Bác sĩ kể hành trình mò kim trong ngực bé gái 3 tuổi
Chiếc kim nằm trong lồng ngực bé gái 3 tuổi. Bài toán đặt ra làm sao có thể lấy kim nhưng không cần mở ngực của bệnh nhi.
Chia sẻ với , TS Tô Mạnh Tuân, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV Nhi Trung ương cho biết, khoa vừa thực hiện thành công ga gắp kim trong thành ngực bé gái 3 tuổi.
Gia đình bé gái P.D.C, 3 tuổi ở Bình Giang, Hải Dương kể lại, buổi tối ngày 22/4, mẹ bé dùng kim khâu may vá trên giường, sau đó đánh rơi rất nhiều kim nhưng khi tìm lại không kiểm tra số lượng.
Sau đó bé C. ngủ trên chiếc giường này, đêm nằm cháu lăn lộn, đến khoảng 2h thì quấy khóc kêu đau vai nhưng gia đình không biết nguyên nhân, nghĩ do nằm "sái tay".
Sáng hôm sau, cháu vẫn kêu đau dù bên ngoài không thấy tổn thương. Bố mẹ đưa bé đến BV đa khoa huyện thăm khám, bác sĩ chụp X-quang phát hiện có dị vật ở vùng vai phải nghi là kim khâu.
Hình ảnh chụp X-quang (trái) và hình ảnh chiếc kim nằm sâu trong các sợi cơ khi nội soi
Ngày 23/4, cháu được chuyển tới BV Nhi Trung ương trong tình trạng đau tay, hạn chế vận động khớp vai.
Sau khi chụp CT dựng hình, bác sĩ phát hiện dị vật dạng kim khâu nằm ở thành ngực bên phải, phía sau xương bả vai, kèm theo có ổ dịch khí viêm nhiễm xung quanh.
“Vấn đề khó khăn ở đây là không thể xác định chính xác vị trí của kim do kích thước nhỏ, thanh mảnh, dễ di chuyển đi lung tung khi bác sĩ co kéo tìm kiếm. Nếu phải mổ mở tìm kim, đường mổ sẽ rất rộng và bác sĩ phải tìm kiếm tỉ mỉ mới có thể lấy được dị vật”, TS Tuân chia sẻ.
Sau khi cân nhắc, TS Tuân cùng ekip quyết định mổ nội soi cho bé, kết hợp siêu âm, X-quang trong mổ.
Theo tính toán ban đầu, kim nằm trong thành ngực phải, chưa di chuyển hẳn vào trong khoang màng phổi nên bác sĩ dùng ống nội soi, lách giữa các lớp cơ thành ngực để tìm kim, vừa đảm bảo hạn chế co kéo làm kim di chuyển, vừa là phẫu thuật ít xâm lấn, đường mổ nhỏ cho tầm quan sát lớn. Nếu cần có thể nội soi luôn vào trong khoang ngực để quan sát.
TS Tuân cùng ekip nội soi mò gắp chiếc kim cho bệnh nhi
Trong quá trình phẫu thuật nội soi, bác sĩ dùng 3 trocar đi vào tổ chức giữa cơ dưới vai và cơ thang, quan sát thấy chiếc kim nằm lẫn trong các sợi cơ. Sau 1 giờ, chiếc kim được lấy ra nguyên vẹn, không đứt gãy.
TS Tuân cho biết, trường hợp của bé C. khá nguy hiểm do kim nằm ở khớp vận động của cơ thể, đầu sắc nhọn nên có thể di chuyển chọc qua thành ngực vào phổi, gây tràn máu, tràn khí màng phổi hoặc tổn thương các động mạch lớn như động mạch chủ ngực, động mạch, tĩnh mạch phổi, thậm chí vào tim.
Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã ổ định, không bị tổn thương mạch máu, thần kinh, tay đã vận động bình thường.
Bác sĩ cho biết thêm, các vật sắc nhọn chui vào cơ thể là một tai nạn nguy hiểm, hay gặp ở trẻ em. Việc phẫu thuật lấy dị vật vẫn là thử thách trong các trường hợp dị vật nhỏ, di chuyển và nằm lẫn trong các khối cơ sâu.
Trước đây, các bác sĩ ở khoa cũng từng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 2-3 tháng tuổi bị kim đâm xuyên qua thành bụng rồi xuyên vào trong gan rất phức tạp.
Do đó, người lớn sau khi sử dụng các vật sắc nhọn như kim khâu cần cất vào nơi an toàn, ngoài tầm với của trẻ, nếu không may đánh rơi kim, cần tìm đủ số lượng, tránh vương vãi.