Bác sĩ thẩm mỹ 'dỏm' gây sự cố đau thương
Mỗi năm nước ta có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có đến 25.000 - 30.000 ca biến chứng
Nhiều sự cố gây ám ảnh
TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW Hàn Quốc, cho hay ông ám ảnh những ca biến chứng mà bệnh viện tiếp nhận, xử trí do thực hiện tại những cơ sở "chui". "Chui" ở đây là vì người thực hiện hoàn toàn không phải là bác sĩ, điều dưỡng, hoàn toàn không phải người có trình độ y khoa. Nhiều trường hợp không phải y - bác sĩ hay người có trình độ y khoa nhưng lại tự ý mở cơ sở làm đẹp để tiêm filler; tự ý tổ chức phẫu thuật nâng mũi, nâng ngực… và gây ra những tai biến đáng tiếc cho bệnh nhân.
BS Tú Dung kể vài trường hợp cụ thể như: một phụ nữ bị lật mi mắt nặng không thể nhắm sau khi cắt mí tại một spa ở Bến Tre, một bệnh nhân thủng trụ vách ngăn sau khi nâng mũi tại một cơ sở làm đẹp ở Lâm Đồng, hoại tử mặt do tiêm filler má tại một spa ở TP HCM...
Ghi nhận ở tại một Bệnh viện Thẩm mỹ cho thấy biến chứng thường gặp nhất là ở mắt (42%), mũi (31%), tiêm filler (22%), ngực (4%). Đáng báo động là tình trạng tiêm filler tràn lan. Biến chứng do tiêm filler gây mù mắt, hoại tử, nhiễm trùng cực kỳ nguy hiểm.
Bệnh viện Da Liễu TP HCM thời gian qua cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ như áp xe do tiêm filler, thủng mũi sau khi nâng mũi…
Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân N.T.D.T (ngụ quận 12, TP HCM) đến khám trong tình trạng đầu chóp mũi bị sưng đỏ, vật liệu nâng mũi bị lộ ra ngoài ở chóp mũi. Chị T. cho biết năm 2018 chị đến một thẩm mỹ viện để nâng mũi và được tư vấn nâng mũi bằng sụn sinh học với giá khoảng 28 triệu đồng. Khoảng tháng 5-2021, đầu mũi chị xuất hiện một nốt nhọt sưng, đỏ… Nghĩ đây là nhọt da thông thường và do dịch bệnh, chị ra nhà thuốc mua thuốc kháng sinh về uống nhưng không đỡ. Sau vài tuần, da ở đầu mũi bắt đầu bị thủng, "sụn silicon" lộ ra bên ngoài.
PGS-TS-BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Da Liễu TP HCM, cho biết bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm khuẩn, thủng đầu mũi lộ vật liệu cấy ghép. Đây là một tình trạng cấp cứu thẩm mỹ, bệnh nhân được làm hồ sơ nhập viện ngay sau đó.
Theo BS Phạm Hiếu Liêm, đa số trường hợp bệnh nhân bị tai biến thường làm đẹp ở các cơ sở thẩm mỹ không phép hoặc thực hiện quá kỹ thuật cho phép; người thực hiện không được đào tạo bài bản về tạo hình thẩm mỹ dẫn đến những biến chứng đáng tiếc.
Khó phát hiện, xử lý còn nhẹ
Theo các chuyên gia, khi sử dụng dao kéo, tiêm chích tác động lên cơ thể con người thì sẽ tác động đến sức khỏe, tính mạng nên phải hết sức cẩn trọng. Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ phải là người được đào tạo chuyên khoa sâu về phẫu thuật thẩm mỹ và có kinh nghiệm thực tế để có thể tổ chức thực hiện trên nguyên tắc vô trùng, xử lý các biến chứng chung của ngoại khoa và phối hợp xử lý các biến cố sau phẫu thuật... Nhân sự gây mê - hồi sức rất quan trọng, phải là người có kinh nghiệm và có đầy đủ phương tiện theo dõi trong và sau mổ để phát hiện sớm các tai biến.
Theo Hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Việt Nam, có 479 phòng khám da liễu (chiếm 56%) trên toàn quốc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ dù không được phép. Mỗi năm có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có đến 25.000-30.000 ca biến chứng, sự cố gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chế tài pháp luật hiện nay còn nhẹ đối với các cá nhân tổ chức phẫu thuật thẩm mỹ "chui".
Thống kê của Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP HCM cho thấy hiện nay trên địa bàn có hơn 10 bệnh viện, hơn 200 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép nhưng lại có hơn 5.000 cơ sở hoạt động trái phép. Đây là nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe, tính mạng cho những người, đặc biệt là phụ nữ, có nhu cầu làm đẹp chính đáng.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, nhiều cơ sở thẩm mỹ không phép bị phát giác nhờ tin báo của quần chúng. Tuy nhiên, các cơ sở thẩm mỹ có hành vi lén lút, che đậy tinh vi khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra gặp nhiều khó khăn như: đóng cửa bên ngoài, chỉ mở cửa đón khách hàng có hẹn đến thực hiện dịch vụ, không mở cửa cho đoàn kiểm tra, gây áp lực, kéo dài thời gian để che giấu chứng cứ, tang vật... Nhiều trường hợp đoàn kiểm tra phải phối hợp với UBND quận, công an để cưỡng chế mở cửa.
Giới chuyên môn cho rằng tuy sự cố y khoa gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân song chế tài pháp luật hiện nay còn nhẹ. Để xử lý triệt để tình trạng tổ chức thẩm mỹ "chui", pháp luật cần nghiêm khắc hơn, cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, những người đứng đầu các cơ sở làm đẹp, spa phải đặt cái tâm, đạo đức vào công việc, tránh vì lợi nhuận mà làm liều gây hại cho bệnh nhân.
"Thời gian qua, nhiều thông tin về sự cố y khoa ở nhiều lĩnh vực. Sự cố y khoa gây ra đau thương cho gia đình người bệnh nhưng cũng gây áp lực rất lớn cho những người làm ngành y chân chính, thậm chí có người muốn bỏ nghề" - BS Tú Dung chia sẻ.
Lập lờ hoạt động
Theo PGS-TS-BS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, hiện nay có sự lập lờ hoạt động, nhập nhèm quản lý đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Những thủ thuật xâm lấn, chảy máu thì do Sở Y tế cấp phép; những thủ thuật không xâm lấn, làm đẹp ngoài da thì do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp.
Lợi dụng sự nhập nhằng này, nhiều cơ sở hoạt động ngoài lĩnh vực cho phép, quảng cáo quá lố để thu hút khách và gây ra những sự cố đáng tiếc.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/bac-si-tham-my-dom-gay-su-co-dau-thuong-20220530203902534.htm