Bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung: Cần xử thật nghiêm
Nam bác sĩ bị người nhà bệnh nhi hành hung tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, anh từng bị người bệnh và thân nhân tấn công nhiều lần. Không chỉ bản thân anh mà nhiều đồng nghiệp công tác tại khoa Cấp cứu thường xuyên bị hành hung, gần như tuần nào cũng có một vụ.
“Chúng tôi liên tục bị tấn công”
Vụ việc BS Phạm Hoàng Thiên (33 tuổi) đang công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM bị người nhà bệnh nhi tấn công vào đêm 27/7 đang thu hút sự quan tâm và bức xúc của dư luận.
Theo đó, khoảng 21 giờ, khi đang khám chữa bệnh tại khoa Cấp cứu, BS Hoàng Thiên đã bị bố của bệnh nhi 10 tuổi (bị hóc xương) dùng lời lẽ lăng mạ, đe dọa và bóp cổ, tấn công vì cho rằng bệnh viện không cứu chữa kịp thời cho bệnh nhi. Lực lượng bảo vệ và công an đã có mặt can thiệp kịp thời, trẻ được gia đình chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2.
Ngày 31/7, Công an quận Bình Thạnh cho biết đã mời ông Đ.Q.B. (40 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh), người có hành vi hành hung BS. Phạm Hoàng Thiên lên làm việc lấy lời khai. Bước đầu ông Q.B. thừa nhận hành vi của mình, cơ quan công an đang củng cố tài liệu chứng cứ để điều tra làm rõ vụ việc. Nếu đủ cơ sở xác định ông Đ.Q.B có hành vi chống người thi hành công vụ thì sẽ khởi tố vụ án và xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau khi vụ việc xảy ra, trao đổi với PV Tiền Phong, BS Phạm Hoàng Thiên cho biết, anh đã công tác tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định hơn 7 năm qua và nhiều lần bị hành hung. Vụ việc đêm 27/7 xảy ra khi anh đang tập trung cứu chữa cho nhiều bệnh nhân tại khoa Cấp cứu. Anh Thiên khẳng định sẽ không hòa giải với kẻ côn đồ và theo đuổi vụ việc đến cùng.
“Những ngày qua tôi đã xin tạm nghỉ để làm việc với cơ quan công an và ổn định tinh thần vì phải đối mặt với tâm trạng vừa buồn tủi vừa lo lắng, bức xúc sau khi bị người nhà bệnh nhi tấn công. Đây là lần thứ bao nhiêu bị bệnh nhân và thân nhân hành hung trong khoảng 7 năm làm việc tại khoa Cấp cứu tôi cũng không nhớ rõ. Tuy nhiên, tính từ cuối năm 2021 đến nay, tôi đã bị tấn công 3 lần, vết thương vẫn còn hằn trên cánh tay”, BS Hoàng Thiên nói.
BS. Thiên cho biết thêm, không chỉ bản thân anh mà hầu hết nhân viên y tế trong khoa cũng từng bị tấn công bởi người bệnh hoặc thân nhân theo những cách rất vô cớ. “Không lâu trước vụ việc của tôi, có 2 chị điều dưỡng bị đấm thẳng vào mặt và đánh đến đổ máu. Sau các vụ việc, phía công an có gọi 2 bên lên làm việc, hòa giải rồi phạt hành chính người tấn công nhân viên y tế chứ không có giải pháp xử lý mang tính răn đe. Nhân viên y tế chúng tôi không muốn làm căng thẳng mối quan hệ giữa người bệnh và y bác sĩ bởi y đức của mình. Tuy nhiên, chúng tôi không thể chịu cảnh này mãi được” - BS Hoàng Thiên bức xúc.
Mong chờ xử lý nghiêm minh
TS.BS Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, sau khi vụ việc xảy ra Ban giám đốc bệnh viện đã gặp trao đổi, động viên bác sĩ và kíp trực; tiến hành phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh làm rõ sự việc; đồng thời thực hiện báo cáo nhanh với lãnh đạo Sở Y tế TPHCM. Ban giám đốc bệnh viện đã tiến hành rà soát lại hiện trường vụ việc, kiểm tra lại quy trình tiếp nhận và khám bệnh của khoa Cấp cứu, tiếp tục theo dõi, thăm hỏi diễn tiến của trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 2, trẻ đã ổn định và về nhà.
Theo BS Phạm Hoàng Thiên, y bác sĩ làm việc tại khoa cấp cứu thu nhập trung bình khoảng 10 đến 12 triệu đồng, điều dưỡng khoảng 8 đến 9 triệu đồng nhưng thường xuyên đối mặt với rủi ro bị hành hung từ những kẻ côn đồ hoặc người say xỉn. BS Hoàng Thiên nói: “Họ thường xuyên gây áp lực lên nhân viên y tế nếu không đáp ứng sẽ hành hung để đạt được mục đích của bản thân hoặc người thân của họ. Nhưng họ đã ích kỷ mà quên rằng cùng thời điểm đó rất nhiều bệnh nhân khác đang cần được cứu chữa”.
Sau vụ việc hành hung xảy ra, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đã đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định thăm hỏi, động viên các y bác sĩ, đặc biệt là BS Hoàng Thiên. TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Từ nhiều năm qua, câu chuyện an ninh bệnh viện, đặc biệt là tại khoa cấp cứu luôn là nỗi trăn trở, lo lắng của ngành y tế. Các cuộc giao ban bệnh viện đều có báo cáo về vấn đề an ninh với các tình huống người bệnh và thân nhân gây mất an ninh trật tự, có bạo hành, thậm chí là hỗn loạn. Đó là sự lo lắng chung của những người làm nghề y chúng tôi vì sự không an toàn của bản thân và kế đến là sự không an toàn cho người bệnh”.
TS.BS Anh Dũng cho biết, Bệnh viện Nhân dân Gia Định là đơn vị đã được Sở Y tế chọn để xây dựng quy trình phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh trật tự - CodeGrey với sự phối hợp giữa bệnh viện, chính quyền địa phương và công an khi có sự việc xảy ra. Sau khi quy trình được vận hành, tình trạng các băng nhóm côn đồ gây mất an ninh trật tự có giảm. Tuy nhiên các sự việc hành hung mang tính cá nhân do không bình tĩnh, kiềm chế, dùng những từ ngữ kém văn hóa và có hành động xâm phạm đến thể chất, tinh thần, danh dự của nhân viên y tế trong lúc đang làm nhiệm vụ vẫn xảy ra.
Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, lãnh đạo Sở đã nhận được chỉ đạo từ cấp trên và chỉ đạo Ban giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định khẩn trương làm rõ vụ việc, xử lý đúng người, đúng việc, nghiêm minh theo quy định của pháp luật: “Chúng tôi nghĩ nhân viên y tế trên cả nước và cả cộng đồng đều rất mong chờ hình thức xử lý triệt để, nghiêm minh nhất đối với những hành vi gây mất an toàn trong môi trường bệnh viện, đe dọa sức khỏe, tinh thần và tính mạng của nhân viên y tế và bệnh nhân”, ông Dũng nói thêm.