'Bác sĩ' máy ảnh cố đô Huế
Dành hơn nửa cuộc đời tự tìm tòi, nghiên cứu để sửa những chiếc máy ảnh bị hỏng , ông Lê Cảnh Xuyên (69 tuổi, trú tại TP. Huế, Thừa Thiên Huế) được dân chơi ảnh xứ Huế phong là 'Bác sĩ máy ảnh'.
Đầu những năm 80 của thập kỷ trước, cố đô Huế rộ lên nghề chụp ảnh dạo cho khách du lịch thập phương, thời kỳ mà chiếc máy ảnh được ví như cả “gia tài”, bởi nó vừa đắt vừa hiếm. Ông Lê Cảnh Xuyên được coi là một "dân chơi" ảnh với nghề chụp ảnh dạo làm vốn.
Tuy nhiên, sau một lần chiếc máy ảnh của ông bị hỏng nhưng không tìm được thợ sửa nên ông đã quyết định tự mày mò và “thử nghiệm” sửa chữa. Mất một thời gian dài, ông cũng sửa thành công chiếc máy ảnh của mình. Cái duyên với nghề bén rễ và gắn bó với ông Xuyên đến tận bây giờ.
Bạn bè trong nghề biết tiếng đến nhờ ông sửa. Càng sửa ông lại càng thấy đam mê như chính cách ông tự thú nhận “nghề đã ngấm vào máu tôi từ lúc nào không hay”.
Trong căn phòng khách nhỏ, không có bảng hiệu chỉ có một cái bàn gỗ với chiếc bóng đèn chụp, xung quanh đủ các loại ốc vít, con chíp và các dụng cụ nhỏ li ấy vậy mà ai cũng biết đến ông khi chiếc máy ảnh của mình “trở bệnh”.
“Mỗi chiếc máy ảnh đến đây điều mang một kỷ niệm, không có bệnh nào giống bệnh nào. Để những kỷ niệm đó không bị mất đi, khi sửa mỗi chiếc máy ảnh, các công đoạn cần sự tỉ mỉ ngồi hàng giờ, hàng ngày, thậm chí cả tháng trời…mới sửa xong một chiếc”, ông Lê Cảnh Xuyên tâm sự.
Không qua một trường lớp, không được một người thầy nào truyền nghề, chỉ bằng niềm đam mê và sự kiên trì tự học hỏi không ngừng, ông Xuyên bây giờ dường như rất có tiếng tăm trong nghề sửa máy ảnh.
Đặt nhẹ chiếc máy ảnh phim vừa sửa xong cho vị khách phương xa, ông Xuyên chia sẻ: “Nhận một chiếc máy ảnh hỏng mà chưa tìm ra bệnh, nhiều lúc trằn trọc mãi, ăn không ngon, ngủ không yên, luôn luôn đặt câu hỏi “lý do vì sao?”. Nhiều lúc nửa đêm nghĩ ra bệnh tôi bật người dậy sửa cho bằng được, sửa khi nào xong mới đi ngủ”.
Dành cả nửa đời người để sửa máy ảnh, ông Xuyên không chỉ sửa giỏi mà còn là người “nhạy” với sự phát triển của công nghệ, bởi vốn dĩ có rất nhiều dòng máy ảnh. Dòng đầu tiên là máy ảnh phim, thứ hai là máy ảnh cơ có điện tử và giờ là máy kỹ thuật số. Để không bị lạc hậu với đam mê máy ảnh, ông luôn tự nghiên cứu và tìm tòi, nên dù có rảnh đến mấy ông cũng tự “vẽ” việc ra để làm, mày mò, tự mình phải làm thầy của chính mình, như là một sự trau dồi kiến thức về nghề.
Trên tay mân mê chiếc máy ảnh phim cũ của vị khách, ông tâm sự: “Tôi đặc biệt yêu thích máy ảnh phim, dù bệnh gì cũng điều cũng dễ “trị” hơn cả, nghe lại vui tai, cứ dựa vào tiếng nhảy của máy để bắt bệnh đúng không có gì sướng bằng”.
Với một người hành nghề bằng sự đam mê và tỉ mẩn, ông Xuyên dường như luôn đặt chữ tâm vào nghề, đặt cả cái tâm vào từng bộ phận máy ảnh, từng con vít, vi mạch, để không làm hư máy, khi nó “lành” thì mình hạnh phúc mà khách cũng vui. Chắc cũng chính vì lẽ đó mà căn phòng nhỏ của ông trong con hẻm vắng luôn là nơi ghé thăm của rất nhiều người đam mê chụp ảnh, trẻ có, già có. Họ gặp gỡ nhau, chia sẻ với nhau về chuyện nghề, chuyện đời để cùng tâm đắc mỗi khi chụp được những bức ảnh để đời.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/bac-si-may-anh-co-do-hue-500315.html