Bắc Quang phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị
Nhận diện 'nút thắt' trong sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã tập trung triển khai nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực tổ chức sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường theo chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số sản phẩm nông, lâm nghiệp (NLN) chủ lực gắn với xây dựng Nông thôn mới.
Bắc Quang là huyện có nhiều lợi thế về phát triển NLN, có các vùng sản xuất tương đối tập trung, như: Vùng sản xuất cam (trên 4.000 ha, sản lượng hơn 40.000 tấn/năm); sản xuất chè (5.000 ha với sản lượng chè búp tươi đạt 25.000 tấn/năm); vùng sản xuất lạc hàng hóa (2.000 ha, sản lượng đạt 6.300 tấn/năm); vùng trồng rừng kinh tế tập trung bằng giống tốt (gần 3,5 nghìn ha) và vùng gỗ nguyên liệu cung cấp cho thị trường khoảng 40.000 m3/năm, trữ lượng đạt trên 80 m3/ha... Đặc biệt, sản xuất NLN đã có bước phát triển và chuyển dịch theo hướng bền vững. Giá trị sản xuất NLN năm 2020 đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 869 tỷ đồng so với năm 2015; giá trị sản xuất bình quân/ha đất trồng cây hàng năm đạt 70,3 triệu đồng; tỷ trọng chăn nuôi đạt 33%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 65,8%...
Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và ổn định; giai đoạn 2016 – 2020, cấp ủy huyện đã ban hành Nghị quyết số 07 về phát triển sản xuất hàng hóa đối với 5 sản phẩm chủ lực có thế mạnh, gồm: Cam, chè, lạc, gỗ nguyên liệu, chăn nuôi (trâu, lợn). Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Quang, Trần Minh Hữu cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 07, các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện phát triển mạnh theo xu hướng sản xuất an toàn gắn với nhu cầu thị trường. Người dân đã chú trọng đưa cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm. Các sản phẩm chủ lực của huyện như cam, chè, lạc, thịt lợn qua chế biến, đạt từ 3 – 4 sao cấp tỉnh khi tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Không những vậy, cam Sành, chè Shan tuyết còn được xây dựng và công nhận Chỉ dẫn địa lý, dán tem truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, toàn huyện đã có 35 trang trại chăn nuôi phát triển tập trung với quy mô vừa...
Mặc dù sản xuất NLN có bước phát triển tiến bộ; tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền huyện nhận rõ “nút thắt” trong sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện, như: Các sản phẩm chủ lực đã có quy hoạch nhưng việc chấp hành và tuân thủ quy hoạch chưa nghiêm; chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản lượng lớn, trong khi chất lượng, mẫu mã sản phẩm, khả năng cạnh tranh còn thấp so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Mặt khác, mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ còn hạn chế. Việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến còn khó khăn; thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực của huyện chưa thực sự bền vững...
Từ thực tế trên, Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ huyện Bắc Quang về phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực có thế mạnh của huyện theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2021 – 2025 được kỳ vọng tạo bước chuyển mạnh mẽ đối với sản phẩm hàng hóa chủ lực của huyện. Theo đó, huyện tập trung rà soát, xác định lại vùng sản xuất, quy mô, số lượng cho từng sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng đã được xác định nhằm đảm bảo tính phù hợp, thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng sản xuất và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đồng thời, xây dựng các nhóm giải pháp về kỹ thuật canh tác, tiêu chuẩn sản xuất an toàn để nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã cho từng sản phẩm. Kết nối với các kênh bao tiêu sản phẩm uy tín, bền vững nhằm hỗ trợ thông tin về nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiệu cho người sản xuất tham gia cung ứng sản phẩm một cách ổn định. Không những vậy, Bắc Quang đang vận dụng, lồng ghép linh hoạt chính sách thu hút, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, bao tiêu, chế biến sản phẩm theo chuỗi giá trị và có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo lợi ích của người sản xuất; xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua các hoạt động liên kết sản xuất. Mặt khác, có giải pháp cụ thể liên kết vùng sản xuất giữa xã với xã đối với sản phẩm cùng loại trên cơ sở thống nhất chung một quy trình, tiêu chuẩn sản xuất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm và có sản phẩm đủ lớn để cung cấp cho thị trường...
Ngay sau khi Nghị quyết 05 ra đời, người dân huyện Bắc Quang bắt tay vào cải tạo, đầu tư thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng; hình thành chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, chế biến cam, chè, lạc; trồng cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho đại gia súc tại các xã phía Đông sông Lô và một số xã, như: Việt Vinh, Quang Minh, Tân Lập. Đối với sản phẩm lúa, gạo, huyện duy trì vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, thực hiện cánh đồng mẫu gắn với dồn điền, đổi thửa, đưa cơ giới vào sản xuất tại các xã: Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Quang Minh, Hùng An, Việt Vinh…
Hiện, cả hệ thống chính trị và nhân dân huyện Bắc Quang đang ra sức thi đua, đồng lòng đưa Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ huyện vào cuộc sống. Phấn đấu đến năm 2025 có trên 50% sản phẩm chủ lực được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các tiêu chuẩn khác phù hợp với thị trường); hướng tới xây dựng các sản phẩm đặc trưng của huyện trở thành sản phẩm OCOP đạt tiêu chí từ 3 sao trở lên…