'Bác sĩ ơi, tui bị bí tiểu!'
Đường dây nóng cấp cứu niệu đạo của BV Bình Dân hoạt động được hơn một năm nay. Đường dây tiếp nhận nhiều trường hợp loay hoay tìm nơi chữa bệnh và nhờ tư vấn qua điện thoại.
Nhu cầu tiểu tiện tưởng chừng bình thường với nhiều người nhưng lại là nỗi ám ảnh với những ai không may bị tổn thương niệu đạo.
17 lần phẫu thuật vẫn chưa tiểu được
Hơn một năm trước, anh TVK (37 tuổi, ngụ Hưng Yên) bị tai nạn khiến đa chấn thương và đứt niệu đạo. Khi các chấn thương đã dần hồi phục, anh K. vẫn không thể trở lại với công việc khi luôn phải mang bên mình một chiếc túi chứa nước tiểu. Kèm theo đó là tình trạng sức khỏe sa sút, những cơn đau nhức vùng khung chậu luôn hành hạ, tình trạng tiểu tiện khó khăn do di chứng hẹp niệu đạo sau tai nạn.
Anh K. đã trải qua 16 lần nong niệu đạo và một lần nội soi xẻ lạnh niệu đạo hẹp với hy vọng làm rộng được đường thoát lưu nước tiểu nhưng thất bại. Tình cờ biết đến đường dây nóng cấp cứu niệu đạo, với hy vọng còn nước còn tát, anh quyết định vào TP.HCM chữa trị.
Tại đây, êkíp phẫu thuật với sự tham gia của GS Joe Gelman - một chuyên gia về phẫu thuật niệu đạo hàng đầu thế giới và các cộng sự đến từ Mỹ đang hỗ trợ phát triển chuyên môn tại BV Bình Dân đã phẫu thuật tái tạo niệu đạo cho anh vào tháng 4-2019.
Bằng phương pháp vi phẫu với sự hỗ trợ của máy nội soi mềm có thể uốn dễ dàng qua các góc cong tự nhiên của đường tiểu dưới, các bác sĩ phẫu thuật xác định được đường đi, đánh giá độ di lệch của niệu đạo sau đứt và tiến hành cắt lọc mô xơ, khâu nối “tận-tận” hiệu quả hai đoạn đứt của niệu đạo. Sau khi rút bỏ hoàn toàn các ống thông, anh K. đã tiểu tiện dễ dàng qua niệu đạo mới được tạo hình.
Một trường hợp khác, nam sinh viên ĐH Y Dược Huế không may bị xe tải húc văng xuống đường vào đêm tối gây đa chấn thương. Nằm bảy, tám tháng chờ vết thương lành và phẫu thuật niệu đạo, đường tiểu của chàng trai vẫn không thể thông và buộc phải luôn mang túi nước tiểu. Với hy vọng trở lại việc học và sinh hoạt bình thường, chàng trai tìm đến đơn vị niệu đạo của BV Bình Dân để phẫu thuật. Sau phẫu thuật, mặc dù vẫn còn mang bỉm vì còn tiểu són do các ca phẫu thuật trước đã làm hư cơ siết nước tiểu nhưng chàng trai hài lòng so với việc phải mang túi nước tiểu bên người.
Sau ca phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt túi ngách bàng quang cách đây 10 năm, bà NTT (50 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) hay bị rối loạn đi tiểu, triệu chứng nặng dần, tiểu gắt, tiểu lắt nhắt xuất hiện nhiều hơn vào ba năm trước đây khiến bà chỉ dám bán tạp hóa nhỏ lẻ tại nhà. Trải qua 20 lần nong niệu đạo nhưng chứng hẹp niệu đạo vẫn đeo bám, bà bỏ cuộc. Tìm đến BV Bình Dân, bà được các bác sĩ tạo hình niệu đạo bằng mảnh ghép niêm mạc má. Sau ba tháng, bà T. mới trở lại tự tin trong cuộc sống với chức năng đi tiểu bình thường.
Đường dây luôn nóng
ThS-BS Đỗ Lệnh Hùng, Trưởng Đơn vị niệu đạo của BV Bình Dân, cho hay từ khi ra mắt đường dây cấp cứu niệu đạo, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi nhờ tư vấn khi người dân nghi ngờ bị chấn thương niệu đạo hoặc tìm kiếm phương pháp chữa hẹp niệu đạo sau nhiều lần can thiệp thất bại.
Ghi nhận tại BV Bình Dân về nguyên nhân gây hẹp niệu đạo thường gặp gồm có tai nạn giao thông, tai nạn lao động và tai nạn sinh hoạt, đặc biệt là nam giới lao động chân tay, điều khiển xe cơ giới, xuồng ghe…
“Có trường hợp một thanh niên đang dùng vật liệu kích dục đưa vào niệu đạo thủ dâm thì chảy máu, rút ra không được, phải gọi tư vấn. Sau khi chỉ cách xử trí cầm máu, tôi hướng dẫn thanh niên vào bệnh viện gấp nhưng đợi hoài không thấy” - BS Hùng nhớ một trường hợp dở khóc, dở cười.
Ngoài ra, nhiều trường hợp trải qua nhiều lần phẫu thuật niệu đạo thất bại khiến can thiệp về sau kém hiệu quả luôn khiến êkíp trăn trở.
Theo BS Hùng, việc khám và điều trị sớm tại các cơ sở y tế chuyên sâu về niệu khoa, niệu đạo có ý nghĩa lớn đối với người bệnh vì tăng cơ hội tạo hình thành công, giảm tối đa những đau đớn, giảm thời gian điều trị kéo dài gây áp lực tâm lý nặng nề trên người bệnh. Nếu chậm trễ hoặc chỉ định sai, can thiệp niệu đạo nhiều lần thất bại sẽ làm giảm tỉ lệ thành công vì làm hình thành các mô xơ gây khó khăn cho tạo hình niệu đạo về sau. Tại đơn vị, nếu được can thiệp sớm, tỉ lệ thành công của các ca trên 98%.
Ghi nhớ đường dây nóng hữu ích
Nhằm hỗ trợ người bệnh dập vỡ niệu đạo do chấn thương, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động, ngày 26-4-2018, BV Bình Dân TP.HCM đã thành lập, ra mắt Đơn vị cấp cứu niệu đạo. Đơn vị có chức năng tiếp nhận cấp cứu và điều trị các vấn đề về niệu đạo 24/24 giờ.
Trong dịp này, bệnh viện cũng công bố số điện thoại đường dây nóng cấp cứu niệu đạo 0962 021 771. Đường dây nóng do các bác sĩ niệu đạo phụ trách sẽ hướng dẫn và trả lời thắc mắc cho người bệnh. Sự ra đời của đơn vị sẽ giúp rút ngắn thời gian chờ đợi phân loại người bệnh, từ đó tăng tính kịp thời và hiệu quả trong điều trị.
Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/vui-buon-duong-day-nong-cap-cuu-nieu-dao-840664.html