Bác sĩ mũ nồi xanh Việt Nam chủ động phòng, chống dịch Covid-19
Với tinh thần chủ động, tích cực, các bác sĩ quân y mũ nồi xanh Việt Nam đã chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với đại dịch Covid-19, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) ở khu vực Bentiu (Cộng hòa Nam Sudan), trong bối cảnh đại dịch đang lây lan nhanh trên toàn cầu…
Từ Bentiu, Trung úy, bác sĩ Từ Quang cho biết, Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC 2.2) của Việt Nam vừa được Phái bộ GGHB LHQ tại đây giao nhiệm vụ kiểm soát và sàng lọc y tế ở sân bay Rubkona, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng. Công việc chủ yếu là kiểm tra yếu tố dịch tễ, đo thân nhiệt khách đi từ Rubkona. Tuy số lượng hành khách qua lại sân bay không đông, do phái bộ đã hạn chế các chuyến bay từ Bentiu lên thủ đô Juba và ngược lại, trừ chở hàng, chở quan chức của LHQ hoặc cấp cứu y tế, nhưng nhiệm vụ kiểm soát và sàng lọc y tế tại đây cũng không đơn giản. Một phần do điều kiện trang thiết bị y tế hạn chế, ngoài ra, việc mang đồ bảo hộ kín mít làm việc trong điều kiện nóng bức cũng là một thử thách không nhỏ.
Theo bác sĩ Võ Văn Hiển, Giám đốc bệnh viện, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng ứng phó với đại dịch, BVDC 2.2 đã bố trí một đội cấp cứu cơ động sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, như: CASEVAC, MEDIVAC và làm các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của phái bộ, giống như đội cấp cứu ngoại viện. Đội luôn sẵn sàng lên đường khi có bệnh nhân cần cấp cứu hoặc có nhiệm vụ đột xuất. Kể từ khi bệnh viện nhận được lệnh thực hiện nhiệm vụ ở sân bay Rubkona, chỉ mất khoảng 40 phút, đội đã có mặt ở sân bay để thực hiện nhiệm vụ.
Từ hơn một tháng qua, cán bộ, nhân viên của BVDC 2.2 ngoài bảo đảm công việc chuyên môn còn dành thời gian tham gia các chương trình huấn luyện trực tuyến liên tục được cập nhật do phái bộ tổ chức, diễn tập các tình huống, phương án ứng phó với đại dịch. Khắc phục điều kiện internet hạn chế, tốc độ chậm, các y sĩ, bác sĩ phải in tài liệu ra để thực hành diễn tập theo. Vì giới hạn tập trung đông người nên bệnh viện hạn chế diễn tập phối hợp giữa các khoa-ban, bộ phận, mà các khoa-ban tự tổ chức huấn luyện riêng.
Tình huống diễn tập có bệnh nhân giả định là một nữ nhân viên LHQ có biểu hiện nghi nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhân viên này trước đó đã đi du lịch tới Hàn Quốc và tiếp xúc với một số người tại đây. Những người này sau đó được xét nghiệm với kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển tới khu cách ly để thực hiện khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế Phái bộ cũng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Trưởng khoa Khám bệnh, BVDC 2.2 đã thiết lập một khu vực cách ly, đưa các bệnh nhân có triệu chứng và tiền sử dịch tễ tới đó khám để tránh lây nhiễm. Với vai trò là bệnh viện tuyến cao nhất ở khu vực Bentiu, BVDC 2.2 đã chủ trì nhiều cuộc họp với các bệnh viện cấp 1 ở đây để lập kế hoạch ứng phó. Bệnh viện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế của phái bộ cũng như các bệnh viện cấp 1 để tuyên truyền nâng cao ý thức và các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 cho các nhân viên LHQ ở địa bàn.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền Nam Sudan đã gần như đóng cửa toàn bộ đất nước và hạn chế tối đa các chuyến bay tới Nam Sudan cũng như lượng người nhập cảnh. Phái bộ GGHB LHQ tại đây cũng yêu cầu các nước ngừng hoạt động đổi quân. Ở Nam Sudan luôn tiềm ẩn các bệnh truyền nhiễm có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng và các đơn vị. Ngay từ giai đoạn tiền triển khai, BVDC 2.2 dưới sự chỉ đạo của Học viện Quân y và Cục GGHH Việt Nam đã chuẩn bị các kế hoạch đối phó cùng với cơ số thuốc men, thiết bị y tế cơ bản phục vụ phòng, chống dịch bệnh ở địa bàn.
Bác sĩ Võ Văn Hiển cho biết, Cộng hòa Nam Sudan vừa mới phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Nguy cơ đại dịch lây lan ở Nam Sudan là khó tránh vì các nước láng giềng đã ghi nhận có các ca nhiễm Covid-19. Hơn nữa ở môi trường hoạt động đa quốc gia, nhân viên LHQ thường xuyên di chuyển, dẫn tới nguy cơ mang mầm bệnh từ nơi khác đến lây lan trong cộng đồng, các đơn vị. Trong điều kiện yếu kém về cơ sở hạ tầng y tế, vệ sinh môi trường ở Nam Sudan, khả năng kiểm soát bệnh tật của hệ thống y tế phái bộ cũng như nước sở tại chưa tốt, nên nếu có bệnh nhân nhiễm bệnh thì nguy cơ bùng phát dịch ở Nam Sudan là rất lớn.
Bác sĩ Hiển cho biết, bệnh viện Việt Nam ở cạnh Khu bảo vệ dân thường (trại tị nạn) có hơn 110 nghìn người, nên nguy cơ bùng phát dịch là đáng lo ngại. Trong khi cơ sở vật chất còn hạn chế, trang thiết bị bảo hộ cá nhân thiếu nên nguy cơ phơi nhiễm cao. Với sự hỗ trợ và chỉ đạo từ các chuyên gia và cơ quan trong nước, phối hợp với các cơ quan y tế phái bộ, BVDC 2.2 đã chuẩn bị các kế hoạch ứng phó, sẵn sàng triển khai thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Vừa qua, BVDC 2.2 đã đón đoàn kiểm tra của LHQ đến đánh giá toàn diện khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Ban giám đốc bệnh viện đã trình bày các đề xuất biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là phương án cách ly, điều trị bệnh nhân nghi ngờ nhiễm. Đoàn kiểm tra tán thành và đánh giá cao sự chủ động của bệnh viện dã chiến Việt Nam trong phòng, chống đại dịch. Kết quả kiểm tra, bệnh viện được phái bộ đánh giá tổng thể khả năng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ở mức “rất tốt”. Đội ngũ nhân viên y tế được đánh giá cao về khả năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và tuân thủ các quy định của phái bộ.