Bắc Ninh và Bắc Giang: Thống nhất bộ máy khi hợp nhất theo hướng nào?

Ngày 18/4 tại Bắc Giang, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đã họp thống nhất bộ máy khi hợp nhất 2 tỉnh.

Tái lập tỉnh Bắc Ninh mới: Quy mô, tầm nhìn và trách nhiệm lịch sử

Tại hội nghị, lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cùng các Ủy viên Trung ương Đảng, thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tập trung thảo luận về dự thảo Đề án sắp xếp, hợp nhất hai tỉnh, hướng tới việc thành lập tỉnh Bắc Ninh (mới) trực thuộc Trung ương.

Dự thảo đề án được xây dựng theo Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15, nêu rõ: Bắc Giang và Bắc Ninh có chung nguồn gốc lịch sử – từng là tỉnh Hà Bắc từ năm 1962 đến 1997. Hai tỉnh hiện có nhiều nét tương đồng về văn hóa, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và quy mô hành chính. Việc sáp nhập không chỉ đáp ứng các tiêu chí địa phương trực thuộc Trung ương mà còn mở ra một không gian phát triển mới, mang tính tích hợp và chiến lược cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Báo Bắc Giang).

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Báo Bắc Giang).

Sau sáp nhập, tỉnh Bắc Ninh (mới) có diện tích 4.718,6 km² (đạt 94,3% tiêu chuẩn), dân số hơn 3,6 triệu người (đạt 258,5%), và 99 đơn vị hành chính cấp xã. Trung tâm chính trị - hành chính dự kiến đặt tại TP. Bắc Giang.

Sắp xếp bộ máy, bảo đảm vận hành thông suốt và hiệu quả

Theo nguyên tắc chung, các cơ quan tương đương sở sẽ được hợp nhất dựa trên chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Với một số cơ quan đặc thù chỉ tồn tại ở một trong hai tỉnh (như Sở Dân tộc và Tôn giáo, Trung tâm Phục vụ Hành chính công), mô hình tổ chức sẽ được giữ nguyên nhưng điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp sau hợp nhất.

Về tổ chức bộ máy bên trong các sở, phương án đề xuất hợp nhất các phòng, ban, chi cục đồng chức năng; chuyển hoạt động thanh tra về Thanh tra tỉnh; giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp công lập, sau đó khảo sát và cơ cấu lại phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, hệ thống y tế tuyến huyện sẽ được chuyển về Sở Y tế quản lý theo định hướng của Bộ Y tế.

Về cơ quan báo chí – truyền thông, đại diện tỉnh Bắc Ninh đề xuất thống nhất chủ trương sáp nhập Báo và Đài phát thanh – truyền hình của hai tỉnh thành một cơ quan duy nhất ngay trong giai đoạn hợp nhất, thay vì thực hiện theo hai bước, nhằm đảm bảo thuận lợi trong bố trí nhân sự và ổn định hoạt động chuyên môn.

Các ban quản lý dự án cấp tỉnh được đề xuất giữ nguyên 4 ban và đánh số theo thứ tự, còn các ban cấp huyện sẽ chuyển thành Ban quản lý dự án khu vực để tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư dở dang.

Chủ động rà soát nhân sự, cơ sở vật chất và hồ sơ tài sản

Bên cạnh sắp xếp bộ máy hành chính, Ban Chỉ đạo yêu cầu các tổ công tác chuyên trách khẩn trương lập kế hoạch chi tiết, tổng hợp các đầu việc cần xin ý kiến chỉ đạo, đặc biệt là về nhân sự cấp trưởng các cơ quan cấp tỉnh và cấp huyện. Việc rà soát trước nhân sự, tài sản, hồ sơ, đất đai… được xem là yếu tố then chốt nhằm tránh bị động trong quá trình chuyển tiếp.

Hội nghị cũng đặt ra yêu cầu rà soát toàn diện hạ tầng trụ sở làm việc của các cơ quan, ưu tiên bố trí hợp lý giữa hai địa phương để không gây lãng phí nguồn lực và bảo đảm ổn định trong vận hành.

Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu, Trưởng Ban Chỉ đạo, khẳng định: Việc sáp nhập là bước đi tất yếu, đúng chủ trương, thể hiện tư duy đột phá của lãnh đạo hai tỉnh. Sau 28 năm tách tỉnh, cả Bắc Giang và Bắc Ninh đều có sự phát triển toàn diện, năng động, hội nhập. Việc hợp nhất một lần nữa thể hiện tinh thần “đoàn kết – đồng hành – phát triển” để hình thành một thực thể hành chính có tầm vóc lớn hơn, đủ sức gánh vác vai trò là trung tâm công nghiệp, đô thị và đổi mới sáng tạo của miền Bắc.

Từ nay đến kỳ họp tiếp theo, Ban Chỉ đạo yêu cầu các tổ công tác tiếp tục làm rõ các phương án tổ chức, kịch bản điều chuyển, sắp xếp nhân sự; thống nhất các đề xuất trình Ban Thường vụ hai tỉnh và HĐND trước khi hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, việc xây dựng đề án không đơn thuần là câu chuyện về địa giới hành chính mà còn là bài toán tổ chức lại không gian phát triển, khai thác thế mạnh bổ trợ giữa hai cực công nghiệp hàng đầu khu vực. Đây sẽ là tiền đề để hình thành “trục hành lang tăng trưởng” gắn kết vùng thủ đô với tam giác kinh tế Bắc Ninh – Bắc Giang – Hà Nội, hướng tới phát triển cân bằng, bền vững và hiệu quả hơn.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bac-ninh-va-bac-giang-thong-nhat-bo-may-khi-hop-nhat-theo-huong-nao-383793.html