Bác sĩ, nhà nghiên cứu Gérard Chapuis: Có điều gì đó thôi thúc tôi không ngừng tìm hiểu cuộc đời của vua Hàm Nghi
Vua Hàm Nghi - Hồi ức con đường El Biar là công trình nghiên cứu của Bác sĩ Gérard Chapuis - nhà nghiên cứu văn hóa người Pháp gốc Việt, kể về cuộc đời và hoạt động nghệ thuật của vua Hàm Nghi ở Algérie, từ lúc nhà vua bị thực dân Pháp bắt đi đày (1888) đến lúc mất (1944). Công trình được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chọn tuyển và NXB Thuận Hóa ấn hành, mới ra mắt bạn đọc cuối tháng 3- 2023, có thể được xem là công trình đầu tiên đầy đủ nhất về vua Hàm Nghi, đã thu hút đông đảo công chúng quan tâm Lịch sử Việt Nam và triều Nguyễn. Dịp này, ông Gérard Chapuis đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện dưới đây.
* P.V: Động cơ nào ông lại đến với đề tài Vua Hàm Nghi, thay vì một số vị vua khác cũng từng lưu vong trên đất Pháp?
+ Ông Gérard Chapuis: Ngoài vua Hàm Nghi, còn có vua Thành Thái và vua Duy Tân (con vua Thành Thái) bị đày đi Châu Phi...Nhưng, có cái gì đó thôi thúc tôi không ngừng tìm hiểu cuộc đời của vua Hàm Nghi vì ông bị người Pháp dùng như một quân cờ... Tôi thấy rõ trong hình ảnh mà ông đưa trước công chúng, như tiền nhân đã nói khi mà ông chỉ là con thuyền bấp bênh trên dòng sông tha hương... với nỗi nhớ quê hương:''Cuộc đời con người chỉ là con rối trong vòng tay định mệnh''.… Trước đám đông, ông càng im lặng vì có thực lực rất cao, có bản lĩnh và hiểu cách sống độc lập tức là sống trong im lặng, khiêm tốn và sự lợi hại của ông nằm ở chỗ "biết người biết ta". Bên ngoài không có gì nổi bật ngoài áo dài truyền thống và búi tóc cổ truyền nhưng nội tâm của ông lại vô cùng mạnh mẽ và phong phú, vì có một góc nhỏ yên tĩnh cho tâm thức, khiến người ta có cảm giác không dễ bắt nạt ông. Chỉ cần một ánh mắt của ông, cũng đủ khiến họ nhận rõ ông không hề tầm thường chút nào. Và ánh mắt đó dầu là cửa sổ của tâm hồn, đối tác cũng khó đoán được ý đồ của người trầm lặng. Tuy không hay bàn luận nhưng trong lòng ông đã có hàng ngàn lập luận để xô đổ miệng đời điêu ngoa hay chỉ trích. Dưới nét mặt thờ ơ là sự tập trung quan sát tỉ mỉ vấn đề để tìm thời cơ hành động và phấn đấu. Và khi đã chớp cơ hội phù hợp, ông giữ vững sự tỉnh táo, sáng suốt để hành động chính xác, không thụ động hay suy sụp tinh thần, không hèn nhát, tự chủ mọi vấn đề.
Cùng với thời gian và tuổi tác, ông càng thích sống trầm lặng hơn, nội tâm lắng động nhiều kinh nghiệm phong phú, tâm tính dần tĩnh lặng và muốn tìm đến cuộc sống bình yên, dần dần thoát li sự bốc đồng thuở thiếu thời. Phải chăng thời thanh niên, sự bốc đồng đã dẫn Hàm Nghi đến việc bị cách ly thị oai ở tỉnh Oran/Tiaret cuối năm 1891 và ông hết lòng mong muốn "về vườn" để tận hưởng lâu đài Losse năm 1930 vùng Dordogne, ở tuổi 59, một nơi hẻo lánh với không gian tĩnh mịch như ''một nhà nông lịch lãm'' mà thuật ngữ tiếng anh thường gọi là "Gentleman farmer"? Trầm lặng này thể hiện chỉ số thông minh của Hàm Nghi trước cuộc sống mà người khác đã an bài cho ông trong sự lưu vong đầy cay đắng.
Tôi yêu ý chí của ông, bao gồm sự kiên trì, tính mục tiêu, tính quyết đoán, khả năng kiểm soát… Tôi yêu lòng dũng cảm được ông trui rèn gần ba năm với nghĩa quân trong rừng thiêng nước độc, sự gan dạ, dám làm, dám hành động. Nó cho thấy một tinh thần mạo hiểm của một người biết nắm bắt cơ hội, lúc cần phải ra tay thì sẽ ra tay. Bất kể là ở thời đại nào, nếu không có gan chấp nhận thử thách và mạo hiểm thì sẽ chẳng bao giờ nên được việc lớn. Những người thành công hầu hết đều là những người có "cái gan" hơn người.
* P.V: Để có được công trình nói trên, ông đã thâu thập tư liệu và biên soạn trong thời gian bao lâu?
+ Ông Gérard Chapuis: Tôi đã ấp ủ vấn đề từ khi mua tấm tranh lừng danh ''Chiều tà'' tháng 11- 2010, tấm tranh khai sinh lần hai vua Hàm Nghi khi tranh ''cho phép'' ông trở lại trong lòng người Việt sau 121 năm biệt tích. Nếu tấm tranh ''Chiều tà'' không ra mắt công chúng thế giới năm 2010 thì chưa chắc có luận án của hậu duệ của Hàm nghi, chưa chắc có những công trình nghiên cứu đã, đang và sẽ có mặt trên kệ sách, chưa chắc có triển lãm ''Nghệ Thuật Lưu Đày''- Hàm Nghi, Hoàng Tử xứ Trung Kỳ (1871-1944) )/L'art en exil - Hàm Nghi, Prince d'Annam (1871-1944), tại Bảo tàng Châu Á Nice ngày 19-3-2022, chưa chắc có khánh thành không gian trưng bày "Vua Hàm Nghi- Cuộc đời và nghệ thuật" cho quần chúng thưởng lãm tại Huế và giản dị hơn thế nữa, sẽ không có sách ''Vua Hàm Nghi Hồi ức con đường El Biar'' với logo ''Quý đến từ ''Tủ sách Huế''.
Trong quá trình trò chuyện, ông Gérard Chapuis cho biết khi viết ''Vua Hàm Nghi Hồi ức con đường El Biar'', ông nhận được nhiều sự giúp đỡ từ nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân.
* P.V: Trong quá trình thực hiện công trình này, ông đã gặp những trở ngại nào đáng kể nhất?
+ Ông Gérard Chapuis: Những trở ngại đáng kể nhất đến từ phía Việt Nam vì hệ thống lưu trữ thiếu kinh phí và thiếu kinh nghiệm.
* P.V: Được biết, ông đặc biệt quan tâm đến hoạt động nghệ thuật của vua Hàm Nghi trong thời gian ngài bị lưu đày ở xứ người. Xin ông có thể cho biết thêm những thông tin mới nhất về vấn đề này?
+ Ông Gérard Chapuis: Từ năm 2010, 9 bức tranh của Hàm Nghi được giao lưu trên thị trường. Có những tranh được bán ra khi đó là tặng phẩm của gia đình Hàm Nghi. Theo tôi được biết, nhánh cả mà đại diện là anh Đặng Văn Giáp đã cố mua tấm tranh Hàm Nghi, nhưng không thành.
* P.V: Sau công trình về Vua Hàm Nghi, ông có dự định thực hiện tập sách nào về các vị Vua triều Nguyễn?
+ Ông Gérard Chapuis: Cuốn sách sắp tới sẽ là ''Đức Khải Định - Hoàng Đế nước Đại Nam Ngự Giá Như Tây Ký ngày qua ngày". Sách sẽ được giới thiệu khi khánh thành điện Kiến Trung năm 2024. Và tôi sẽ bỏ ra công sức để chứng minh rằng, Khải Định không phải là ông vua bù nhìn như đa số người Việt nghĩ... Như Hàm Nghi, ông bị thời cuộc tròng cho ông chiếc áo khoác bó/Camisole ... một cách rất khác!
* P.V: Xin cảm ơn Bác sĩ Gérard Chapuis và chúc ông tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới trong công việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
Trần Trung Sáng (thực hiện)