Bác sĩ mách cha mẹ cách phòng tránh thương tích cho trẻ nhỏ trong sinh hoạt
Để phòng tránh thương tích cho trẻ nhỏ trong sinh hoạt, vui chơi, cha mẹ nên trông chừng trẻ cẩn thận, đặc biệt là trẻ trong giai đoạn tập đứng và tập đi.
Đầu tháng 12 vừa qua, bé T.P.C (13 tháng tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng chảy nhiều máu vùng miệng do ngã từ xe đẩy xuống đất.
Khi bé C. được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ xác định bé bị gãy rời di lệch thân xương hàm dưới kèm sưng nề - tụ khí phần mềm xung quanh và một số tổn thương khác.
Rất may, nhờ cấp cứu kịp thời, sau khi phẫu thuật, bé C. không còn quấy khóc và nhanh chóng hồi phục, trở lại trạng thái vui chơi bình thường.
Theo TS.BS. Đặng Triệu Hùng – Phó Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đơn vị đã điều trị cho bé C., gãy xương hàm dưới là một trong những tổn thương thường gặp nhất trong các chấn thương xương hàm mặt ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ trong độ tuổi tập đi.
Chấn thương này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương hàm, mà còn có thể tác động đến quá trình mọc răng sau này.
Ông khuyến cáo rằng, trong giai đoạn trẻ tập đứng và tập đi, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý và theo sát trẻ, vì chỉ trong một giây phút lơ đễnh, tai nạn có thể xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng và khó lường.
Một trường hợp khác xảy ra hồi tháng 4 năm nay được đưa tới cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Nạn nhân là bé trai 7 tuổi, trong lúc chơi đùa cùng anh trai tại nhà trẻ, không may bị ngã đập vùng cổ, ngực vào góc kệ tivi bằng gỗ.
Ngay sau tai nạn, bé trai khó thở, đau nhiều vùng cổ, ngực. May mắn được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân tỉnh táo, hết khó thở, ăn uống tốt và được ra viện.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó 90% là thương tích không chủ ý. 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời.
Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 43%, tiếp đến nhóm 5-14 tuổi chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%.
Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trên toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.
Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong quá trình trẻ sinh hoạt, vui chơi, cha mẹ cần chú ý những chấn thương tác động mạnh, trực tiếp ở vùng cổ, ngực, hõm ức bởi có thể gây chấn thương khí quản, đe dọa tính mạng, gây đột tử, nếu tràn khí trung thất mức độ nặng có thể chèn ép tim gây tử vong.
Gia đình có trẻ nhỏ nên trông chừng trẻ cẩn thận, luôn để mắt tới trẻ, đồng thời dạy trẻ không được leo trèo, không xô đẩy nhau trong lúc chơi đùa, cẩn thận khi cho trẻ đi xe đạp, xe máy… Trong giai đoạn trẻ tập đứng và tập đi, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý và theo sát trẻ.
Khi cho trẻ sử dụng xe tập đi, cha mẹ cần đảm bảo trẻ ngồi ở những vị trí an toàn, tránh những độ cao nguy hiểm; làm lưới an toàn tại các khu vực dễ xảy ra tai nạn, đặc biệt là ở những nơi có thể gây té ngã.
Trong trường hợp chấn thương vùng hàm, mặt, người lớn tránh kích thích hoặc làm trẻ hoảng sợ, hạn chế các động tác làm tổn thương thêm đến vùng hàm. Nếu trẻ bị chảy máu nhiều, cần để trẻ nằm nghiêng để tránh máu chảy vào họng, gây tắc nghẽn đường thở.
Đối với chấn thương nặng, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời.