Bác sĩ làm dân vận khéo

Nhắc đến TSBS Trần Văn Cương, Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Cấp cứu BV Sản Nhi Nghệ An, là nhắc đến một bác sĩ tận tụy với hơn 20 năm kinh nghiệm, nổi bật với tinh thần hăng hái, năng nổ, phương pháp làm việc linh hoạt, sáng tạo. Đặc biệt, ông khéo léo trong công tác dân vận và xây dựng mối đoàn kết tập thể.

"Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công" - đó là câu kết của bài báo "Dân vận" do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 15/10/1949 trên báo Sự Thật, số 120. Có lẽ vì thấm nhuần lời dạy đó của Bác mà Tiến sĩ Trần Văn Cương đã dìu dắt, phát triển khoa Cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An ngày càng lớn mạnh, đạt nhiều thành công trong cấp cứu nhiều ca bệnh nặng và khó, bằng việc huy động trí tuệ và sức mạnh tập thể.

Tiến sĩ Trần Văn Cương hướng dẫn bác sĩ trẻ thao tác trên máy sốc điện

Tiến sĩ Trần Văn Cương hướng dẫn bác sĩ trẻ thao tác trên máy sốc điện

Từng trải qua nhiều cương vị, phụ trách nhiều khoa phòng tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, ở đâu Tiến sĩ Trần Văn Cương cũng để lại nhiều dấu ấn trong sự phát triển các khoa phòng. Năm 2020, lúc đó là Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Tiến sĩ Cương được giao phụ trách khoa Cấp cứu. Thời điểm đó, khoa Cấp cứu có rất nhiều khó khăn: bác sĩ, điều dưỡng hầu hết là những người rất trẻ, mặc dù đa số được đào tạo khá bài bản nhưng trong thực hành còn nhiều hạn chế; trang thiết bị cấp cứu thiếu thốn…

Với sự chèo lái của "vị thuyền trưởng" Trần Văn Cương, đến nay, khoa Cấp cứu đã từng bước phát triển vững chắc, trở thành một trong những khoa phòng có môi trường tốt nhất để các bác sĩ, điều dưỡng trẻ được đào tạo, rèn luyện về mặt chuyên môn, cũng như hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, ứng xử đối với người bệnh, người nhà bệnh nhân. Với khoa Cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An - nơi tiếp đón, cấp cứu ban đầu cho nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch, vì vậy những kỹ năng đó càng phát huy giá trị, góp phần tạo nên thương hiệu của một bệnh viện tuyến cuối.

Tại khoa Cấp cứu, nhân viên của khoa luôn được Tiến sĩ Cương lắng nghe nguyện vọng, tạo điều kiện để phát triển sở trường của bản thân. Nhờ vậy, luôn đặt " đúng người đúng chỗ", phát huy khả năng của bác sĩ, điều dưỡng trẻ trong khoa.

Với vai trò của người đứng đầu, tiến sỹ Cương luôn căn dặn các y bác sỹ về sự tận tâm trong nghề cùng với việc nâng cao y đức theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập thể khoa Cấp cứu luôn phấn đấu, sáng tạo, chủ động trong việc triển khai các phương pháp mới trong điều trị chuyên môn nhằm đem lại hiệu quả cao trong công tác chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhi, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Đồng thời, phó giám đốc Bệnh viện luôn đề cao triển khai những giải phải thiết thực trong đề án văn hóa công sở, cải cách hành chính, công tác dân vận với bệnh nhân, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân đối với Bệnh viện.

Xuất phát từ thực tiễn tư duy ý thức sẽ quyết định ý chí và hành động cụ thể, TS Cương đã xác định công tác dân vận đóng vai trò hết sức quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của khoa. Từ đó công tác tuyên truyền vận động được bắt đầu từ các đảng viên trong chi bộ, sau đó đến các tổ chức đoàn thể (công đoàn; chi đoàn thanh niên) và toàn thể cán bộ, viên chức trong đơn vị.

Công tác vận động tập trung vào mục đích, ý nghĩa trọng tâm là để cải tiến cung cách phục vụ Nhân dân với mục đích cuối cùng là đem lại sự hài lòng của người bệnh, các vấn đề khác lãnh đạo bệnh viện sẽ giải quyết để đảm bảo các quy định của Nhà nước và quyền lợi chế độ cho cá nhân. Công tác tuyên truyền vận động đã đem lại kết quả hết sức tốt đẹp, toàn thể cán bộ viên chức trong đơn vị đã hiểu và đồng thuận cùng quyết tâm thực hiện phân công, bố trí bác sĩ điều trị, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.

Với việc dân vận khéo, công tác chuyên môn của khoa Cấp cứu luôn đảm bảo thông suốt, hiệu quả. Rất nhiều ca bệnh nặng, khó chẩn đoán được bác sĩ Cương chỉ đạo cấp cứu, chỉ đạo hội chẩn và điều trị thành công. Có thể kể đến trường hợp 3 chị em N.G.B (5 tuổi), N.H.A (8 tuổi) và N.T.H.P (13 tuổi) trú tại xã Hương Sơn, Hà Tĩnh, điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An từ ngày 08/01/2024 đến ngày 25/01/2024. Cả 3 chị em được phát hiện khi đã rơi vào tình trạng hôn mê, co giật nhiều lần sau khi uống nhầm thuốc điều trị trầm cảm của mẹ.

Đặc biệt nguy kịch là cháu N.G.B, khi vào viện tại khoa Cấp cứu trẻ đã ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn. Dưới sự chỉ đạo của tiến sĩ Cương, khoa Hồi sức tích cực – chống độc được huy động để phối hợp cấp cứu người bệnh; những hội chẩn với Bệnh viện Nhi Trung ương, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai được diễn ra khẩn trương ngay sau đó.

Nhớ lại, điều trị 3 cháu bé này thực sự là một cuộc chiến cam go. Cháu N.G.B trong quá trình điều trị phải sốc điện nhiều lần do ngừng tuần hoàn, rối loạn nhịp tim. Ngỡ rằng, với tình trạng rất nặng của 3 trẻ lúc nhập viện, cứu sống được cả 3 chị em đã là điều quá thành công. Ấy vậy mà, dưới sự chỉ đạo sát sao của tiến sĩ Cương trong quá trình điều trị, ngày 25/01/2024, cả 3 chị em được ra viện và kỳ tích là cả 3 cháu đều không để lại di chứng gì.

Tiến hành cấp cứu những trường hợp như trên đều đòi hỏi người bác sĩ phải rất nhạy bén, khẩn trương vì có thể chỉ trong giây lát bệnh nhi sẽ tử vong. Với cương vị là trưởng khoa Cấp cứu, đồng thời là phó giám đốc bệnh viện, Tiến sĩ Cương luôn sát sao trong việc chỉ đạo, đôn đốc để có những can thiệp, điều trị hiệu quả nhất mang đến cho người bệnh.

Tiến sĩ Cương giảng dạy chương trình cấp cứu cơ bản cho cán bộ nhân viên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

Tiến sĩ Cương giảng dạy chương trình cấp cứu cơ bản cho cán bộ nhân viên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An

Những buổi giao ban khoa, với sự chủ trì của Tiến sĩ Cương, những ca bệnh khó chẩn đoán đều được đưa ra bàn luận, phân tích kỹ nhằm đưa ra chẩn đoán phù hợp, giải pháp điều trị mang đến lợi ích tốt nhất cho người bệnh.

Ở cương vị lãnh đạo Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, kiêm phục trách khoa Cấp cứu, Tiến sĩ Cương luôn gương mẫu trong công việc, nhiệt huyết và trách nhiệm, từ đó trở thành một tấm gương sáng để nhiều thế hệ bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An học tập và noi theo; để từ đó các viên chức, cán bộ trẻ ngày càng hoàn thiện về chuyên môn và kỹ năng, góp phần làm tốt hơn công cuộc chăm sóc sức khỏe cho người dân ở Nghệ An.

Có thể thấy, với khả năng dân vận khéo léo, cùng với tinh thần làm việc nhiệt huyết, trách nhiệm, Tiến sĩ Cương đã có nhiều đóng góp trong công cuộc phát triển Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An nói chung và khoa Cấp cứu bệnh viện nói riêng, để bệnh viện vươn tầm xứng đáng là một trong những bệnh viện tuyến cuối tốt nhất của tỉnh Nghệ An và khu vực./.

BSCKI. Nguyễn Đức Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bac-si-lam-dan-van-kheo-16924083020195066.htm