Bác sĩ 78 tuổi xung phong vào tâm dịch 'chia lửa' cùng đồng nghiệp
Dù đã 78 tuổi nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Trang, ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An vẫn tràn đầy nhiệt huyết viết đơn xin gia nhập đoàn quân áo blouse trắng đến tâm dịch Bắc Giang.
Sáng 31/5, có mặt tại khối 3A, thị trấn Thanh Chương, Nghệ An, nơi mà bác sĩ Nguyễn Văn Trang đang sinh sống.
Đón chúng tôi là một người đàn ông với phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn nở nụ cười trên môi và cái bắt tay thân thiện, đó là bác sĩ Nguyễn Văn Trang.
Bác sĩ Nguyễn Văn Trang khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ khi biết ông đã ở tuổi 78, cái tuổi đối với nhiều người thì hầu như sự nhanh nhẹn, hoạt bát và minh mẫn đã không còn, như ở ông vẫn vẹn nguyên như một “thanh niên” thực sự.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở vùng đất học Thanh Chương (Nghệ An).
Từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Trang ước mơ được trở một bác sĩ chữa bệnh cứu người.
Với ước mơ cháy bỏng đó, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Văn Trang quyết tâm thi đậu vào trường Đại học Y khoa Hà Nội.
Năm 1973, sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội, bác sĩ trẻ Nguyễn Văn Trang trở về mang sức trẻ về cống hiến cho quê hương.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, dấu chân của ông đã đi qua khắp các huyện Kỳ Sơn, Anh Sơn, Thanh Chương (Nghệ An).
Ở huyện Thanh Chương, với kinh nghiệm và tâm huyết bác sĩ Trang đã có nhiều thành tích trong việc xây dựng bệnh viện tuyến huyện.
Sau khi nghỉ hưu, bác sĩ Trang tiếp tục làm công từ thiện như: khám, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân, tổ chức nấu nồi cháo tình thương giúp đỡ bệnh nhân nghèo, làm cộng tác viên dân số tuyên truyền phổ biến các kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, không nên sinh nhiều con, không được bạo hành, bạo lực gia đình... với những việc làm đó ông được đồng nghiệp quý mến, người dân tin yêu, quý trọng.
Chia sẻ về việc làm đơn tình nguyện gia nhập đội quân chống dịch COVID-19 “chia lửa” cho tâm dịch Bắc Giang, bác sĩ Nguyễn Văn Trang vui vẻ cho hay, là bác sĩ đã nghỉ hưu, tôi thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến của dịch COVID-19, khi làn sóng dịch lần thứ tư xuất hiện tại Bắc Ninh, Bắc Giang, những hình ảnh các chiến sĩ áo Blouse trắng nơi tuyến đầu không quản ngại khó khăn gian khổ, ngày đêm để điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm... quyết khống chế dịch, không để dịch lan rộng, đã làm tôi rất xúc động.
Nhận thấy sức khỏe mình đảm bảo, tinh thần minh mẫn, sáng suốt, cộng thêm đã có nhiều năm làm Trưởng khoa nhi, Trưởng khoa tổng hợp nội, nhi lây Đông y. Cá nhân tôi muốn gia nhập đoàn quân áo trắngđể đóng góp 1 chút sức lực của mình vào công tác chống dịch.
Vì thế, hôm qua (30/5) tôi đã đăng nội dung đơn tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch lên Facebook, ngay trong chiều nay (31/5), tôi sẽ lên UBND huyện Thanh Chương để gửi đơn tình nguyện gia nhập đội quân chống dịch COVID-19.
Nếu được chuẩn y, thì đây là vinh dự lớn của người thầy thuốc được cống hiến sức lực để cùng đồng nghiệp chiến thắng “giặc” COVID-19.
Nhận xét về bác sĩ Nguyễn Văn Trang, Bác sĩ Phạm Ngọc Luân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Chương cho hay, lâu nay, bác sĩ Trang nghỉ hưu vẫn thường xuyên khám từ thiện cho người dân.
Việc lên tuyến đầu, tôi đã nói với bác sĩ Trang, vì năm nay bác sĩ đã 78 tuổi rồi, sức khỏe có hạn nên, mặc dù chúng tôi rất trân trọng tình cảm của bác sĩ, nhưng không thể để bác sĩ đi Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… được.
Còn để tiếp tục cống hiến cho tuyến đầu thì sau này bác sĩ Trang có thể giúp cho huyện Thanh Chương trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Có thể nói, mặc dù tuổi đã cao nhưng với lương tâm và trách nhiệm của 1 người thầy thuốc bác sĩ Nguyễn Văn Trang đã làm đơn tình nguyện tham gia đội quan áo Blouse trắng “chia lửa” cho tuyến đầu Bắc Giang thể hiện tinh thần quyết tâm chiến đấu và chiến thắng “giặc” COVID-19 của nhân dân ta.
Để sớm chiến thắng được “giặc” COVID-19, ngoài nỗ lực của các cấp, các ngành, sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ áo blouse trắng, thì cần lắm sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân, đặc biệt là việc người dân tuân thủ, thực hiện nghiêm các khuyến cáo, thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Trong đơn bác sĩ Trang viết: “Tinh thần minh mẫn sáng suốt, thể lực an khang, sức khỏe A1. Suốt nhiều năm công tác tôi làm Trưởng khoa nhi, Trưởng khoa tổng hợp nội, nhi lây Đông y.
Tôi muốn gia nhập đoàn quân áo trắng (đồng nghiệp của tôi) bằng tâm huyết cao mong về già còn làm thêm được việc có ích cho xã hội.
Đặt tay lên trái tim mình, nghe trái tim mách bảo: hãy sống bằng trách nhiệm, tình thương, đừng bao giờ vô cảm trước mọi sự bất hạnh. Hãy tới đó (nơi tâm dịch) làm điều tử tế.
Nếu được chuẩn y, tôi vô cùng cảm ơn và coi đó là vinh dự lớn trước hết cho bản thân và gia đình.
Nếu có mệnh hệ gì thì như tôi đã nói:Khi ta sống ta làm thầy thuốc/Bất luận là gì phải giữ được cái tâm/Muốn khi chết hóa thành cây cổ thụ/Để cho đời thêm một bóng râm.
Cùng với lá đơn bác sĩ Nguyễn Văn Trang gửi kèm bài thơ "Tiến vào tâm dịch":
TIẾN VÀO TÂM DỊCH
Những chiến binh áo trắng
Lần lượt tới Bắc Giang
Không mang theo súng đạn
Trái tim là vũ trang
Họ xuống đầu trọc lóc
Trông như những vị sư
Ai đã từng trông thấy
Mà "an bài" "vô tư"?
Tôi mím chặt vành môi
Mà đôi dòng lệ nhỏ
Đồng nghiệp trẻ của tôi
Trái tim bầu máu đỏ
Đôi mắt bừng sáng tỏ
Miệng nở cười như hoa
Họ đi vào tâm dịch
Lòng rộn ràng quân ca
Tôi đau đáu xót xa
Nhưng tự hào kiêu hãnh
Đồng nghiệp của tôi ơi
Hãnh bình yên khỏe mạnh
Tình yêu là mệnh lệnh
Là nhiệm vụ tối cao
Trước Đảng trước Nhà nước
Trước quốc dân đồng bào
Cho tôi được tự hào
Và cho tôi được khóc
Nước mắt của tình người
Xin đừng ai trách móc
Cho tôi được thay mặt
Nhiều tập thể cộng đồng
Gửi niềm tin sắt đá
Của triệu triệu tấm lòng
"Chống dịch như chống giặc"
Lệnh tối thượng ban ra
Giặc gì ta cũng thắng
Chiến công bừng nở hoa
Rồi một ngày không xa
Đồng nghiệp tôi về lại
Họ sẽ mang theo về
Những chiến công vĩ đại
Không cần phải trẻ lại
Với tuổi đời của tôi
Sức đang còn khỏe lắm
Máu tim còn sục sôi
Nếu được phép cho tôi
Với lời thề danh dự
Vì nhân loại quyết sinh
Tôi sẵn sàng quyết tử
Bài thơ - Lời tâm sự
Kèm theo một lá đơn
Vào đội quân chống dịch
Tôi vô cùng cảm ơn
Gửi huyện ủy ủy ban
Gửi đến ngành y tế
Lời nói là gói vàng
Nói sao tôi làm thế.