Bác sĩ trả lời: Ngón tay bị đứt đã 10 năm, có nối lại được không?
(Chị Hồng Hà, ngụ H.Cẩm Mỹ)
Trả lời:
Chào chị!
Bàn tay là một trong những bộ phận quan trọng nhất của con người, giúp chúng ta cầm nắm và còn đảm nhận những hoạt động khác đòi hỏi sự tinh vi, phức tạp như cầm bút để viết, vẽ. Nó còn là nơi nhận nhiều phản hồi cảm giác xúc giác cho cơ thể. Tổn thương đứt rời đốt xa ngón tay thường gặp do tai nạn lao động, để lại các khiếm khuyết về mặt chức năng và thẩm mỹ.
Đối với tình trạng đứt phần đốt xa các ngón trỏ, giữa và áp út người bệnh có thể sử dụng các ngón tay giả thẩm mỹ làm từ silicone, thay thế cho phần chi thể bị mất. Chức năng chính của ngón tay giả thẩm mỹ chủ yếu là thay thế hình dáng bên ngoài cũng như hỗ trợ một phần nhỏ trong các việc đỡ, giữ đồ vật.
Trong trường hợp cần phục hồi lại về chức năng cầm nắm và tính thẩm mỹ, bệnh nhân có thể được đánh giá để phẫu thuật chuyển nối ngón chân lên ngón tay để tái tạo phục hồi hình dạng ngón. Đây là một phẫu thuật vi phẫu phức tạp, cần các bác sỹ giàu kinh nghiệm và thiết bị cao cấp chuyên sâu như kính hiển vi, kính lúp, dụng cụ vi phẫu. Các bác sĩ sẽ lấy một phần ngón chân bệnh nhân để ghép nối vào phần mỏm cụt của ngón tay đứt lìa.
Tùy thuộc vào ngón tay, vị trí bị đứt, tình trạng chức năng gập duỗi của ngón mà sẽ có các phương pháp ghép nối khác nhau. Vì vậy bệnh nhân cần được khám và đánh giá trực tiếp, thực hiện các xét nghiệm cần thiết, hội chẩn kỹ lưỡng từ đó đưa ra phương án phẫu thuật phù hợp. Sau khi được phẫu thuật ghép nối tái tạo đầu ngón tay, bệnh nhân được chăm sóc theo chế độ đặc biệt tại giường để theo dõi tình trạng mảnh ghép, khi ra viện, sẽ được hướng dẫn tập phục hồi chức năng và tiếp tục tái khám để đánh giá.
Chúc cho chị có thể tìm được giải pháp phù hợp cho mình.
Trân trọng!
ThS BS CKII Lê Ngân,
Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai