Bác sĩ của những người chạy thận
PTĐT - Năm 2006, Khoa thận nhân tạo - Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập, trên cương vị là Trưởng khoa, chị Thiều Thị Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm thận, lọc máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cùng với 5 cán bộ (trong đó, có 1 bác sĩ và 4 điều dưỡng) đặt nền móng đầu tiên của Bệnh viện về chạy thận nhân tạo. Năm 2007, số lượng máy chạy thận nhân tạo từ 8 máy tăng lên 20 máy với 18 cán bộ (trong đó có 3 bác sĩ), khoảng 120 người bệnh suy thận phải chạy thận 3 lần/tuần.
Dưới sự ủng hộ, chỉ đạo sát sao của Ban Giám đốc Bệnh viện, chị và các đồng nghiệp luôn tìm tòi, học hỏi để hoàn thiện quy trình chuyên môn, kỹ năng xử trí tai biến (tăng huyết áp, tụt huyết áp, tuột vòng tuần hoàn ngoài cơ thể, sự cố mất điện…) để đảm bảo an toàn cho người bệnh và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Quy trình chạy thận luôn được khoa thực hiện đảm bảo an toàn, sau khi kiểm tra huyết áp và các chỉ số theo quy định, người bệnh sẽ được lấy máu để lọc qua hệ thống máy móc hiện đại đã được khử trùng đạt quy chuẩn trước đó. Sau khi lọc sạch, máu được đưa trở lại cơ sở người bệnh. Trong suốt quá trình gần 4 tiếng cho 1 ca lọc máu, người bệnh luôn được theo dõi sát sao, phát hiện các biến chứng để can thiệp và xử trí kịp thời, nhờ đó cứu sống được nhiều bệnh nhân. Cùng với đội ngũ nhân viên lành nghề, chị và cán bộ khoa luôn thực hiện nghiêm ngặt, đầy đủ, chặt chẽ các quy định từ kiểm soát chống nhiễm khuẩn đến quy trình vận hành trang thiết bị.Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y tế và sự ủng hộ của lãnh đạo Sở Y tế và lãnh đạo Bệnh viện, Khoa thận nhân tạo - Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đạt được những thành tựu đáng kể về chuyên môn. Trong lĩnh vực ghép tạng, tháng 6/2015 đến nay, khoa đã phối hợp cùng với các khoa có liên quan thực hiện thành công 9 ca ghép thận từ người cho sống, trong đó có 4 ca không cùng huyết thống, 1 ca không cùng huyết thống và không cùng nhóm máu. Để có được thành công đó, chị cùng tập thể khoa đã hết sức nỗ lực trong công tác sàng lọc, chuẩn bị đầy đủ chu đáo các điều kiện cần thiết, đặc biệt là theo dõi và chăm sóc sau ghép. Qua theo dõi thường xuyên, tất cả người bệnh được ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều có sức khỏe ổn định, tâm lý tốt. Với sự cố gắng không ngừng, tháng 1/2017, ca mổ nối thông động tĩnh mạch FAV đầu tiên được triển khai; đến nay đã phẫu thuật được hàng trăm ca FAV. Kỹ thuật đặt catheter đường hầm có Cuff trong lĩnh vực lọc máu thành công đã đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh.Để đáp ứng nhu cầu người bệnh, tháng 11/2018, Trung tâm thận - lọc máu được thành lập với tổng số 33 cán bộ (trong đó có 1 BSCK II, BSCK I, 4 bác sĩ đa khoa). Được sự tín nhiệm của Ban Giám đốc Bệnh viện, chị được bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc trung tâm. Trong cương vị mới, chị luôn nỗ lực cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Người bệnh chạy thận thường là những ca suy thận giai đoạn cuối, bi quan, chán nản, kiệt quệ về vật chất và tinh thần, đó là tình cảnh chung của những người bệnh chạy thận nhân tạo. Lúc đầu mới đến điều trị, đa phần người bệnh suy thận đều mặc cảm, tự ti, phó mặc cho số phận. Những lúc như vậy, chị và đồng nghiệp không chỉ đơn thuần khám và điều trị bệnh cho họ mà là một người thân để động viên, chia sẻ kịp thời để họ yên tâm phối hợp điều trị. Nơi đây, không có khoảng cách giữa bác sĩ và người bệnh. Họ dường như hiểu nhau rất rõ. Chị cùng cán bộ trung tâm có thể nhớ rành rọt từng con người, từng hoàn cảnh, thậm chí từng cuộc đời; những người bệnh luôn nghĩ về những bác sĩ, điều dưỡng với tấm lòng tri ân sâu sắc nhất.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/net-dep-doi-thuong/202003/bac-si-cua-nhung-nguoi-chay-than-169564