Bác sĩ Ngô Thị Linh: Chuyển từ cấp cứu sang dinh dưỡng là bước ngoặt cuộc đời
Chuyển hướng về ngành Dinh dưỡng sau 8 năm rèn giũa ở Khoa Cấp cứu là một quyết định sáng suốt nhưng cũng là bước ngoặt trong cuộc đời của BS. Ngô Thị Linh, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên.
Tuy nhiên cô gái trẻ này luôn tâm niệm, cố gắng giúp bệnh nhân thay đổi tư duy và lối sống một cách tích cực là niềm vui mỗi ngày.
Bác sĩ Ngô Thị Linh xuất thân trong một gia đình nông thôn có đông anh chị em. Tuổi thơ bác sĩ mắc kẹt ở thân hình gầy gò, ốm yếu và thường xuyên bị bệnh do sức đề kháng yếu. Thương bản thân hay đau ốm, người phụ nữ sinh năm 1988 ấp ủ ước mơ khoác chiếc áo blouse trắng để chăm sóc sức khỏe cho chính mình, cũng như chăm lo sức khỏe cho cha mẹ, ông bà.
"Luyện thép" trong môi trường cấp cứu
Lựa chọn chuyên ngành sau tốt nghiệp là dinh dưỡng, nhưng khi ra trường, bác sĩ Ngô Linh xuất phát ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (nay là Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên).
8 năm công tác tại khoa, nữ bác sĩ học được rất nhiều. Bệnh nhân vào khoa Cấp cứu thường lâm vào tình trạng đau nặng và chuyển biến rất nhanh, lại hầu như không có cận lâm sàng, nên đòi hỏi bác sĩ phải nhạy bén, quyết đoán, tập trung và chính xác. Các bác sĩ phải dựa vào kiến thức đã học và kinh nghiệm bản thân sau khi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, nhiều mặt bệnh để xử lý với tốc độ "tên lửa".
Khoa Cấp cứu vì vậy chính là "lò rèn" giúp các bác sĩ mới ra trường tự tin hơn, có nhiều kinh nghiệm và xử trí kịp thời dù có làm việc ở bất cứ môi trường nào.
Năm 2020, trong sự ngỡ ngàng của các đồng nghiệp, bác sĩ Ngô Linh xin chuyển công tác về Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Sở dĩ đồng nghiệp ngạc nhiên vì thời điểm này, dinh dưỡng chưa được đề cao trong điều trị. Nhưng xuất phát từ đam mê cháy bỏng với chuyên ngành Dinh dưỡng, lại được dẫn dắt bởi các thầy cô bộ môn Nội trong quá trình học Chuyên Khoa I tại Đại học Tây Nguyên, bác sĩ Linh đã ra một quyết định mang tính bước ngoặt cuộc đời.
Ngày đi học chuyên sâu về dinh dưỡng, thầy giảng viên đã rất ngạc nhiên khi nghe BS. Linh chia sẻ chuyện xin từ khoa Cấp cứu về khoa Dinh dưỡng. Thầy cũng tỏ ra vui mừng khi có một học viên tự nguyện xin về khoa và đam mê chuyên ngành dinh dưỡng.
Từ năm 2020, bác sĩ Ngô Linh là giảng viên thỉnh giảng bộ môn Nội của trường Đại học Tây Nguyên, tham gia giảng dạy về Dinh dưỡng cuối khóa cho các sinh viên Y6 của trường. Từ năm 2021 đến nay, bác sĩ được Bệnh viện Vùng Tây Nguyên giao nhiệm vụ Phụ trách khoa Dinh dưỡng, tham gia trực tiếp tư vấn, điều trị dinh dưỡng cho bệnh nhân.
Giúp bệnh nhân béo phì "lột xác"
Ngoài công việc tại bệnh viện, bác sĩ Linh còn làm Cố vấn dinh dưỡng giúp những trường hợp thừa cân béo phì thay đổi ngoại hình, tâm lý và lối sống. Nhiệm vụ chính của nữ bác sĩ là truyền đạt cho các HLV (coach) về kiến thức dinh dưỡng từ cơ bản đến bệnh lý, hướng dẫn họ xây dựng thực đơn cho học viên, hỗ trợ coach ở những học viên khó, mắc nhiều bệnh lý nền.
Sở hữu nhiều năm kinh nghiệm, Ngô Thị Linh nhận được rất nhiều lời mời hợp tác, nhưng nữ bác sĩ chọn gắn bó với một nơi cho chị thấy được sự đồng cảm trên con đường hỗ trợ dinh dưỡng bằng kiến thức y khoa, chứ không phải dựa hoàn toàn vào thực phẩm bổ sung.
Bác sĩ Linh muốn đồng hành với những cộng sự có cùng chung quyết tâm tìm lại sức khỏe cho học viên bằng những kiến thức chuẩn y học, bằng thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng và phù hợp với bệnh lý, nhằm thay đổi toàn diện lối sống cho học viên.
Đối với bác sĩ Linh, việc giúp học viên thay đổi tư duy, trở về lối sống lành mạnh là quan trọng nhất, hơn rất nhiều việc giúp họ giảm cân nặng, rồi sau đó quay lại lối sống thiếu lành mạnh. Đó là một vòng luẩn quẩn không có lối thoát.
Trăn trở với nghề
Kỹ năng quan sát, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm là tối quan trọng với ngành Dinh dưỡng. "Tâm niệm của tôi là luôn tôn trọng đồng nghiệp, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân", bác sĩ Linh chia sẻ.
Muốn khai thác được chế độ ăn, lối sống của bệnh nhân cũng cần có sự tinh tế, kiên nhẫn, cảm thông, động viên để bệnh nhân có thể nói thật những gì họ ăn uống trong ngày, tránh bỏ sót thực phẩm hoặc bữa ăn, sẽ khiến bác sĩ khó tính toán năng lượng nạp vào.
Tạo niềm tin cho bệnh nhân, thuyết phục bệnh nhân thay đổi thói quen là điều vô cùng khó khăn. Rất nhiều bệnh nhân biết rõ chế độ ăn uống, sinh hoạt của mình cần phải thay đổi, nhưng không đủ kiên trì để thực hành lối sống lành mạnh vì thiếu sự đồng hành của người tư vấn.
Bác sĩ Linh hiện đang hỗ trợ ca bệnh Trọng Nhân nặng 230 kg giảm về 80 kg. Những người như Trọng Nhân là thử thách vô cùng lớn vì họ nạp vào cơ thể một nguồn năng lượng khủng, gấp nhiều lần nhu cầu hằng ngày. Họ mắc nhiều rối loạn chuyển hóa và bệnh lý nền, nguy cơ tim mạch rất cao. Lựa chọn một chế độ ăn cung cấp vừa đủ, đúng năng lượng, các chất sinh năng lượng, vitamin và khoáng chất mà không xảy ra trường hợp hạ đường huyết đột ngột, hay tăng nguy cơ đột quỵ là vô cùng quan trọng.
Thay đổi bệnh nhân từ lối sống thụ động sang lối sống vận động cũng là một thử thách lớn đối với nhóm hỗ trợ cho học viên. Thay đổi tâm lý tự ti sang tự tin cũng là một vấn đề nan giải. Vì vậy, cần có sự theo dõi nghiêm ngặt trước, trong và sau can thiệp đối với những ca siêu nặng để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho học viên.
Bác sĩ Linh tâm sự: "Chúng ta hãy coi bệnh nhân như người thân của mình, đặt địa vị của mình vào vị trí của bệnh nhân để có thể tìm ra giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân. Cách đây vài ngày, tôi có tham gia một chương trình nói về "Thuyết" để được "thương" và thấm thía rằng: mình hãy thuyết làm sao cho người nghe thương yêu chính bản thân mình, thương yêu những người đang chăm sóc sức khỏe cho mình, để cùng nhau chia sẻ, đồng hành vượt qua một thời khắc khó khăn trong cuộc sống".
=> TÌM HIỂU THÊM VỀ BYE BÉO