Bắc Quang phát triển đàn đại gia súc

Đánh giá mới đây của UBND huyện Bắc Quang cho thấy, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 10 tháng của năm 2019 ước đạt gần 1.800 tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp chiếm 32,2% - 33% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tổng đàn gia súc tính đến hết tháng 10 ước đạt gần 108.000 con, tăng 15.243 con so với cùng kỳ. Trong đó: Đàn trâu 20.852 con, bò 933 con, lợn 70.735 con, dê 16.684 con... Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại trong 10 tháng ước đạt 7.967,3 tấn; nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu từ phát triển chăn nuôi. Kết quả chăn nuôi trên được gắn liền với phát triển trang trại, gia trại. Tính đến nay, toàn huyện Bắc Quang có 505 trang trại, gia trại bao gồm cả chăn nuôi, thủy sản, phát triển tổng hợp vườn, ao, chuồng, rừng (VACR)..., vượt 129,3% kế hoạch đề ra. Hiện, toàn huyện có 19/23 xã, thị trấn đăng ký phát triển thêm các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò và dê; với nguồn vốn đầu tư theo các chương trình, nghị quyết các cấp từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt gần 90 tỷ đồng cho hàng trăm hộ vay phát triển chăn nuôi quy mô hàng hóa; xu thế chăn nuôi cũng chuyển dịch mạnh từ chăn nuôi lợn, chuyển sang chăn nuôi trâu, bò và nuôi dê tại các trang trại tổng hợp.

Chăn nuôi đại gia súc trở thành hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế của người dân xã Tân Lập.

Chăn nuôi đại gia súc trở thành hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế của người dân xã Tân Lập.

Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ đang chiếm lợi thế tại các xã phía Đông sông Lô, các xã vùng 135, vùng cao, vùng sâu còn nhiều diện tích đồi đất và rừng tái sinh được khoanh nuôi, bảo vệ. Tại đây, người dân đã tận dụng đất đai, sức lao động những sản phẩm phụ từ rừng để chăn nuôi, trồng thêm cỏ làm thức ăn dự trữ cho gia súc. Bên cạnh đó, người dân Bắc Quang còn một lợi thế lâu đời được kế thừa là nghề chăn nuôi trâu, dê khá phát triển. Đặc biệt, nông dân Bắc Quang đã trồng thêm nhiều diện tích cỏ, dự trữ lại toàn bộ lượng rơm, rạ sau thu hoạch lúa Mùa rồi phơi khô, đánh thành cây làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trong mùa Đông. Ngoài cỏ tươi, rơm khô, nhiều gia đình còn dự trữ sắn, ngô phơi khô để trộn với nước muối pha loãng dùng cho trâu, bò, dê ăn thêm vào những ngày trời rét đậm, rét hại.

Bài học để Bắc Quang chuyển hướng chăn nuôi đại gia súc đó là kinh nghiệm của nhà nông, tài nguyên đất đai, sức lao động được kết hợp với các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực chuyển dần từ nuôi lợn sang động vật ăn cỏ chủ yếu là trâu, bò, dê. Căn cứ vào thực tiễn tại các địa phương, các thôn, bản để có kế hoạch phù hợp thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc phát triển bền, chắc.

Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201912/bac-quang-phat-trien-dan-dai-gia-suc-752947/