Bác sĩ lép vế nhân viên bảo hiểm trong quyết định điều trị cho bệnh nhân?

Bác sĩ hiện nay không phải là người quyết định điều trị như thế nào, mà nhân viên ngành bảo hiểm - những người không có chuyên môn - lại có ý kiến rất nhiều về việc phải điều trị bệnh nhân.

Nhân viên bảo hiểm là người quyết định điều trị bệnh nhân

Tiếp tục thảo luận về Báo cáo giám sát phòng, chống dịch Covid-19 của Quốc hội chiều 29/5, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, đoàn TP.HCM cho biết, qua khảo sát và nắm bắt tình hình ở cơ sở, hiện nay có tình trạng bác sĩ không phải là người ra toa thuốc mà chính là các nhân viên nhân viên bảo hiểm y tế.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, đoàn TP.HCM

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, đoàn TP.HCM

Theo nữ đại biểu đoàn TP.HCM, một số quy định Luật Bảo hiểm y tế hiện nay không phù hợp trong thanh toán bảo hiểm y tế song chưa nhận được sự quan tâm đánh giá và xử lý thỏa đáng của các cơ quan chức năng.

“Theo phản ánh của cử tri ngành y tế, bác sĩ hiện nay không phải là người quyết định điều trị như thế nào, mà nhân viên ngành bảo hiểm - những người không có chuyên môn - lại có ý kiến rất nhiều về việc phải điều trị các bệnh nhân như thế nào. Khi giải trình với bảo hiểm, nhân viên bảo hiểm sẽ chất vấn các bác sĩ điều trị là tại sao lại cho thuốc này mà không phải là thuốc khác; Tại sao bệnh này thì phải chẩn đoán hình ảnh hay tại sao một bác sỹ lại khám nhiều bệnh nhân hơn số quy định? Tại sao máy móc phải hoạt động quá nhiều...”, đại biểu đoàn TP.HCM nêu ý kiến.

Trong khi đó, tình trạng quá tải các bệnh viện, các thành phố lớn vẫn diễn ra và bác sĩ không thể từ chối khám bệnh. Do đó, cần sự phối hợp giữa Bộ Y tế, cơ quan bảo hiểm cùng các bệnh viện để làm sao giải quyết các vấn đề này.

Trang bị máy siêu âm nhưng lại "đắp chiếu trùm mền"

Còn theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp, thời gian qua, y tế cơ sở giữ vai trò, vị trí là tuyến y tế gần dân nhất, chăm sóc sức khỏe cho mọi trường hợp, có thể có những chi phí hợp lý, nhất là khám BHYT, tạo niềm tin của người dân đối với các thầy thuốc. Vai trò y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được nâng lên với đội ngũ thầy thuốc có trách nhiệm. Vai trò đó được khẳng định trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19, nhất là việc thành lập trạm y tế lưu động, bệnh viện dã chiến, chăm sóc điều trị người dân, cách tiếp cận y tế nhanh, hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, mô hình quản lý cấp huyện, cấp xã chưa ổn định hoặc thống nhất giữa các địa phương với nhau.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp

Năng lực tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế do nhân lực thiếu và yếu về trình độ chuyên môn lẫn trang thiết bị y tế cũng như cơ sở vật chất. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì ổn định nguồn nhân lực tại chỗ, ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám và điều trị bệnh…

“Trạm y tế chỉ có mỗi một bác sĩ, có nơi chỉ có y sĩ, thậm chí nơi có bác sĩ lại là bác sĩ y học cổ truyền, được trang bị máy siêu âm nhưng lại đắp chiếu trùm mền do không có đội ngủ y tế có chuyên môn siêu âm... Điều đó dẫn đến nhiều người dân vượt tuyến khám bệnh chịu chi phí cao, bệnh cấp cứu cũng lên tuyến huyện hoặc tỉnh chứ không đến trạm y tế”, đại biểu đoàn Đồng Tháp cho hay.

Không có chính sách thì 10-15 năm nữa không còn bác sĩ làm ở trạm y tế

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre thì cho rằng, chính sách tinh giản biên chế khiến nhân lực cho y tế cơ sở không đảm bảo. Trong khi đó, sinh viên mới ra trường rất ít chịu về công tác tại y tế cơ sở, điều kiện để lực lượng tại chỗ đi học để nâng cao trình độ cũng rất khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre

“Với tình trạng trên, nếu không sớm có chính sách phù hợp thì 10 - 15 năm nữa, trạm y tế sẽ không có bác sĩ làm việc”, đại biểu tỉnh Bến Tre nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho hay, hiện nay, chính sách tiền lương, phụ cấp chế độ đãi ngộ, đối với cán bộ y tế nói chung chưa tương xứng với thời gian, công sức học tập, lao động cũng như điều kiện, môi trường làm việc. Ngoài ra, trang thiết bị, môi trường làm việc cũng chưa tốt, không thuận lợi để đội ngũ nâng cao được tay nghề cũng như phát triển nghề nghiệp. Tất cả những việc này khiến gia tăng tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc./.

Nhóm PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bac-si-lep-ve-nhan-vien-bao-hiem-trong-quyet-dinh-dieu-tri-cho-benh-nhan-post1023175.vov