Bác sĩ pháp y: 'Tiếng nói' cuối cùng của người đã khuất

'Con dao mổ trong tay chúng tôi không phải để cứu chữa người bệnh, mà là để giúp người đã khuất 'nói' lên tiếng nói cuối cùng, góp phần phục vụ cho công tác điều tra, phá án…', đó là chia sẻ của bác sĩ Đinh Văn Tiến, Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Giám định giải phẫu bệnh và xét nghiệm, Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ninh.

Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2016, Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ninh hiện có 13 cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên, đóng góp quan trọng trong đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án. Chỉ tính riêng năm 2024, Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng ninh đã thực hiện tổng số 2.657 vụ việc giám định, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, giám định thương tích là 1.133 vụ, giám định tử thi là 422 vụ, giám định xâm hại tình dục là 63 vụ,…

Qua 9 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ninh đã triển khai được các loại hình giám định như: Giám định nồng độ cồn trong máu tử thi và người sống, giám định mô bệnh học, tham gia hội đồng xác định chết não phục vụ việc hiến mô ghép tạng…

Các bác sĩ của Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ninh thực hiện pha bệnh phẩm tử thi. Ảnh: Nguyễn Dung.

Các bác sĩ của Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ninh thực hiện pha bệnh phẩm tử thi. Ảnh: Nguyễn Dung.

Công việc pháp y là nghề đặc biệt, sử dụng kiến thức y học để phục vụ pháp luật, phục vụ các cơ quan tiến hành tố tụng với phương châm khách quan, khoa học, trung thực và chính xác góp phần xét xử đúng người, đúng tội và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Quá trình giám định, các bác sĩ thường phải đối mặt với sự đấu tranh tâm lý giữa các bên bị hại và bị can. Bên gia đình bị hại thường muốn tăng thương, còn bên bị can lại luôn muốn tỷ lệ giảm đi để giảm trách nhiệm hình sự. Vì vậy, các bác sĩ luôn phải kiên định để giữ gìn y đức, bản lĩnh vững vàng, tính trung thực cao, công tâm và khách quan, không để bị mua chuộc. Đồng thời phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, giám định chính xác, không bỏ qua cho kẻ thủ ác nhưng cũng không làm oan sai cho người vô tội.

Chia sẻ về nỗi vất vả nghề pháp y, bác sĩ Đinh Văn Tiến bộc bạch: Mặc dù đã tham gia khám nghiệm hàng nghìn vụ án. Mỗi vụ án là một hiện trường, địa điểm khó khăn khác nhau, có thể là rừng sâu, bờ suối, nhà hoang, ven đường quốc lộ…, nỗi ám ảnh về mùi tử thi với tôi tuy không còn đáng sợ như những ngày đầu vào nghề, song những vất vả của công việc đặc thù thì không vì thế mà vơi đi... Bất kể thời gian, hoàn cảnh hay địa điểm nào, cứ xảy ra vụ việc, khi có lệnh là chúng tôi lại lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Bởi vậy, với nghề bác sĩ pháp y không chỉ đòi hỏi bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, thể chất tốt mà cả trách nhiệm, tinh thần hết mình, yêu nghề.

Bên cạnh đó, các bác sĩ pháp y còn phải chịu đựng sức ép tâm lý vô cùng nặng nề khi chứng kiến nỗi đau nhân đôi từ phía người thân, gia đình nạn nhân.

"Mổ tử thi trong điều kiện gia đình nạn nhân không đồng ý nhưng Cơ quan điều tra bắt buộc phải giải phẫu tử thi để làm rõ nguyên nhân tử vong. Trong lúc hoang mang rối bời, gia đình nạn nhân không hiểu rõ sự việc, không hiểu về công tác pháp y sẵn sàng to tiếng, thóa mạ, thậm chí đánh đuổi bác sĩ. Do đó, ngoài làm tốt công tác chuyên môn, giữ cho mình "cái đầu lạnh" để đảm bảo sự khách quan, khoa học thì bác sĩ pháp y cũng cần giữ một trái tim ấm để chia sẻ, an ủi, động viên nhằm vơi bớt nỗi đau của các nạn nhân và gia đình họ", bác sĩ Phạm Văn Đễ, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Hơn nữa, với tính chất đặc thù của công việc là thường xuyên tiếp xúc với tử thi, thậm chí là những tử thi đã phân hủy nhiều ngày, thối rữa cũng ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe của các bác sĩ pháp y. Và cũng có cả những "lời xì xầm, bàn tán" nhạy cảm về cái nghề mổ xẻ, khâu vá xác chết là "nặng vía", "nặng nghiệp",...

Vậy mà những chiến sĩ áo trắng ấy vẫn giữ "tinh thần thép", bản lĩnh vững vàng trên con đường mình đã chọn, lặng lẽ cống hiến vì công bằng, lẽ phải. Các bác sĩ pháp y đã giúp người đã khuất "nói" lên tiếng nói cuối cùng, góp phần phục vụ cho công tác điều tra, phá án và đưa sự thật ra ánh sáng.

Ngọc Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bac-si-phap-y-tieng-noi-cuoi-cung-cua-nguoi-da-khuat-10300506.html