phật đã gieo những hạt giống đầu tiên để Bắc Ninh trở thành miền đất Phật. Nơi ấy, có đền Lý Bát Đế thâm nghiêm, nhìn ra xa xa là những lăng mộ giản dị của các hoàng đế Lý triều. Nơi ấy, từ làng quê cho đến con phố hiện đại, người người vẫn gọi nhau là anh Hai, chị Cả, đi đâu cũng “mời nước, mời trầu”…
Kiên định, vững vàng với đường lối chủ trương, chính sách của Đảng; kế thừa, đoàn kết, nhất trí, hợp tác, chung sức, chung lòng; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương; bình tĩnh, quyết liệt, sâu sát, linh hoạt, cụ thể trong điều hành tất cả vì lợi ích của đất nước và nhân dân, Bắc Ninh đã và đang viết riêng câu chuyện của mình trong thời hiện đại hôm nay. Vùng đất của những câu ca quan họ, của những trang huyền sử trở thành vùng đất của công nghệ cao, của đô thị năng động và hiện đại bậc nhất cả nước.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bac-ninh-tu-mien-dat-co-den-do-thi-hien-dai-post842234.html