Bác sĩ Huynh trưởng nói chuyện về nCoV với oanh vũ
Trên mục 'Mỗi ngày một nhân vật & mỗi ngày một câu chuyện' của Fb Ban Thông tin - Truyền thông Gia đình Phật tử TP.HCM (TTTT) có câu chuyện liên quan tới việc hướng dẫn cách phòng, tránh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, đang là nỗi ám ảnh hiện nay.
Theo Bụt giữ gìn vệ sinh sạch sẽ - Tranh minh họa
Giác Ngộ online giới thiệu cùng bạn đọc cách truyền thông dễ thương này, với Bác sĩ, Huynh trưởng cấp Tín Thiện Phước Lư Trường Thành, phụ tá UV Oanh vũ Nam Thành phố.
Chào anh! Nhân dịp năm mới chúc anh và gia đình thật nhiều sức khỏe, cũng gởi lời cảm ơn đến anh vì nhận lời trò chuyện cùng TTTT.
- Bác sĩ, Huynh trưởng Thiện Phước Lưu Trường Thành: Lời đầu tiên xin cho Thiện Phước gởi lời chào Tinh Tấn đến toàn thể Lam viên, chúc cho toàn thể Lam viên một năm mới thật tinh tấn và tràn đầy "Dũng Hạnh" trong các công tác Phật sự sắp tới.
Theo TTTT được biết, hiện tại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona đang là vấn đề nóng trên toàn cầu hiện nay. Không biết anh có thể chia sẻ để Lam viên có thể hiểu rõ hơn về dịch bệnh này?
- Như chúng ta đều biết dịch bệnh đang diễn ra nguyên nhân là do chủng mới của virus corona (nCoV), dịch xảy ra tại Việt Nam từ ngày 23-1 (khi xác định người đầu tiên mắc bệnh), do chủng mới của virus corona gây ra. Đến nay (3-2-2020), cả nước có 8 người mắc bệnh, bốn địa phương có dịch là Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa và TP.HCM.
Chính phủ cũng đã đánh giá mức độ nguy hiểm của dịch là "BỆNH TRUYỀN NHIỄM NHÓM A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu", lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Nói nôm na là một vi sinh vật cực kỳ nhỏ có khả năng gây bệnh cho con người và khả năng phát tán rất cao.
Anh có chia sẻ cho Lam viên cách nhận ra người đang bị nhiễm bệnh không?
Theo báo cáo ở bệnh nhân mắc 2019-nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm các triệu: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển (khó thở nhiều hơn) và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Những ghi nhớ dễ làm để phòng, tránh bệnh
Theo anh, chúng ta cần có những biện pháp như thế nào để tự bảo vệ bản thân?
- Cần chủ động để bảo vệ sức khỏe bản thân:
1. Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
2. Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
4. Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ.
5. Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.
6. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
7. Tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.
8. Đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh. Khi đeo, hãy chắc chắn rằng khẩu trang che kín miệng và mũi và tránh chạm vào khẩu trang khi đang sử dụng. Nếu sử dụng các loại khẩu trang dùng một lần, sau khi sử dụng cần loại bỏ ngay lập tức vào thùng rác và rửa sạch tay sau khi bỏ khẩu trang.
9. Đối với những người từ Trung Quốc trở về cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Khi đến cần gọi điện trước để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này.
G.M thực hiện (Fb Ban TTTT GĐPT TP.HCM)
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//phatgiaotuoitre/2020/02/03/3740d0/