Bác sĩ chỉ cách sơ cứu, xử trí đúng khi bị điện giật
BSCKI Nguyễn Ngọc Tuyền, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bãi Cháy cho rằng, khi cấp cứu cho nạn nhân bị điện giật, cần bình tĩnh, xử trí đúng. Đánh giá tình trạng bệnh nhân, nếu có ngừng hô hấp, tuần hoàn cần nhanh chóng ép tim cấp cứu ngừng hô hấp và tuần hoàn.
Bất cẩn trong sinh hoạt, lao động là nguyên nhân tai nạn điện giật
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các tai nạn do điện giật gây hậu quả đáng tiếc. Như trường hợp bé trai 10 tuổi được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở. Mặc dù bệnh nhi đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng bé không qua khỏi.
Theo người nhà bệnh nhi cho biết, bệnh nhi được người nhà phát hiện trong tình trạng nằm bất động trên nền nhà tắm, tay còn cầm vòi hoa sen đang mở. Khi nhập viện, toàn thân trẻ tím tái, đồng tử hai bên giãn, các bác sĩ đã cấp cứu ngừng tuần hoàn (ngừng tim, ngừng thở) nhưng không hiệu quả.
Mới đây, các bác sĩ của một bệnh viện Phú Thọ đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 12 tuổi bị điện giật khi đang câu cá tại ao gần đường điện cao thế, cháu bị bị ngã xuống nước bất tỉnh. Các bác sĩ cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, tức ngực, khó thở, có nhiều vết bong trợt, xây xát toàn thân, ngực, cánh cẳng tay, cổ, nách, các ngón chân khô đen lợt da, đau tức ngực, khó thở ít, hạn chế cảm giác vận động hai chân.
Theo người dân cho biết, bé đi chân đất câu cá bằng cần câu (vật liệu cacbon) tại ao gần đường điện cao thế. Khi bị ngã xuống nước, bé được người đi cùng phát hiện, đưa lên bờ trong tình trạng bất tỉnh và nhanh chóng gọi cấp cứu bệnh viện. Tại Trung tâm bệnh viện, các bác sĩ đã hướng dẫn người dân kiểm tra tình trạng của bé và hướng dẫn sơ cứu.
Ngay lập tức bệnh nhi được hồi sức, giảm đau, chống sốc, vệ sinh băng bỏng vùng tổn thương. Các chỉ số sinh tồn tạm thời ổn định, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch.
BSCKI Nguyễn Ngọc Tuyền, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, tại khoa cấp cứu thường gặp các tai nạn điện giật trong sinh hoạt, lao động sản xuất, hoặc điện giật do sét đánh…. Nguyên nhân chủ yếu do chính con người, sự bất cẩn trong đời sống sinh hoạt thường ngày, không tuân thủ an toàn trong lao động, sản xuất, thậm chí có cả những thợ điện chuyên nghiệp cũng có thể bị điện giật.
"Khi bị điện giật, hậu quả để lại cho nạn nhân còn tùy thuộc vào cường độ dòng điện, hiệu điện thế, vị trí hay diện tích tiếp xúc. Nếu cường độ dòng điện nhỏ (1 miliampe), nạn nhân có thể bị rung, giật cơ. Dòng điện từ 10 miliampe, có thể khiến cơ bị co cứng. Dòng điện từ 80 miliampe trở lên tim có thể ngừng đập", BS Tuyền nói.
Với trường hợp dòng điện đi trực tiếp qua tim, tiếp xúc qua tay, chân, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cơ tim.
Xử trí khi bị điện giật
BSCKI Nguyễn Ngọc Tuyền cho rằng, khi bị điện giật, bệnh nhân có thể bị bỏng điện tùy vào vị trí tiếp xúc của dòng điện. "Tổn thương nặng nề nhất của điện giật là làm bệnh nhân ngừng tuần hoàn, ngừng tim. Lúc này cần phải được xử trí ngay mới cứu sống được người bệnh", BS Tuyền cho biết.
Bên cạnh đó, còn nhiều biến chứng mà bệnh nhân điện giật có thể gặp phải là chấn thương gãy xương (bị rơi từ trên cao xuống), đụng dập cơ, chấn thương sọ não, suy thận, suy đa tạng….
BSCKI Nguyễn Ngọc Tuyền chỉ cách sơ cứu đúng khi gặp trường hợp bị điện giật:
-Quan sát hiện trường, ngay lập tức ngắt nguồn điện, gỡ nạn nhân ra khỏi vị trí bị điện giật, đưa bệnh nhân đến vị trí an toàn. Sau đó đánh giá tình trạng, tuổi tác, chức năng sống của nạn nhân …
- Đánh giá ý thức của người bệnh, có thể lay gọi bệnh nhân. Nếu bệnh nhân tỉnh lại hoặc trả lời được các câu hỏi, tuần hoàn, hô hấp vẫn còn… có thể yên tâm.
-Trường hợp bệnh nhân ý thức kém, lơ mơ, trả lời không chính xác, chỉ đáp ứng với những tác động như cấu véo… có thể bệnh nhân bị mất ý thức tạm thời do điện giật.
-Đánh giá tuần hoàn: Xem nạn nhân tim còn đập hay không, có thể bắt mạch cảnh, mạch bẹn của bệnh nhân … Nếu bệnh nhân ngừng tuần hoàn cần ép tim và lồng ngực cấp cứu.
-Đánh giá về hô hấp: Xem nạn nhân còn thở hay không, nhịp thở của bệnh nhân. Nếu còn thở hoặc thở chậm cần hô hấp nhân tạo cho nạn nhân.
- Sau đó người hỗ trợ có thể đánh giá các tổn thương toàn trạng của nạn nhân và nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.
Ngoài ra, hiện nay nhiều người có thói quen không tắt bình nóng lạnh khi tắm, dò rỉ dòng điện của bình nóng lạnh gây ra tai nạn điện giật rất thương tâm. BS Nguyễn Ngọc Tuyền cho biết, trong trường hợp tai nạn do sử dụng bình nóng lạnh, cần ngắt ngay nguồn điện. Sau đó cần sơ cấp cứu nạn nhân tại chỗ. "Người dân cần nhớ rằng, biến chứng nguy hiểm nhất trong tai nạn điện giật là ngừng tim, ngừng thở. Nạn nhân cần được cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu", BS Tuyền khuyên.