Bắc Quang lấy vụ Đông bù vụ Mùa
Để bù đắp thiệt hại do bão, lũ vừa qua gây ra, vụ Đông năm nay huyện Bắc Quang phấn đấu trồng trên 1.700 ha. Phương châm lúa Mùa sớm, gặt đến đâu, tranh thủ làm đất trồng đến đấy, quyết tâm sản xuất vụ Đông thắng lợi cả về diện tích, năng suất và sản lượng để bù lại vụ Mùa khó khăn năm nay.
Xã Quang Minh một sớm cuối Thu se lạnh, trên đồng trước nhộn nhịp gặt hái lúa Mùa, ở cánh đồng sau cũng rộn rã tiếng người cày vén đất tra hạt. Bà con thôn Khiềm đổ cả ra đồng vui vẻ cho biết: Từ bao lâu nay, việc trồng cây vụ Đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm. Năm nào cũng vậy, cứ đến đầu tháng 10 cả cánh đồng rộng trên 22 ha sẽ được trồng kín cây vụ Đông. Trong đó, cây ngô chủng loại giống NK 7328, CP 511, ngô nếp HN 68 được trồng nhiều nhất. Qua nhiều vụ trồng cây ngô chủng giống NK 7328, CP 511 và ngô nếp NH 68, đều cho giá trị kinh tế cao nhất. Đến giờ này, nhiều thửa ruộng ngô đã lên được từ 5 – 7 lá. Người dân trong thôn bắt đầu xới gốc, bón phân và phun thuốc phòng trừ sâu keo.
Kinh nghiệm làm cây vụ Đông ở thôn Khiềm là trồng lúa Mùa sớm, ươm sẵn ngô giống trong bầu để rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây ngô giống. Khi lúa Mùa sớm chín đều thì gặt lúa, cày lấp lên luống rồi đưa cây ngô ươm bầu ra trồng. Khi cây ngô sinh trưởng được từ 5 – 7 lá thì tiến hành nhổ cỏ, xới xốp đất quanh gốc và bón nhử phân NPK để cây ngô lấy đà sinh trưởng. Riêng đối với cây rau màu, cần chủ động đủ phân chuồng ủ hoai, làm kỹ đất, rồi bón lót trước khi gieo hạt giống. Bà con thôn Khiềm cho biết: Lợi nhuận cây trồng vụ Đông chỉ 3 tháng trồng đã cho thu lợi cao từ 3 – 5 lần so với trồng lúa Mùa chính vụ. Riêng đối với liên kết trồng dưa với doanh nghiệp, người dân cũng thu lời khá cao chỉ sau 3 tháng sản xuất. Do vậy, sản xuất vụ Đông hàng năm đã được bà con thôn Khiềm xem là vụ sản xuất quan trọng mang lại lợi nhuận cao cho nhà nông.
Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh, Nguyễn Tiến Chước cho biết: Vụ Đông này xã Quang Minh phấn đấu trồng trên 270 ha. Trong đó, có khoảng 200 ha trồng ngô, trên 72 ha trồng rau màu các loại. Hiện nay lúa Mùa đã chín rộ, thời tiết hanh khô thuận lợi để bà con tranh thủ thu hoạch lúa, tiến hành làm đất, trồng cây vụ Đông theo đúng kế hoạch đề ra. Riêng đối với 6,5 ha trồng dưa leo được làm theo hình thức liên kết với doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ; doanh nghiệp hỗ trợ giống, vật tư và thu mua sản phẩm. Đến hiện tại, toàn bộ các hộ đăng ký trồng dưa đã nhận đủ giống, phân bón và đang tiến hành làm đất. Dự kiến đến ngày 10.10.2024, các hộ đăng ký trồng dưa sẽ đồng loạt ra quân trồng trong một ngày. Còn các loại rau ăn lá, đậu đỗ Cô ve, cà chua, hành tím... sẽ thực hiện vừa thu hoạch lúa Mùa, vừa làm đất, vừa trồng, vừa chăm bón.
Trao đổi trực tiếp với Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Phùng Viết Vinh được biết, Bắc Quang sẽ trồng trên 1.700 ha cây vụ Đông. Trong đó, cây ngô sẽ là cây trồng chủ lực chiếm 2/3 diện tích trồng để bù đắp thiếu hụt về lương thực do bão lũ gây ra. Tiếp tục thực hiện liên kết doanh nghiệp và người dân cùng tham gia sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, Bắc Quang sẽ hỗ trợ một phần giống, vật tư cho bà con vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ. UBND huyện chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở bám dân chỉ đạo sản xuất. Phương châm chỉ đạo: Gặt lúa đến đâu, cày bừa làm đất trồng cây vụ Đông đến đó. Lấy năng suất, sản lượng từ cây trồng vụ Đông bù đắp thiếu hụt cho vụ Mùa để người dân vượt qua khó khăn do bão lũ. Bên cạnh đó, Bắc Quang cũng xem xét hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại do bão lũ để từng bước khôi phục chăn nuôi lại đàn gia súc, gia cầm, thủy sản. Quyết tâm, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, các doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ người dân trong huyện vượt khó vươn lên.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202410/bac-quang-lay-vu-dong-bu-vu-mua-f4a0317/