Bác sĩ sản khoa tự phẫu thuật tại nhà gây chết người hầu Tòa
Ngày 10/5, TAND quận Bình Tân (TP.HCM) tiến hành xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Phan Đức Hồng về tội 'Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, thuộc trường hợp làm chết người'. Do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, HĐXX quết định nghị án kéo dài.
Theo hồ sơ, bị cáo Phan Đức Hồng (61 tuổi, nguyên là bác sĩ chuyên khoa ngoại sản, đã nghỉ hưu) mở cơ sở thẩm mỹ kinh doanh, nhưng không đáp ứng các quy định về y tế tại quận Bình Tân. Bị cáo Hồng tự quảng cáo, tìm kiếm và nhận thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ phức tạp tại cơ sở không đủ điều kiện an toàn.
Đầu năm 2021, bị cáo gặp chị L.Th. L. trong lần đến khám ở bệnh viện. Chị L. nói có nhu cầu thẩm mỹ nên xin số điện thoại bị cáo. 6 tháng sau, chị L. gọi điện thoại xin tư vấn phẫu thuật nâng ngực, thẩm mỹ vùng kín. Bị cáo báo giá 74 triệu đồng nhưng chị nói chỉ có 50 triệu nên không phẫu thuật ở bệnh viện, mà nhờ phẫu thuật tại nhà bằng phương pháp gây tê.
Sáng ngày 3/7/2021, chị L. đến nhà bị cáo Hồng ở quận Bình Tân để làm phẫu thuật. Sau khi đo huyết áp, nhịp tim... cho khách hàng, bác sĩ đưa lên căn phòng ở lầu một, tiêm hai ống thuốc gây tê Lidocain dưới da vùng ngực.
Khi đang phẫu thuật ngực phải, người phụ nữ kêu đau nên bị cáo tiêm thêm thuốc tê. Trong lúc chuyển qua phẫu thuật ngực trái thì chị L. có biểu hiện suy hô hấp, mặt tím tái. Bị cáo Hồng dừng phẫu thuật, hỗ trợ hồi sức tích cực, cho thở bình oxy nhưng nạn nhân chuyển sang co giật. Bác sĩ gọi con gái 17 tuổi vào hỗ trợ bóp bóng thở oxy. Đến 15h cùng ngày, chị L. tử vong.
Trên đường bị cáo Hồng cùng con gái đưa thi thể chị L. về Trà Vinh đã bị lạc đường. Khi trời tối, bị cáo tấp vào một trại hòm đề nghị khâm liệm thi thể với chi phí 20 triệu đồng. Chủ trại hòm thấy sự việc bất thường nên báo Công an.
Cơ quan điều tra xác định, năm 2011, bị cáo Hồng có tham gia khóa tập huấn Căn bản về nâng ngực thẩm mỹ tại Bệnh viện Đại học Y dược - Đại học Y dược TP.HCM và được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, giấy chứng nhận này “không có giá trị chứng nhận học viên được trực tiếp thực hiện phẫu thuật nâng ngực”. Việc bị cáo Hồng thực hiện các kỹ thuật trong khám chữa bệnh tại nhà riêng là vi phạm các điều cấm theo khoản 2, Điều 6 Luật Khám chữa bệnh.
Sau khi xảy ra vụ án, chồng chị L. yêu cầu bác sĩ bồi thường chi phí mai táng, tổn thất tinh thần và tiền cấp dưỡng nuôi con tổng cộng là hơn 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Hồng không đồng ý mức bồi thường này. Con trai bị cáo Hồng bồi thường cho gia đình chị L. 100 triệu đồng nhưng họ không nhận.
Tại phiên xử, HĐXX hỏi, khi phẫu thuật khách hàng kêu đau, tiêm thuốc tê không cải thiện sao bị cáo không đưa vào bệnh viện cấp cứu? Bị cáo Hồng đáp: “Bị cáo mất bình tĩnh nên đã xử lý sai, sự việc diễn ra quá nhanh”. Về lý do không báo tin cho gia đình nạn nhân mà chở thi thể về quê họ, bị cáo lý giải “muốn gặp trực tiếp để trình bày sự việc và cùng có hướng khắc phục hậu quả, sau đó sẽ trình báo chính quyền”.
Chiều cùng ngày, HĐXX tiếp tục tiến hành làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, nhưng do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần làm rõ nên HĐXX quyết định nghị án kéo dài.