Bác sĩ sản chia sẻ các dấu hiệu mẹ bầu không được bỏ qua khi mang thai
Nếu mẹ bầu phát hiện các bất thường về cơ thể, thì hãy ngay lập tức đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ảnh minh họa
Việc không xử lý những dấu hiệu bất thường khi mang thai có thể gây hại cho sức khỏe của bà bầu và thai nhi, thậm chí có thể đe dọa tính mạng của họ. Dưới đây là những lời khuyên hữu ích từ Thạc sĩ - Bác sĩ Phạm Ngọc Hà, chuyên khoa Sản phụ khoa tại Bệnh viện Thanh Nhàn, để giúp các bố mẹ chăm sóc sức khỏe của mình và con yêu.
Những dấu hiệu bạn không bao giờ được chủ quan khi mang thai:
1. Chảy máu trong thai kỳ
Khi bắt đầu mang thai, nhiều phụ nữ có thể bị ra máu mà không gặp phải vấn đề gì cả, bởi vì đây là chảy máu do thai làm tổ có thể xảy ra sau khi trứng được thụ tinh và làm tổ vào niêm mạc tử cung khoảng từ 6 đến 12 ngày. Tuy nhiên, nếu bạn thấy ra máu âm đạo kiểu giống như bắt đầu kỳ kinh nguyệt - đây cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của sảy thai, chửa ngoài tử cung hoặc chửa trứng. Chảy máu có thể là ngắt quãng hoặc liên tục và nặng hoặc nhẹ. Nếu bạn đang mang “thai trứng" chửa trứng, bạn có thể thấy những túi nhỏ chảy ra từ âm đạo của mình kèm theo máu.
Ngoài ra, nếu chảy máu ở quý 2 và quý 3 của thai kỳ có thể là dấu hiệu của dọa sảy, dọa đẻ non hoặc rau tiền đạo.
2. Cơn đau ở hạ vị
Một chút đau quặn bụng thường không có gì đáng lo ngại. Nhưng nếu bạn bị đau quặn đi cùng với các triệu chứng khác, chẳng hạn như chảy máu, hoặc đau quằn quại, thì có thể đó là dấu hiệu của một biến chứng nguy hiểm. Ví dụ:
Xuất hiện cơn đau liên tục ở hạ vị kèm ra máu âm đạo dạng giống như rong kinh có thể là dấu hiệu chửa ngoài tử cung.
Đau đột ngột, rồi xây xẩm mặt mày khi đứng lên cảm giác như tụt huyết áp, choáng ngất có thể đây là dấu hiệu hiệu của chửa ngoài tử cung bị vỡ.
3. Phù khi mang thai
Phù nhẹ vào quý cuối thường là triệu chứng bình thường, nhưng phù nặng kèm theo huyết áp cao có thể đây là dấu hiệu của tiền sản giật.
4. Thai ít cử động
Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy em bé cử động khi thai được khoảng 16 đến 22 tuần, mặc dù lúc đầu những cử động này sẽ yếu ớt. Vào cuối quý hai hoặc đầu quý ba thai kỳ, những cú đạp của bé sẽ mạnh hơn và thường xuyên hơn. Nếu bất cứ lúc nào bạn nghĩ rằng tần suất cử động của bé chậm lại hoặc có vẻ gì đó không ổn, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn.
Ngoài ra, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên theo dõi hoạt động của bé bằng cách đếm số lần đạp hàng ngày trong tam cá nguyệt thứ ba hay không? Họ có thể hướng dẫn cụ thể cho bạn cách đếm và khi nào nên gọi sự trợ giúp.
Chuyển động của em bé chậm lại có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng tử cung, nước ối ít và/hoặc suy thai.
Trong quý 2, 3 của thai kỳ nếu đột nhiên em bé ít đạp hơn hàng ngày hãy tới ngay bệnh viện bởi có thể đây là dấu hiệu suy thai, nhiễm trùng tử cung thai.
5. Ra nước âm đạo
Nếu đột nhiên thấy ra nước đường âm đạo thì có thể ối của bạn đã bị vỡ hoặc bị rỉ ối, và điều đó có nghĩa là bạn có thể sinh con sớm nếu tuần thai < 37.
Gọi cho bệnh viện hoặc bác sĩ của bạn bất cứ khi nào ối của bạn bị vỡ. Đột nhiên âm đạo bạn ra nước thì phải tới viện ngay để kiểm tra xem có rỉ ối hay không.
6. Bị ngứa bất thường
Trong thời kỳ mang thai, bạn có thể ngứa một chút, đặc biệt là nếu bạn có vết rạn da, điều này là bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn phát hiện một phát ban ngứa xuất hiện sau này trong thai kỳ, bắt đầu từ những chấm nhỏ, nổi mụn, và có thể lan rộng thành các mảng tổn thương, thì đó có thể là các triệu chứng của một rối loạn da liên quan đến thai kỳ, mặc dù không nguy hiểm.
Bên cạnh đó, nếu bạn tự dưng bị ngứa đột ngột, dữ dội đặc biệt là ngứa bắt đầu từ lòng bàn tay và bàn chân và lan ra khắp cơ thể, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn ngay lập tức. Loại ngứa này có thể là dấu hiệu của một rối loạn gan hiếm gặp được gọi là ứ mật liên quan đến thai kỳ. Đây là một tình trạng có khả năng nguy hiểm, thường bắt đầu vào quý ba và có thể gây ra nguy cơ sinh non và thai chết lưu.
7. Đau đầu dữ dội
Trong quý thứ 2 hoặc thứ 3 một cơn đau đầu dữ dội dai dẳng không biến mất khi nghỉ ngơi hoặc khi dùng giảm đau thì đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Bất kỳ cơn đau nào trong thai kỳ gây cho bạn khó chịu cũng đều nên được kiểm tra.
Trong quý hai hoặc ba (ngay cả trong vài tuần đầu sau sinh), đau đầu dai dẳng hoặc dữ dội không biến mất khi bạn nghỉ ngơi hoặc uống acetaminophen có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Nó cũng có thể là một triệu chứng của bệnh đau nửa đầu hoặc hiếm hơn đó là đột quỵ, bạn có thể bị đau đầu dữ dội, nhói bắt đầu đột ngột ở một bên đầu, phía trên tai và đặc biệt đáng lo ngại nếu bạn thường không bị đau đầu và/hoặc nó có đi kèm với mờ mắt hoặc nói lắp.
8. Tăng cân quá nhanh
Đặc biệt là nửa sau thai kỳ có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Tăng hơn 1,2-2,2kg/1 tuần. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp tiền sản giật cũng đều tăng cân.
9. Thay đổi tầm nhìn
Thay đổi thị lực, đặc biệt là vào hoặc sau 20 tuần mang thai, có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Hãy cảnh giác với:
- Nhìn mờ liên tục
- Nhìn thấy các điểm hoặc đèn nhấp nháy
- Tăng độ nhạy sáng
Nhất là những thay đổi thị lực lại đi cùng với các triệu chứng khác như đau đầu, sưng chân hoặc tăng cân nhanh chóng, điều này trở nên đặc biệt đáng lo ngại.
10. Tiểu buốt
Nếu bạn tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu hoặc nước tiểu đục, là tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu cần điều trị sớm để tránh nhiễm trùng lan lên thận gây apxe thận và suy giảm chức năng thận.
11. Dịch tiết âm đạo
Bình thường là màu trắng trong hoặc trắng sữa, nếu dịch tiết âm đạo có màu xanh, màu vàng hoặc có mùi khó chịu hoặc ngứa => cần đi khám ngay để tìm nguyên nhân và điều trị sớm.
12. Sốt
Khi xuất hiện sốt mẹ bầu cũng phải đi khám để kiểm tra xem có nhiễm trùng không, sốt cao hay không bởi vì sốt cao có thể gây hại cho thai nhất là vào thời kỳ đầu của thai kỳ< 10 tuần tuổi, sốt cao quá lâu trên 38.5 độ C do bất kể nguyên nhân dẫn đến sốt là gì thì thai nhi cũng có nguy cơ mắc một số dị tật bẩm sinh.
13. Nôn mửa nghiêm trọng
Buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng, được gọi là hyperemesis gravidarum (HG), có thể gây ra các vấn đề như giảm cân, nhẹ cân và mất nước. HG có thể bắt đầu trong thời kỳ đầu mang thai và có thể tiếp diễn trong suốt thai kỳ.
Nếu bạn bị buồn nôn và nôn dai dẳng nhiều lần trong ngày, không thể uống được bất kỳ chất lỏng nào trong 12 giờ hoặc bị choáng váng vì nôn, hãy trao đổi bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của bạn. Bạn có thể cần phải được điều trị bằng dịch truyền tĩnh mạch và thuốc chống nôn.
Nếu bạn không bị buồn nôn trong khi mang thai và đột nhiên bị như vậy, bạn có thể bị nhiễm virus, có vấn đề khác với gan hoặc tuyến tụy hoặc ngộ độc thực phẩm. Buồn nôn đột ngột trong nửa sau của thai kỳ có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.
14. Phù nề và đau
Phù nề khi mang thai, đặc biệt phù nhẹ trong quý cuối là hoàn toàn bình thường. Nhưng một số loại phù nề có thể chỉ ra tiền sản giật:
- Phù nề dai dẳng, nghiêm trọng ở mặt.
- Phù nề bọng mắt dai dẳng, nghiêm trọng quanh mắt.
- Phù nặng và đột ngột của bàn chân hoặc mắt cá chân, đặc biệt là vào buổi sáng.
- Sưng, đau ở một chân hoặc một cánh tay cũng đáng lo ngại, bởi vì nó có thể là dấu hiệu của huyết khối tĩnh mạch sâu (cục máu đông trong tĩnh mạch của bạn). Các chi cũng có thể có màu đỏ hoặc sưng và ấm. Điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ hoặc lên đến sáu tuần sau sinh. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể di chuyển và dẫn đến thuyên tắc phổi.
15. Chóng mặt hoặc ngất xỉu
Nếu bạn bị chóng mặt hoặc choáng váng đột ngột hoặc lặp lại trong nhiều ngày; nếu bạn ngất xỉu hoặc bất tỉnh, hoặc nếu bạn bị mất trí nhớ, đó có thể là dấu hiệu của tiền sản giật, đột quỵ, vấn đề về tim hoặc phổi, chảy máu hoặc các vấn đề về đường huyết. Chóng mặt hoặc ngất xỉu có thể báo hiệu một vấn đề xấu và nó có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ.
16. Cực kỳ mệt mỏi
Mang thai đôi khi có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi mãn tính, nhưng nếu bạn đột nhiên rất mệt mỏi và yếu đuối và không cảm thấy sảng khoái cho dù bạn ngủ bao nhiêu, đó có thể là dấu hiệu của bệnh tim, thiếu máu, tiểu đường hoặc trầm cảm.
Ngoài ra nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức:
- Đau ngực.
- Nhịp tim hồi hộp trong thời gian dài hoặc tim đập nhanh.
- Ho ra máu.
- Ngất xỉu, chóng mặt thường xuyên hoặc đột ngột, nhầm lẫn.
- Nôn mửa hoặc tiêu chảy nghiêm trọng.
- Khó thở.