Bác sĩ chỉ cách thoát khỏi cơn đau do ung thư
Đau là triệu chứng phổ biến và là nỗi ám ảnh của bệnh nhân ung thư. Nhiều người bệnh bị đau vì kích thước của khối u ngày càng lớn.
Đau ở bệnh nhân ung thư do đâu?
Theo TS.BS. Nguyễn Minh Đức - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đa số người bệnh ung thư không hề sợ chết nhưng sợ đau. Đau là một cảm giác rất khó chịu do hệ thần kinh nhận thức.
Đau trong ung thư có thể do khối u tại chỗ hoặc di căn xâm lấn mô xung quanh, chèn ép tủy, phá hủy xương. Đau có thể xuất hiện trong quá trình điều trị phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc đau khi thấy mất đi một cơ quan hoặc hình dạng quen thuộc (ví dụ: vú hoặc chân, tay).
Cũng theo các chuyên gia, đặc điểm đau do ung thư rất khác nhau tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh cũng như thể trạng của bệnh nhân. Một số khối u gây đau nhức rất sớm như u thần kinh, ung thư xương, u não. Có những bệnh nhân xuất hiện đau ở giai đoạn muộn như ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày.
Đa số bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bị đau đớn, 60 - 80% bị đau nặng. Đau do ung thư là đau mạn tính, dai dẳng, có khi kéo dài vài tháng đến vài năm nếu như không có biện pháp kiềm chế. Nhiều bệnh nhân ung thư bày tỏ cảm giác không sợ chết bằng sự dằn vặt của đau đớn.
Cách giảm đau do ung thư
Làm thế nào giảm đau khi mắc ung thư? Câu hỏi này thường gặp của hầu hết người thân và cả người bệnh ung thư. Theo TS. Minh Đức, các thuốc giảm đau chủ lực cho người bệnh gồm: nhóm thuốc nsaid và nhóm thuốc opioid. Đôi khi người bệnh quá trầm mặc và buồn bã cũng như mất ngủ lo lắng thì việc cần thêm các thuốc chống trầm cảm và an thần là cần thiết.
Tuy nhiên, càng về sau, đau càng ngày càng phức tạp, đa điểm và nặng hơn do sức khỏe, sức đề kháng, miễn dịch, tinh thần của bệnh nhân ung thư ngày càng hao mòn và suy kiệt.
Vì thế, khi cơn đau không thể kiểm soát bằng thuốc uống các liệu pháp can thiệp giảm đau, phong bế thần kinh dưới hướng dẫn của siêu âm, CT, Dsa, Hifu… là những biện pháp mới giúp bệnh nhân bớt đau.
Phân tích vấn đề này, TS. Minh Đức cho rằng, trong chính con người chúng ta có chất Endorphin là một loại Morphine nội sinh và chúng mạnh hơn rất nhiều lần so với Morphine. Chất Endorphin này được não bộ chế tiết ra giúp làm dịu các cơn đau tạo ra cảm giác an lạc dễ chịu.
Tuy nhiên, làm sao để não bộ chế tiết ra chất này? Theo TS. Minh Đức, người bệnh cần có một lối sống lành mạnh, không tiếc nuối, không rượu bia, thuốc lá. Và quan trọng nên tập thể dục vừa sức, ngồi thiền, sống nhẹ nhàng thanh thản, buông xả, ít stress, ít áp lực...
Trên thực tế, một số bệnh nhân ung thư vẫn không hẳn đã bỏ được thói quen xấu như thuốc lá hoặc rượu bia. Cũng có một số khác thì vẫn chịu rất nhiều áp lực từ cuộc sống, công việc, gia đình nên cơn đau ngày càng trầm kha.
Theo TS. Minh Đức, đối với bệnh nhân ung thư trẻ em thì các bệnh nhân sống rất hồn nhiên và vui vẻ, bình yên thanh thản, không hề sợ đau cũng không hề sợ chết. Các bệnh nhi này gần như ít phải sử dụng các chất giảm đau cực mạnh hoặc can thiệp giảm đau như người lớn. Thành ra, những người bệnh họ có những sự cảm nhận hoặc chịu đựng cơn đau rất khác nhau ngay cả họ có cùng trải nghiệm trên một loại bệnh ung thư.
Điều trị đau do ung thư có kết quả nhất khi phối hợp tất cả các phương pháp: tâm lý liệu pháp, vật lý trị liệu, dùng thuốc giảm đau, kháng sinh chống viêm, hóa chất, xạ trị, phẫu thuật để giảm kích thước u giúp giảm đau… Sự đau đớn quá mức có thể là lý do đầu tiên để người bệnh và gia đình quyết định ngừng mọi điều trị tích cực.
Mọi nỗ lực to lớn nhằm đánh giá, theo dõi và điều trị đau đều có lợi cho bệnh nhân. Vì vậy, để chăm sóc giảm đau hiệu quả cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế, giúp bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn được chăm sóc tốt nhất về mọi mặt, đặc biệt là giảm đau hiệu quả giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.