Bác sĩ cưa máy xay thịt giải cứu bàn tay cho bệnh nhân

Các y bác sĩ phải mất 45 phút mới tháo được máy xay thịt khỏi tay bệnh nhân, cố gắng bảo tồn tối đa phần còn lại của bàn tay.

Chiều 28-5, TS-BS Võ Thành Toàn, Trưởng Khoa Ngoại Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP.HCM) cho biết sáng cùng ngày, BV tiếp nhận bệnh nhân NTH (38 tuổi, quận Tân Bình) bị cuốn bàn tay vào máy xay thịt.

Sáng sớm cùng ngày, trong lúc chị H. xay thịt để bán thì máy tắt giữa chừng nên chị đã dùng tay đẩy thịt xuống. Bất ngờ máy hoạt động trở lại, cuốn bàn tay chị vào. Chị H. được người nhà đưa đến BV trong tình trạng đau đớn, vật vã với bàn tay bị dập nát đang nằm trong máy xay.

Các bác sĩ phải cưa máy xay thịt để giải cứu bàn tay bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ phải cưa máy xay thịt để giải cứu bàn tay bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Ngay lập tức, BV kích hoạt báo động đỏ toàn viện, chuẩn bị dụng cụ chuyên dùng để giải cứu bàn tay cho bệnh nhân. BS Toàn cho biết ngoài hội chẩn để giải phẫu, hồi sức cho bệnh nhân, êkip tham gia phẫu thuật còn phải xem xét phối hợp với nhau để tháo vỏ máy xay một cách an toàn nhất, làm sao bảo tồn tối đa các phần chi còn lại.

“Mỗi mô còn lại của bàn tay rất quan trọng. Do đó BV đã lên nhiều phương án tháo máy ra. Sau 45 phút máy mới được tháo rời khỏi tay bệnh nhân. Lúc này bệnh nhân bị dập nát toàn bộ các ngón và bàn tay, chúng tôi đã cố gắng giữ lại khớp cổ tay và một phần bàn tay để sau này bệnh nhân có thể lắp được tay giả. Ca phẫu thuật mất 90 phút” - BS Toàn kể lại.

BS Toàn đánh giá gia đình đã sáng suốt khi giữ nguyên hiện trạng bàn tay bệnh nhân trong máy xay vì ban đầu có dự tính sẽ quay ngược máy lại để kéo bàn tay ra. Điều này có thể vô tình sẽ làm cho vết thương càng nặng hơn.

Chị H. với bàn tay bị thương hiện đã ổn định. Ảnh: HL

Chị H. với bàn tay bị thương hiện đã ổn định. Ảnh: HL

Theo BS Toàn, sắp tới khi tình trạng ổn định, bệnh nhân cần tập luyện sử dụng tối đa phần còn lại của bàn tay phải để phục vụ cho cuộc sống.

BS Toàn cho biết BV thường xuyên tiếp nhận các trường hợp gặp tai nạn lao động bị dập nát tay do sử dụng máy ép nhựa, máy dập nút hoặc có những trường hợp cây kim khâu còn nằm ở trong bàn tay. Các vết thương gây nhiều khó khăn trong quá trình xử lý, phục hồi.

Qua trường hợp này, các BS khuyến cáo các hộ sản xuất kinh doanh, may mặc nhỏ lẻ nên trang bị các phương tiện bảo hộ lao động, cẩn thận trong thao tác làm việc để phòng tránh rủi ro.

HOÀNG LAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/bac-si-cua-may-xay-thit-giai-cuu-ban-tay-cho-benh-nhan-915339.html