Bác sĩ giải thích cách chữa bệnh 'màu xanh không đường, màu đen nửa đường'
TRUNG QUỐC - Bác sĩ Lý Thụy Văn cho biết, uống 'trà xanh không đường, trà đen nửa đường' có thể giảm ho nhưng dùng quá nhiều sẽ gây mất ngủ.
Vào những ngày cuối đông, đầu xuân, thời tiết thay đổi thất thường dễ khiến chúng ta nhiễm lạnh, cảm cúm. Theo China Times, ở Trung Quốc đang lưu truyền hướng dẫn uống “trà xanh không đường, trà đen nửa đường” giúp trị ho thu hút cuộc thảo luận của hàng chục nghìn người. Một cư dân mạng chia sẻ, anh ho dữ dội nhưng sau khi áp dụng công thức trên, tình trạng sức khỏe đã cải thiện.
Bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng Lý Thụy Văn (Trung Quốc) cho biết, tác dụng giảm ho của trà liên quan đến theophylline, caffeine và một lượng nhỏ đường. Bác sĩ Lý giải thích, về mặt y học, caffeine có tác dụng giảm ho, theophylline chứa thành phần giống ephedrine làm giãn cơ trơn phế quản, có hiệu quả đối với bệnh viêm phế quản.

Trà là thức uống phổ biến nhiều công dụng. Ảnh minh họa: Ban Mai
Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng, vị ngọt nhẹ của đường có tác dụng giảm ho. Tuy nhiên, mật ong tương đối lành mạnh hơn đường fructose. Các phân tích đã phát hiện ra rằng tiêu thụ mật ong ở mức độ vừa phải có thể giảm ho.
Bên cạnh đó, bác sĩ Lý cảnh báo, nếu dùng quá nhiều caffeine và theophylline dễ gây ra tác dụng phụ như hồi hộp, mất ngủ. Bởi vậy, bạn nên uống trà ấm và thay một nửa lượng đường bằng mật ong.
Ngoài việc uống thuốc, bác sĩ Lý khuyên bạn nên thực hiện 5 điều sau:
1. Uống nhiều nước đun sôi còn ấm và tránh đồ uống có đá để giảm khô, ngứa họng, làm loãng đờm và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
2. Dùng viên ngậm trị đau họng theo hướng dẫn có thể làm giảm cảm giác khó chịu do khô họng.
3. Ăn nhiều rau xanh và trái cây giàu vitamin C để tăng cường khả năng miễn dịch và thúc đẩy quá trình trao đổi chất.
4. Tránh hút thuốc, uống rượu, ăn đồ cay và thức khuya.
5. Thường xuyên đeo khẩu trang để tránh tái nhiễm các chất gây dị ứng và virus.
Tác dụng của trà xanh và trà đen
Cả trà xanh và trà đen đều được làm từ lá cây chè. Theo Healthline, sự khác biệt chính giữa hai loại này là trong quá trình chế biến, trà đen được oxy hóa làm lá chuyển sang màu nâu sẫm còn trà xanh thì không.
Hai cách chế biến khác nhau dẫn tới tỷ lệ các chất trong 2 loại trà khác nhau, chẳng hạn như hàm lượng caffeine trong trà xanh thường thấp hơn.
Trà xanh chứa nhiều catechin, có tác dụng chống oxy hóa mạnh, giảm căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm. Sự kết hợp giữa caffeine và L-theanine trong trà xanh tăng cường khả năng tập trung, cải thiện tâm trạng và giảm nguy cơ suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi. Trà xanh có thể giảm cholesterol và cải thiện chức năng động mạch, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Một số nghiên cứu cho thấy trà xanh có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tăng cường đốt cháy chất béo, hỗ trợ kiểm soát cân nặng.
Trà đen có thể góp phần giảm huyết áp, cải thiện mức cholesterol, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Hàm lượng caffeine trong trà đen cải thiện sự tập trung và tỉnh táo, là lựa chọn thay thế tốt cho cà phê với lượng caffeine vừa phải. Trà đen chứa tannin có tác dụng làm se niêm mạc ruột, làm dịu các vấn đề tiêu hóa. Một số nghiên cứu cho thấy trà đen có thể hỗ trợ cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn, từ đó giảm nguy cơ mắc tiểu đường.