Bác sĩ chườm nước đá lấy sạch sỏi san hô trong thận nam bệnh nhân
Một nam bệnh nhân bị sỏi san hô ở thận, dù trước đây đã phẫu thuật để lấy ra nhưng không hết. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã áp dụng kĩ thuật chườm nước đá để lấy sạch sỏi cho bệnh nhân này mà không làm ảnh hưởng đến phục hồi nhu mô thận.
Ngày 12/11 thông tin từ Bác sĩ CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Khoa Ngoại thận - Tiết niệu vừa phẫu thuật thành công lấy sỏi san hô mở rộng thận cho ông Lê Tấn Tiên (60 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) bằng kĩ thuật hạ thân nhiệt thận bằng nước đá. Đây là kĩ thuật lần đầu tiên thực hiện tại bệnh viện.
Theo ông Tiên cách đây 6 năm, ông có đi phẫu thuật lấy sỏi san hô ở thận phải nhưng không hết. Gần đây, ông thấy đau nhiều ở hông trái, kèm tiểu gắt nên gia đình đã đưa ông đến bệnh viện cấp cứu.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành siêu âm ổ bụng, chụp XQ hệ niệu không chuẩn bị và CT scan 2 thận. Kết quả cho thấy, ông Tiên có sỏi thận trái dạng san hô kéo dài tới 1/3 trên niệu quản trái.
Bác sĩ nhận định, trường hợp này không thể lấy sỏi qua đường bể thận nên đã chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân bằng phương pháp hạ nhiệt thận để có thể lấy sạch sỏi, nhằm hạn chế chảy máu và bảo tồn được chủ mô thận.
Ekip phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật xẻ đôi mở rộng thận trái lấy ra sỏi san hô và nhiều viên sỏi nhỏ bằng cách cho đá lạnh Ringer lactat vào phủ quanh bề mặt nhu mô thận để hạ nhiệt độ bề mặt thận xuống 4 độ C. Sau khi kiểm tra thấy hết sạn, phẫu thuật viên đã khâu phục hồi thận cho bệnh nhân.
Hiện tại, ông Tiên đang phục hồi rất tốt, sinh tồn ổn, không sốt, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Theo BSCK2 Nguyễn Phước Lộc – Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu, sỏi san hô là sỏi phân nhánh lớn lấp đầy một phần bể thận và đài thận có hình trông giống san hô, còn gọi là sỏi struvite hoặc sỏi nhiễm trùng.
Đặc điểm của dạng sỏi này là có nhiều nhánh, gai nhỏ thường có màu vàng trắng và nằm trong các đài thận, lấp đầy đài thận, rất cứng và khó bị bào mòn.
Để giúp bảo tồn tế bào thận tốt nhất, hạn chế mất máu và tổn thương tế bào thận do thiếu oxy trong khi thắt động tĩnh mạch thận, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã thực hiện hạ thân nhiệt thận bằng cách chườm nước đá.
Đây là kĩ thuật làm lạnh thận bằng cách cho đá lạnh từ dung dịch Ringer lactate hay Natriclorid 0,9% vào phủ quanh bề mặt nhu mô thận để hạ nhiệt độ bề mặt thận xuống 4 độ C.
Chườm đá làm nhiệt độ nhu mô thận giảm còn 15-20 độ C, dù không có máu nuôi thận do cuống thận đã kẹp mạch máu nuôi nhưng vẫn có thể kéo dài tới 60 - 75 phút. Điều này giúp phẫu thuật viên lấy sạch sỏi mà không làm ảnh hưởng đến phục hồi nhu mô thận.