'Bác sĩ mặt lạnh như tiền' - sự vô cảm hay trọng trách nặng nề?

'Bác sĩ mặt lạnh như tiền' là câu cửa miệng, một hình ảnh quen thuộc, khi nói về bác sĩ, khi họ thông báo những tin không hay đến gia đình người bệnh. Đó là sự vô cảm trước nỗi đau của người bệnh, hay ẩn giấu đằng sau hình thức tưởng chừng như cố hữu này mà một 'âm bản trách nhiệm' của nghề mà ít ai nhận diện hay cảm thấu được?

Mặt lạnh như tiền – nhưng trái tim đong đầy yêu thương

Với sự phát triển của điện ảnh Hồng Kông trong vài thập kỷ trước, đó là sự xuất hiện hình ảnh người bác sĩ trong trang phục nlouse trắng và câu nói “chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng đành bó tay”, hay “chúng tôi đã cố gắng hết sức, xin gia đình kìm nén đau thương”; cùng vẻ mặt vô cảm, “lạnh lùng đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt. Hình ảnh đó dần ăn sâu vào tiềm thức nhiều người, nhưng phim ảnh liệu có đang phản ánh đúng chân dung đầy đủ của người bác sĩ?

Trong lĩnh vực tâm lý, khi cung cấp tin dữ cho bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân. Có hai trạng thái nên có của người bác sĩ: Một trường phái cho rằng, người cung cấp tin dữ cần có một cái đầu lạnh, một thái độ trung dung không bị chuyển cảm, không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của người bệnh, người nhà bệnh nhân. Có thể làm chủ trạng thái bản thân, sự bình tĩnh của người cung cấp tin, từ đó mang đến hiệu quả cao nhất cho việc truyền đạt thông tin, để đưa ra các hướng xử lý tiếp theo phù hợp với hoàn cảnh. Trong trường hợp này, người bác sĩ cần bản lĩnh để có được sự cần bằng nội tâm. Đằng sau vẻ “mặt lạnh như tiền”, thái độ trung dung đó có thể là những ánh mắt, những hành động chứa sự đồng cảm, sẻ chia nhằm xoa dịu đi những nổi đau mà người bệnh và thân nhân đang gánh chịu.

Trạng thái thứ hai là bác sĩ có sự tương tác, đồng cảm với người bệnh thông qua những hành động, ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể để người bệnh, người nhà người bệnh có thể nhận diện, cảm nhận được. Với trạng thái này, bác sĩ cũng cần giữ vững trạng thái tâm lý của mình để không bị cuốn theo vòng xoáy cảm xúc của người bệnh để đưa ra những quyết định, chỉ định, định hướng chính xác tiếp theo. Dùng phương pháp nào để truyền đạt thông tin là sự lựa chọn cá nhân của mỗi bác sĩ. Người cung cấp tin dữ phụ thuộc vào bản lĩnh, tính cách, học tập, huấn luyện của từng người, để việc truyền đạt thông tin được chính xác, trung thực và có sự sẻ chia.

Không thể phủ nhận sự tồn tại một bộ phận các cán bộ y tế có “vẻ mặt lạnh như tiền”, đó có thể là sự thói quen nghề nghiệp trong một quá trình tiếp xúc quá nhiều người bệnh với tình cảnh ngặt nghèo, dẫn đến “chai lỳ” cảm xúc.

Bác sĩ cũng cần được... chữa bệnh

Sự tương tác giữa cá nhân với các nhân là điều hiển nhiên khỏi trong quá trình giao tiếp. Khi bác sĩ hay cán bộ chuyên môn cung cấp tin buồn cho người bệnh hay thân nhân bệnh nhân, thì cũng tồn tại những tác động hai chiều giữa người cung cấp và người nhận.

Trong thực tế, một số lượng không nhỏ các bác sĩ, nhân viên y tế công tác trong hoạt động chăm sóc giảm nhẹ, nhận nhiệm vụ cung cấp tin chẳng lành cho người bệnh thường bị stress, căng thẳng không thể tiếp tục đảm nhận công việc vì cảm thấy bất lực, quá tải trước những tiên lượng xấu của người bệnh mà không thể giúp gì cho người bệnh. Họ cảm thấy áp lực, tổn thương trước những phản ứng nhiều khi thái quá của bệnh nhân, thân nhân người bệnh.

Những biểu lộ cảm xúc, hành vi, thái độ của người nhận tin có thể tác động ngược lại với người cung cấp thông tin, nhất là ở giai đoạn đồng cảm của tiến trình cảm xúc. Người nhận tin có thể đau khổ, vật vã, thì người cung cấp thông tin cũng chịu không ít những tác động về mặt tâm lý. Bác sĩ có thể không đau khổ như người bệnh, nhưng những nổi đau của bệnh nhân ít nhiều khắc sâu vào tâm hồn của người bác sĩ, gây ra những tổn thương nặng nề, ảnh hưởng tiêu cực đến người cung cấp thông tin.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cán bộ chăm sóc giảm nhẹ cũng là những người cần được chăm sóc giảm nhẹ về mặt thể chất, tinh thần, tâm lý để giải tỏa đi những stress, lo âu, căng thẳng, cảm giác bất lực. Giúp họ cải thiện chất lượng cuộc, hiệu quả công việc để mang đến những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh.

Là một bác sĩ nói chung hay một bác sĩ trong lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ nói riêng, việc đối mặt với những tính huống bất lực trước bệnh cảnh của người bệnh, trước nổi đau của thân nhân là điều không thể tránh khỏi. Để đảm đương tốt công việc, mỗi bác sĩ, mỗi điều dưỡng cần hiểu rằng, công việc này là vô cùng cần thiết, giúp ích rất lớn cho bệnh nhân và cho thân nhân người bệnh chứ không chỉ đơn thuần đưa ra những “bản án” của sự tuyệt vọng cho bệnh nhân.

GS.TS. Eric L.Krakauer

GS.TS. Eric L.Krakauer

GS.TS. Eric L.Krakauer, Giám đốc các chương trình quốc tế Trung tâm Chăm sóc cộng đồng thuộc Đại học Y khoa Harvard (Mỹ), khi đến Việt Nam giảng dạy về bộ môn chăm sóc giảm nhẹ, đã thực hiện một liệu pháp về mặt tinh thần để giúp những cán bộ trong lĩnh vực này giảm nhẹ đi những gánh nặng mà họ phải đối diện trong quá trình công tác. Cụ thể, trong lớp học của GS. Eric L.Krakauer, các học viên được giới thiệu về một bài tập, theo đó cuối mỗi tuần làm việc, những cán bộ đảm nhận công tác chăm sóc giảm nhẹ sẽ có một buổi họp. Các nhân viên được cung cấp một tờ giấy để viết ra những điều khó khăn, căng thẳng, bức xúc mà bản thân gặp phải trong tuần làm việc vừa qua, để rồi sau đó đốt bỏ mẫu giấy, để xóa đi những căng thẳng mệt mỏi. Đây là một hình thức để giải tỏa stress, cẳng thẳng cho chính những người làm công tác chăm sóc giảm nhẹ.

ThS.BS NGUYỄN MINH MẪN

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bac-si-mat-lanh-nhu-tien-su-vo-cam-hay-trong-trach-nang-ne-n182052.html