Bác sĩ bệnh viện công bị 'nhốt chặt' với quy định hành chính
Ở nước ngoài, bác sĩ có thể linh hoạt phục vụ ở nhiều nơi để sử dụng tối ta chất xám phục vụ người bệnh. Ở Việt Nam, bác sĩ viện công phải ở viện suốt 8 tiếng kế cả khi không có bệnh nhân cần mổ.
Thực tế trên được PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, nguyên Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ trong hội nghị khoa học mới đây tại TP.HCM.
Theo bác sĩ Phúc, ngành tim mạch, đặc biệt là tim bẩm sinh ngày càng có nhiều tiến bộ, khác biệt rất nhiều so với trước đây. Bác sĩ có thể chẩn đoán tim bẩm sinh từ trong bào thai từ 11-12 tuần, phương tiện hình ảnh học giúp hỗ trợ chẩn đoán chính xác hơn. Can thiệp tim mạch cũng ngày càng tiến bộ, có thể can thiệp ngay trong bào thai, tỷ lệ thành công cao.
“Tuy nhiên, ngay cả các nước lớn trên thế giới cũng chưa thể chấm dứt được các dị tật bẩm sinh đặc biệt là dị tật tim mạch”, bác sĩ Phúc nói.
Liên quan đến vấn đề chính sách đào tạo, bác sĩ Phúc cho hay, hiện Việt Nam không đào tạo chính quy bác sĩ tim mạch nhi và bác sĩ phẫu thuật tim nhi. Hầu hết, chỉ đào tạo bác sĩ nhi và phẫu thuật viên nhi. Khi về Khoa Tim mạch, bác sĩ sẽ tự học việc, học được đến đâu hay đến đó, không chính quy như nước ngoài.
Chưa kể, ít bác sĩ chọn tim mạch nhi và phẫu thuật tim mạch vì học rất nhiều, làm cực mà lương không bao nhiêu, không nhận được hỗ trợ gì trong thăng tiến nghề nghiệp và thu nhập. “Đứng mổ một ca tim từ 7h -16h được tính 140.000 đồng, trong khi các ca mổ khác khoảng 2 tiếng cũng được 140.000 đồng.”
Việt Nam cũng không có nhiều chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, nghiên cứu và phát triển năng lực. Bác sĩ gần như phải tự bỏ tiền túi ra đi học, khi trở về thì lương thấp. "Hầu như các bệnh viện, khi nhân viên đi học trong nước sẽ hỗ trợ học phí 50%, nếu đi học nước ngoài sẽ cắt lương ngay, khi nào về xin việc lại tính sau", bà nói.
Nhiều quốc gia phát triển đều có chính sách huấn luyện nhân viên y tế chuyên chăm sóc tim bẩm sinh, đa dạng hóa nguồn nhân lực, điều chỉnh đào tạo với số lượng, chất lượng phù hợp nhu cầu sức khỏe cộng đồng. Còn ở Việt Nam, không có thống kê về số bác sĩ chuyên khoa tim mạch, bác sĩ phẫu thuật tim. Kết cục là “không có con số, không biết cái đích cần đạt, thiếu bao nhiêu, cần đào tạo bao nhiêu”.
Bên cạnh đó, vấn đề hành chính trong ytế là vấn đề rất đau đầu. Bà lấy ví dụ, bác sĩ làm ở bệnh viện công nghĩa là suốt 8 giờ chỉ ở trong viện, “có bệnh thì mổ, không có bệnh thì ngồi chơi”. Trong khi đó, ở nước ngoài, một bác sĩ có thể làm nhiều bệnh viện, làm hành chính chỗ này rồi sang chỗ khác, tận dụng tối đa năng suất chất xám, phục vụ người dân khắp mọi nơi.
“Còn chúng ta nhốt chặt với hành chính y tế, nhốt bác sĩ trong bệnh viện để rảnh thì cũng ngồi không chơi! Không có chính sách về hành chính y tế để phục vụ cho nhu cầu rất lớn của xã hội”, bác sĩ Phúc thẳng thắn.
Với những bất cập trên, bác sĩ Phúc cho rằng, hậu quả là bác sĩ bỏ việc hoặc chuyển sang bệnh viện khác.
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã đưa vào hoạt động Trung tâm tim mạch nhi chuyên sâu sau 15 năm ấp ủ. Đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật tim cho hơn 5.000 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, hơn 8.000 trẻ được thông tim can thiệp.
Khi chương trình mổ tim kín ra đời, tỷ lệ tử vong vì tim bẩm sinh đã hạ từ 7,7% xuống còn 2,95%. Với chương trình phẫu thuật tim hở và thông tim can thiệp, tỷ lệ tử vong bệnh tim bẩm sinh kể từ năm 2018 chỉ còn dưới 1%.