Bác sĩ trả lời: Bị thoát vị đĩa đệm, làm shipper có ảnh hưởng đến sức khỏe?

* Bác sĩ cho tôi hỏi, tôi đi khám được kết luận là bị thoát vị đĩa đệm đốt sống L5 và có mảnh rời chèn ép. Biểu hiện là những cơn đau lưng rồi lan xuống chân trái, tê bì nhưng vẫn còn đi đứng được. Với tình trạng bệnh của tôi thì nên làm thế nào? Hiện nay, tôi đang làm nhân viên giao hàng phải đi lại thường xuyên bằng xe máy, liệu điều này có gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc của tôi không?

* Bác sĩ cho tôi hỏi, tôi đi khám được kết luận là bị thoát vị đĩa đệm đốt sống L5 và có mảnh rời chèn ép. Biểu hiện là những cơn đau lưng rồi lan xuống chân trái, tê bì nhưng vẫn còn đi đứng được. Với tình trạng bệnh của tôi thì nên làm thế nào? Hiện nay, tôi đang làm nhân viên giao hàng phải đi lại thường xuyên bằng xe máy, liệu điều này có gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc của tôi không?

(Anh Nguyễn Thanh Danh, 32 tuổi, làm shipper)

Trả lời:

Chào anh!

Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý thường gặp. Phần lớn gặp ở người độ tuổi trung niên, những người lao động nặng. Đa phần ở đoạn cột sống lưng và cột sống cổ. Lý do bởi đây là những đoạn cột sống vận động nhiều nhất.

Anh Danh đã đi khám và được chẩn đoán “thoát vị đĩa đệm L5" tức là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tầng L4-5 hoặc tầng L5S1. "Có mảnh rời chèn ép" tức là bao xơ đĩa đệm đã bị rách và nhân nhầy thoát ra chèn ép rễ thần kinh L5 bên trái. Anh có biểu hiện đau lưng, lan xuống chân, tê bì tức là có chèn ép rễ thần kinh khá nặng.

Nếu những triệu chứng này xảy ra thường xuyên và anh đã uống thuốc đúng bác sĩ chuyên khoa thần kinh khám, đã vật lý trị liệu không bớt trong thời gian 6 tuần... thì có thể xem xét phẫu thuật. Để phẫu thuật bác sĩ sẽ cho anh chụp thêm phim X-quang cột sống đánh giá độ mất vững cột sống của tầng thoát vị, rồi đưa ra phương pháp phẫu thuật phù hợp. Nếu chỉ thoát vị đơn thuần không mất vững thì chỉ cần phẫu thuật lấy nhân đệm thoát vị là đủ. Còn nếu cột sống mất vững thì cần phải phẫu thuật thay đĩa đệm.

Nghề nghiệp của anh là shipper, là một nghề có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm vì 2 lý do. Một là, ngồi trong thời gian khá lâu khi chạy xe, chạy qua ổ gà, vật cản trên đường nên áp lực lên đĩa đệm tăng cao liên tục trong thời gian dài dễ gây thoái hóa và thoát vị đĩa đệm. Hai là, đôi khi phải bê nặng, xách nặng cũng là yếu tố thuận lợi gây thoát vị đĩa đệm.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, mà anh vẫn phải làm shipper thì nên chọn đi quãng đường ngắn và hạn chế bê nặng. Ngoài ra, có thể dành thời gian thể dục để tăng cường độ khỏe cho cột sống như bơi, đi xe đạp...

Để chính xác về việc cần phẫu thuật hay không thì anh có thể tới khám tại các bệnh viện có chuyên khoa sâu về phẫu thuật thần kinh, cột sống.

ThS-BS Nguyễn Xuân Hùng,

Chuyên khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202312/bac-si-tra-loi-bi-thoat-vi-dia-dem-lam-shipper-co-anh-huong-den-suc-khoe-a182da5/