Bác sĩ được đào tạo kiểu '1 kèm 1' phải cam kết làm 5 năm ở bệnh viện vùng xa
Bác sĩ trẻ tham gia chương trình đặc biệt của Bộ Y tế trải qua 24 tháng được đào tạo theo hình thức 'một thầy một trò' và phải cam kết làm việc tối thiểu 5 năm tại một bệnh viện thuộc huyện khó khăn, vùng biên giới.
Thông tin được Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, chia sẻ tại Lễ trao bằng và bàn giao 48 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I.
Đây là những bác sĩ đầu tiên thuộc khóa 1 giai đoạn 2 của Dự án Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, còn gọi là Dự án 585 của Bộ Y tế.
Trong khóa I giai đoạn 2, các bác sĩ được đào tạo theo 10 chuyên ngành bằng hình thức "cầm tay chỉ việc" một thầy - một trò trong 24 tháng. Tiến sĩ Tác cho biết họ là những bác sĩ trẻ, tình nguyện về công tác tại 32 huyện nghèo thuộc 8 tỉnh Nghệ An, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu và Thanh Hóa. Họ cũng cam kết thời gian làm việc tại các bệnh viện này sau tốt nghiệp khóa đào tạo tối thiểu là 5 năm.
Theo ông Tác, Dự án 585 được Bộ Y tế triển khai từ đầu năm 2013 với mục tiêu đảm bảo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Đến nay, đã có 16 khóa bác sĩ trẻ tốt nghiệp, trong đó 15 khóa đã bàn giao ở giai đoạn 1. Tổng cộng đã có 402 bác sĩ trẻ về 94 huyện khó khăn, biên giới thuộc 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Rất nhiều người trong số hơn 400 bác sĩ này đã góp phần làm thay đổi diện mạo y tế cơ sở vùng khó khăn. Đơn cử như bác sĩ Sùng Seo Tỏa ở Bệnh viện Đa khoa Mường Khương (Lào Cai), một trong 62 huyện nghèo của cả nước.
Sau 2 năm học chuyên khoa I chuyên ngành Phụ sản tại Hà Nội, năm 2018, ở tuổi 30, vị bác sĩ người dân tộc H'Mông tốt nghiệp, trở về huyện miền núi Mường Khương. 5 năm qua, anh phẫu thuật hơn 2.700 ca, nghĩa là trung bình cứ 2 ngày bác sĩ Tỏa lại mổ 3 ca. Anh còn đào tạo, hướng dẫn các bác sĩ trẻ thực hiện nhiều kỹ thuật hiện đại, giúp nhiều người dân đã được cứu chữa kịp thời ngay tại huyện nhà mà không phải chuyển tuyến như trước.
GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội, đánh giá cao điểm nổi bật của dự án là xác định chính xác nhu cầu bác sĩ ở chuyên khoa cần thiết và phù hợp với từng khu vực, vùng miền, và định hướng chiến lược tạo công bằng trong chăm sóc y tế đối với người dân vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó người học cũng có động cơ học rất rõ ràng.
Hiện dự án này đang đào tạo gần 300 bác sĩ chuyên khoa I tại 5 trường Đại học Y Dược. Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ có thêm hơn 1.000 bác sĩ khá, giỏi về các vùng khó khăn.