Bác sĩ cứu sống bệnh nhân trong gang tấc dù không chạm mặt
Đo điện tim ở trạm y tế xã, bệnh nhân được các chuyên gia tim mạch ở bệnh viện trung ương đọc và trả kết quả chỉ trong vòng 6 phút.
Bệnh viện Đa khoa Mường Khương (Lào Cai) - bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - vừa triển khai ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán và tiên lượng bệnh lý tim mạch nhờ giải pháp điện tâm đồ từ xa Tele-ECG.
Với công nghệ này, người bệnh dù đến đo điện tim ở Bệnh viện Đa khoa Mường Khương, vẫn có thể được các chuyên gia tim mạch của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đọc, trả kết quả, hội chẩn. Qua đó, phát hiện ngay các trường hợp có nguy cơ nhồi máu cơ tim sớm.
Hệ thống này gồm máy điện tim, bộ kết nối và gửi dữ liệu của người bệnh qua mạng 3G/4G và hệ thống phần mềm.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong các bệnh lý về tim mạch thì nhồi máu cơ tim là nguy hiểm nhất, nguyên nhân tử vong hàng đầu. Bệnh có tỷ lệ mắc cao và ngày càng tăng. Với bệnh nhồi máu cơ tim cấp, thời gian chính là sự sống. Do đó, việc phát hiện sớm, can thiệp sớm có ý nghĩa sống còn với người bệnh.
Thống kê tại Viện Tim mạch quốc gia (Hà Nội) cho thấy chỉ có gần 2% bệnh nhân nhồi máu cơ tim đến sớm trong khoảng “thời gian vàng” là 2 tiếng đầu. Số người đến viện trước 12 giờ là khoảng 40%. Bệnh nhân đến quá muộn thường không thể bảo toàn tính mạng hoặc để lại di chứng nặng nề.
Vì thế, PGS Hiếu cho rằng công nghệ chẩn đoán bệnh từ xa này sẽ giúp phát hiện sớm các trường hợp có bệnh lý tim mạch nguy hiểm, cần can thiệp sớm như nhồi máu cơ tim. Trong những trường hợp ở vùng sâu, vùng xa không có chuyên gia, bác sĩ, chỉ cần kỹ thuật viên với sự giúp đỡ của các chuyên gia tuyến trên cũng có thể phát hiện ra các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nguy hiểm.
“Điện tim từ xa cũng có thể giúp loại trừ những trường hợp không cần thiết lên tuyến trên đi xa, vất vả, tốn tiền. Đồng thời cũng giúp thống nhất phương pháp điều trị giữa các tuyến, giảm thiểu các trường hợp chẩn đoán không đúng, nâng cao trình độ của cán bộ y tế”, PGS Hiếu chia sẻ.
Trước đó, hệ thống này đã được thí điểm tại 6 xã của huyện Nam Đàn, Nghệ An, giúp phát hiện một số trường hợp bất thường, thiếu máu cục bộ, rung nhĩ cần can thiệp ngay.